Nhà Ozone và ngày thứ tư ở Thái Lan

24/11/2007 22:24 GMT+7

Tại Thái Lan, có những địa chỉ thân thuộc dành cho những bạn trẻ muốn giã từ quá khứ buồn hoặc muốn tránh xa HIV/AIDS.

Nhà Ozone

Bước vào Nhà Ozone ở thủ đô Bangkok, bạn sẽ nhìn thấy vô số khẩu hiệu trên tường. Trong đó, có một câu khá ấn tượng: “Vẫn là bạn của nhau cho dù không xài chung kim tiêm!”. Anh Piyabutr Nakapiew - Giám sát viên Nhà Ozone tại Bangkok cho biết: Mô hình Nhà Ozone ra đời vào năm 2004 nhằm mục đích giảm tỷ lệ người nhiễm HIV. Bởi lẽ, ước tính có khoảng 50% người bị nhiễm HIV do dùng kim tiêm chung. Hiện nay, Nhà Ozone ở Bangkok là điểm sinh hoạt thường xuyên của 218 người đã và đang sử dụng ma túy. Nhiều người trong số này trở thành tình nguyện viên. Họ đã tiếp cận, tuyên truyền ngăn ngừa HIV/AIDS và hướng dẫn cách sử dụng kim tiêm để bảo vệ sức khỏe cho 1.400 bạn trẻ.

Cũng tại Nhà Ozone ở Bangkok, chúng tôi thấy một số thanh niên đang chăm chỉ học vi tính. Anh Piyabutr Nakapiew cho hay: Nhà Ozone vừa là điểm sinh hoạt, vừa là nơi dạy nghề cho những thành viên muốn ổn định cuộc sống. Mới đây, Nhà Ozone mở phòng tư vấn, khám bệnh và giúp cai nghiện cho các bạn trẻ.

Ngoài văn phòng ở Bangkok, Nhà Ozone còn có các cơ sở ở hai tỉnh Chiang Mai và Chiang Rai. Dự kiến vào năm 2008, các Nhà Ozone sẽ thực hiện chương trình phân phát, trao đổi bơm kim tiêm. Trung bình mỗi ngày, mỗi thanh niên sử dụng ma túy sẽ được phát 5 kim tiêm sạch. “Liệu việc phát bơm kim tiêm có “kích thích” nhiều bạn trẻ sử dụng ma túy?” - chúng tôi hỏi. Anh Piyabutr Nakapiew nói: “Điều quan trọng nhất trong lúc này là giúp những bạn trẻ ấy không bị dính vào đại dịch HIV. Nhà Ozone chỉ phát bơm kim tiêm sạch chứ không chứa chấp những người đến đây để dùng ma túy. Trong quá trình sinh hoạt, các bạn ấy sẽ nhận ra tác hại của ma túy và tự thay đổi hành vi của mình. Có những thành viên đã vẽ nhiều tranh, thể hiện khát vọng từ bỏ quá khứ buồn bã của mình...”.

Ngày thứ tư

Thời gian đầu mới thành lập (năm 1991), câu lạc bộ (CLB) “Những người bạn ngày thứ tư” này chỉ hoạt động vào mỗi thứ tư hằng tuần. Đến nay, CLB đã thu hút hơn 3 ngàn thành viên là người nhiễm HIV (đa số từ 25 đến 30 tuổi) trên toàn quốc nên thời gian sinh hoạt phủ kín các ngày. Văn phòng CLB “Những người bạn ngày thứ tư” sát bên Bệnh viện giấu tên thuộc Hội Chữ thập đỏ Thái Lan (bệnh nhân không cần khai địa chỉ, tên tuổi mà chỉ cần lấy số thứ tự hoặc dấu vân tay khi đến tư vấn, điều trị tại những bệnh viện này – PV). Tại đây, có 16 tình nguyện viên (đều đã bị nhiễm HIV) thường xuyên túc trực để tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại cho những người đồng cảnh ngộ.

 Bạn trẻ đang học vi tính tại Nhà Ozone - Ảnh: Như Lịch

Anh Moo (44 tuổi), một tình nguyện viên cho biết CLB có cử người đến chăm sóc miễn phí bệnh nhân AIDS tại nhà hoặc giới thiệu họ đến hệ thống Bệnh viện giấu tên. Thỉnh thoảng, vào các chiến dịch, cả nhóm kéo nhau đi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, tham gia cắt tóc cho người dân ở vùng xa. Được biết, anh Moo đã tham gia CLB 11 năm. “Vợ” của anh (một người đồng tính) cũng là thành viên của CLB. Hai người vừa khổ sở vừa hạnh phúc nương tựa vào nhau trong những ngày cuối đời...

Trong khi đó, chị Tan (38 tuổi) mới đến với CLB hai năm nay tuy đã bị nhiễm HIV 10 năm rồi. “Trước đây, tôi chỉ tham gia chút chút thôi. Một lần, tôi được Công chúa Thái Lan ân cần thăm hỏi và đề nghị tôi nên dành nhiều thời gian chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Từ đó, tôi trở thành tình nguyện viên chính thức của CLB này” – chị Tan chia sẻ. Cũng nhờ có CLB này, chị Tan đã vượt qua nỗi đau chồng chết vì bệnh AIDS. “Tôi  thấy yêu đời hơn, sức khỏe tốt hơn nhiều so với hồi trước” – chị Tan khoe thêm: “Con gái tôi năm nay được 11 tuổi rồi. Cháu rất xinh đẹpå. Đặc biệt là cháu không bị nhiễm HIV!”.   

N.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.