Từ bỏ bệnh hình thức!

15/03/2013 09:54 GMT+7

Tại cuộc họp giao ban đầu năm Quý Tỵ của UBND TP Hội An (Quảng Nam), Chủ tịch UBND, ông Lê Văn Giảng đã từ chối thẳng thừng một đề nghị của Hội Nông dân địa phương: “Không thống nhất đề nghị của Hội Nông dân thành phố về việc xây dựng các bia tường tuyên truyền trực quan tại các cơ sở hội do hình thức tuyên truyền này không phù hợp với giai đoạn hiện nay cũng như cảnh quan kiến trúc của thành phố.”

Đây là một quyết định không dễ dàng đối với chính quyền một địa phương, bởi căn bệnh hình thức đã ăn nhiễm vào rất nhiều hoạt động mang tính phong trào nhưng rất ít tác dụng thiết thực từ lâu nay. Hội, đoàn thể xã hội, nghề nghiệp nào cũng muốn phô bày hoạt động của mình bằng các khẩu hiệu mà ít có hoạt động thực chất mang lại lợi ích cho thành viên của mình. Đi về nhiều vùng nông thôn, ta vẫn thường thấy các bức tường xanh đỏ xây ở các ngã ba với những khẩu hiệu chung chung lưu cửu, bên cạnh là huy hiệu hay tên của tổ chức, đoàn thể đó. Nhiều khẩu hiệu hô hào bảo vệ môi trường trên một bức tường xây, nhưng người dân lại đổ rác ở đó, vì không có nơi thu gom rác tập trung. Có khẩu hiệu trích từ các văn hiện chính trị, đại loại như “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” lại nằm ngay trên con đường lầy lội, trụ đỡ bằng hai gốc tre dẫn vào thôn xóm! Ra các thành phố cũng vậy, thỉnh thoảng lại bắt gặp các bảng đỏ chữ vàng, bảng xanh chữ trắng của các tổ chức phụ nữ, cựu chiến binh đặt ở các con hẽm, đoạn phố, đại loại: Khu phố không ma túy, Đoạn đường xanh sạch đẹp, Khối phố văn hóa rất hình thức và mâu thuẫn ngay với thực tế tại khu vực đó.

Tôi vừa đi một chuyến dọc miền Trung. Từ QL 1, nhìn vào các làng mạc hai bên đường, thấy nhiều nơi xây các cổng làng thật hoành tránh bằng bê tông cốt thép, màu sắc nhiều khi chỏi nhau khó chấp nhận, bên trên là những khẩu hiệu mang tầm vĩ mô và rất chiến lược, nhưng tuyệt nhiên không biết làng ấy tên gì. Trong khi đó, ngay trên đất Xô viết Nghệ Tĩnh, lại thấy nhiều cổng làng  có kiến trúc đậm chất truyền thống, tên làng ghi trang trọng trên cao, hai bên là các câu đối nhắc nhở con dân đoàn kết, hướng về cội nguồn, đất tổ. Ngay tại xã Diễn Mỹ, H.Diễn Châu (Nghệ An), một vị đại tá hưu trí còn tặng cho tôi một bản thiết kế mẫu của làng mình và nói: “Con cháu đi xa về lại, thấy cái tên làng mình trên cổng, họ sẽ nhớ và sẽ có những hành động hữu ích cho quê hương hơn là những câu khẩu hiệu chung chung, anh à!”

Trở lại với quyết định của chủ tịch UBND TP.Hội An, ta thấy rằng tuy “hình thức tuyên truyền này không phù hợp” với tình hình hiện nay và cảnh quan là hai lý do chính để ông Giảng từ chối lời đề nghị “tuyên truyền trực quan” của một đoàn thể. Nhưng ẩn chứa trong đó là một quyết định sáng suốt, quyết từ bỏ căn bệnh hình thức đã ăn sâu vào nhiều ngõ ngách đời sống hiện nay. Nếu nhiều nơi quyết làm như Hội An, thiết nghĩ ta sẽ bớt thấy hơn những câu khẩu hiệu không hiệu quả hiện nay mà ngân sách, hay những đóng góp từ túi tiền của người dân sẽ giảm đi một phần đáng kể...

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.