Bất an với thực phẩm bẩn

06/12/2013 02:11 GMT+7

Cứ dăm ba bữa, tại một trạm kiểm dịch nào đó trên quốc lộ 1A dẫn vào TP.HCM, cơ quan chức năng lại phát hiện xe chở hàng tấn nội tạng động vật, hoặc heo sữa đã... bốc mùi hôi thối. Số thực phẩm này, nếu trót lọt, qua bàn tay nhào luyện của một số cơ sở “biến thối thành thơm”, nó sẽ là nguồn thực phẩm “dồi dào” cung cấp cho các nhà hàng quán nhậu.

Dĩ nhiên, thực khách không hề biết số thực phẩm ấy đã từng thum thủm trước đó. Cũng như các đệ tử của Lưu Linh có thể vẫn gật gù khen rối rít nếu ghé chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) mua vài lít rượu “ngũ cốc” tùy chọn với hương vị “ngào ngạt” được chế biến tích tắc từ cồn công nghiệp và hương liệu cộng với nước lã. Dân uống bia thì “độn” đá lạnh thật đầy ly mà không cần hay biết, hoặc biết nhưng kệ, rằng mình đang “độn” vi khuẩn vào người. Còn dân ghiền cà phê thì sáng nào cũng uống ... bắp và đậu nành rang mà vẫn cứ phải trả tiền cà phê thứ thiệt. Tương tự, nhiều người dân vẫn vô tư ăn nhiều loại rau xanh, giá đỗ mà không hề biết chúng được kích thích “mau lớn” bằng những loại hóa chất độc hại...

Người dân ở các đô thị hiện nay luôn phải đối mặt với những loại thực phẩm ghê rợn như vậy. Thế nhưng, họ không có quyền lựa chọn nào khác, đành bám víu vào một câu tự trào vẫn thường xuất hiện trên môi: “Dùng thực phẩm bẩn thì chết từ từ, còn không dùng thì chết ngay tắp lự”. Cái cách “giết đồng loại” để tìm kiếm lợi nhuận cao nhất ở các cơ sở chế biến thực phẩm như những dẫn chứng trên đây thì sự vô lương đã được các chủ nhân đặt lên hàng đầu.

Không ai có thể biết hậu quả to lớn nếu uống thứ rượu “siêu tốc” ở chợ Kim Biên. Để nấu cho được 1 lít rượu thứ thiệt thì mất 10 ngày, còn “rượu Kim Biên” chỉ trong 1 phút, kẻ bất nhân sẽ chọn cái cách nhanh hơn để mau giàu hơn dù đồng loại của họ có thể chết vì phải uống thứ rượu đó.

Bây giờ, thực phẩm bẩn như giăng mắc khắp nơi nhưng người tiêu dùng thì không có quyền lựa chọn. Họ chỉ còn một cách là bấu víu vào “trách nhiệm xử lý” của cơ quan chức năng. Tỉnh thành nào cũng có “cơ quan chức năng” là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để theo dõi và xử lý các cơ sở chế biến thực phẩm bẩn và đểu này. Các chế tài và “khung” xử phạt đều đã có nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng đối với các cơ sở chế biến thực phẩm nguy hại này đều “nương tay” hơn là kiên quyết. Thậm chí có người đã “hạ khung” phạt các cơ sở chế biến thực phẩm đểu vì phạt nặng sợ họ sạt nghiệp. Hóa ra, “sạt nghiệp” vẫn đáng lo hơn sức khỏe con người!

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.