Ngân hàng có thiếu tiền đồng?

15/12/2007 23:00 GMT+7

Hàng loạt ngân hàng (NH) đang tăng lãi suất (LS) huy động tiền đồng; trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết các NH cũng hạn chế mua vào USD... Liệu có phải các NH đang thiếu tiền đồng? Ông Hồ Hữu Hạnh (ảnh), Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết:

- Tình hình tiền đồng của các NH hiện không quá căng thẳng. LS qua đêm đã không còn cao như trước. Theo tính toán của NH Nhà nước trong 7 ngày tới vốn khả dụng vẫn còn thừa. Năm nay có đặc điểm là các NH quốc doanh phải đưa vốn về hội sở nên gặp khó khăn trong vấn đề tiền đồng. Để chủ động trong việc quy đổi ngoại tệ sang tiền đồng, khách hàng chuyển sang quan hệ với các NH thương mại.

* Nếu không phải khan hiếm tiền đồng thì tại sao các NH lại đồng loạt tăng LS huy động tiền đồng?

- Trong hoạt động kinh doanh, các NH tự quyết định và chịu trách nhiệm. Dù rằng NH mong muốn LS thấp nhưng vấn đề lạm phát năm nay khiến LS phải tăng. So với lạm phát, LS huy động của NH phải dương thì mới thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Việc tăng LS huy động sẽ khiến giá thành đầu vào của NH cao lên. LS huy động tăng như một con dao hai lưỡi. Người gửi tiền sẽ được lợi nhưng người đi vay sẽ gánh chịu LS cao hơn. NH thì phải lựa chọn giải pháp giảm bớt lợi nhuận còn không thì phải tăng LS cho vay. Đây là vấn đề mà các NH cần phải tính toán sao cho hợp lý.

Ngoài cạnh tranh huy động vốn, các NH còn cạnh tranh cho vay bằng cách đưa ra các điều kiện vay dễ dàng hoặc hạ LS cho vay. Gần đây trên địa bàn lại xảy ra hiện tượng các NH giành khách vay của nhau. NH này cho khách vay 1 tỉ đồng, NH khác nhảy vào cho vay nhiều hơn. Đứng về phía khách hàng thì có lợi nhưng biện pháp thu hút khách hàng kiểu này là không cơ bản và hạ uy tín của chính NH đó.

* Trở lại vấn đề tiền đồng, vào đầu tháng 9, tiền đồng mất giá mạnh so với USD nhưng hiện nay lại tăng giá mạnh, vì sao thưa ông?

- Đúng là từ đầu năm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có đưa tỷ lệ tăng của tỷ giá năm 2007 là không quá 1% nhưng mức tăng hiện nay gần như không đáng kể. Nguyên nhân do lượng ngoại tệ chuyển vào Việt Nam khá lớn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư gián tiếp. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2007 có hơn 10.000 nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền vào Việt Nam đầu tư chứng khoán. Trong đó, chủ yếu là các nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan. Chính vì lượng USD trên thị trường dồi dào nên tiền đồng tăng giá. Về lý thuyết trong điều hành kinh tế vĩ mô cần giữ tỷ giá ổn định để khuyến khích xuất khẩu. Nhưng để làm được điều này Ngân hàng Nhà nước mua USD vào và phát hành giấy tờ có giá để thu hồi tiền đồng nhằm tránh lạm phát.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.