Hãy cẩn thận khi người Đức sa sút

16/11/2022 08:12 GMT+7

Theo thị trường cá cược, với tỷ lệ cược 12/1 (đặt 1 ăn 12 nếu đoán đúng Đức vô địch), Mannschaft coi như không được tính đến trong hàng ngũ các ứng cử viên vô địch nặng ký tại World Cup này.

Thầy trò Hansi Flick chỉ được xếp vị trí số 6, nhỉnh hơn Hà Lan (tỷ lệ cược 14/1) và đứng dưới các đội Brazil, Argentina, Pháp, Tây Ban Nha, Anh. Trong khi đó, Đức thậm chí còn không vào nổi “top 10” ở bảng xếp hạng FIFA. Mannschaft hiện đứng thứ 11 ở bảng xếp hạng này, chỉ hơn 2 bậc so với… Mexico!

Không có gì lạ, khi bóng đá Đức bị cho là đang cạn kiệt tài năng và Mannschaft cũng liên tục thất bại suốt những năm gần đây. Họ phải dừng bước tại vòng tứ kết EURO 2020. Đấy là giải đấu mà thông thường, cứ 2 lần góp mặt thì Đức đã có 1 lần lọt vào chung kết (6 lần trong 12 kỳ EURO tính đến trước EURO 2020). Ở World Cup 2018, Đức thua cả Hàn Quốc, bị loại ngay sau vòng bảng, trong tư cách ĐKVĐ. Còn ở mặt trận Nations League 2022 - 2023, Đức chỉ thắng 1 trong 6 trận, đứng dưới 2 đội không được dự World Cup là Ý và Hungary.

HLV Hansi Flick được kỳ vọng sẽ giúp tuyển Đức thành công

Reuters

Đâu là ngôi sao của bóng đá Đức hiện thời? Nhìn vào “top 20” trong cuộc bình chọn Quả bóng vàng 2022, chúng ta thấy có cả những cầu thủ Hàn Quốc, Serbia, Algeria, Na Uy, Colombia…, nhưng không hề thấy bóng dáng của cầu thủ nào người Đức. Năm ngoái, cầu thủ Đức thậm chí không hề xuất hiện trong danh sách đề cử gồm 29 người. Thật đáng kinh ngạc: đã 5 năm trôi qua kể từ lần gần đây nhất Đức có đại diện vào được “top 20” ở giải thưởng danh giá Quả bóng vàng - đó là Toni Kroos, đứng thứ 17 ở cuộc bầu chọn năm 2017!

Tài năng của bóng đá Đức khan hiếm đến nỗi HLV Hansi Flick phải triệu tập tiền đạo Niclas Fullkrug dự World Cup. Tiền đạo này đã 29 tuổi mà vẫn chưa bao giờ khoác áo tuyển quốc gia. Nếu không theo dõi Bundesliga mùa này, người ta sẽ phải tự hỏi “ai thế”, trong trường hợp Fullkrug ra sân tại Qatar, với chiếc áo số 9 vào loại danh giá nhất trong môn bóng đá. Và, hãy… cẩn thận. Đây không phải lần đầu tiên tuyển Đức giới thiệu một cầu thủ “vô danh tiểu tốt” nơi hàng tiền đạo, để rồi cầu thủ ấy bất ngờ diễn vai người hùng.

Hồi năm 1996, Oliver Bierhoff cũng chẳng được ai biết đến, khi anh xuất hiện lần đầu tiên trong màu áo Đức, ở tuổi 28. Thế rồi, Bierhoff đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ đầu tiên ghi “bàn thắng vàng” ở một giải đấu lớn. Đấy chính là bàn quyết định giúp Đức thắng CH Czech - một đối thủ đầy ắp ngôi sao trong đội hình - ở trận chung kết EURO 1996. Trước đó là Horst Hrubesch, với cả hai bàn quan trọng giúp Đức thắng Bỉ 2-1 trong trận chung kết EURO 1980. Mãi đến 29 tuổi, Hrubesch mới được Mannschaft triệu tập lần đầu tiên. Ông ra mắt và lập tức diễn vai người hùng tại EURO 1980, rồi nhanh chóng chia tay Mannschaft với khoảng 20 lần khoác áo đội tuyển, sau trận chung kết World Cup 1982.

Bây giờ, sẽ lại có câu chuyện cổ tích mang tên Fullkrug? Tuy không có danh tiếng, nhưng đây lại là cầu thủ có mọi ưu điểm cần thiết nơi một tiền đạo: di chuyển và chọn chỗ hợp lý trong vùng cấm địa, chơi bóng bổng tốt, có hiệu quả cao trong các pha xử lý khó. Mở rộng vấn đề, Đức sẽ bước vào World Cup 2022 với rất nhiều cầu thủ chưa được biết đến bên ngoài Bundesliga, hoặc nói chung là với một lực lượng “không có ngôi sao”, đang bị giới quan sát xem thường. Nhìn lại lịch sử, đã có rất nhiều lần Mannschaft thành công khi họ bị cho là đang suy yếu. Hồi Đức vô địch World Cup 2014, cũng chẳng có ngôi sao nào của họ vào được “top 10” ở cuộc bầu chọn Quả bóng vàng 2013. Bàn thắng duy nhất trong trận chung kết với Argentina được ghi bởi cầu thủ trẻ Mario Goetze, vốn không được thi đấu phút nào ở trận bán kết trước đó. Và Goetze trở thành cầu thủ dự bị đầu tiên ghi được bàn quyết định trong trận chung kết World Cup. Hãy cẩn thận trước những “người Đức thầm lặng”!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.