Heo nhập lậu đe dọa ngành chăn nuôi trong nước

22/01/2024 06:50 GMT+7

Ngành chăn nuôi trong nước đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay, mà một trong những nguyên nhân là nguồn heo lậu đổ về.

Hầu hết doanh nghiệp chăn nuôi bị lỗ

Gửi cho chúng tôi xem đoạn video clip quay cảnh heo lậu ồ ạt vận chuyển mỗi đêm qua biên giới, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khẳng định: "Tôi có đầy đủ bằng chứng, số liệu, và địa điểm cụ thể của heo nhập lậu. Việc chúng tôi đại diện người chăn nuôi kêu cứu đến Chính phủ là vì mục đích chung, vì ngành chăn nuôi đã quá thua lỗ nguyên cả năm. Nếu cứ tiếp tục để cho thịt ngoại nhập tràn vào thì ngành chăn nuôi trong nước phải làm sao để tồn tại?".

Thịt ngoại nhập, theo ông Công, không chỉ có heo nhập lậu mà còn có cả thịt nhập khẩu chính ngạch. Số liệu của Cục Chăn nuôi cho thấy trong tháng 12.2023, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 330 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cả năm 2023 đạt 3,53 tỉ USD. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 1,17 tỉ USD, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,51 tỉ USD, chỉ giảm 0,6% so với năm 2022.

Heo nhập lậu đe dọa ngành chăn nuôi trong nước- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp phải chủ động giảm đàn để hạn chế thiệt hại

Q.T

Ông Nguyễn Trí Công thừa nhận thịt nhập khẩu chính ngạch theo các cam kết quốc tế mà VN đã ký kết thì chúng ta phải chấp nhận, nhưng thực tế hiện nay bên cạnh nguồn thịt đông lạnh, ngành chăn nuôi nội địa còn thường xuyên đối mặt với nguồn heo sống nhập lậu với số lượng lên đến hàng ngàn con mỗi đêm. Ngoài ra, các chỉ tiêu về chất cấm trong chăn nuôi của VN được áp dụng nghiêm ngặt, cấm tuyệt đối việc sử dụng chất tăng trọng. Nhưng nguồn heo nhập lậu lại chưa được quản lý theo cách đó. Như vậy nếu để heo ngoại tràn vào thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng, và quan trọng hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ngành chăn nuôi khó khăn vì heo nhập lậu

Trả lời Thanh Niên ngày 21.1, ông Lê Thanh Phương, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực chăn nuôi và đang quản lý dự án cho 2 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Bình Dương, cũng đồng quan điểm: "Năm 2023 các DN chăn nuôi hầu hết đều bị lỗ vì sức mua giảm sút, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi không giảm. Ngay cả trong thời điểm chăn nuôi yên ổn bình thường thì mức giá bán heo hơi từ 52.000 - 54.000 đồng/kg hiện nay cũng chỉ ngang với giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó, mấy năm nay các dự án chăn nuôi tại Campuchia phát triển mạnh, giá thành sản xuất heo hơi theo công bố ngày hôm nay chỉ vào khoảng 35.000 - 41.000 đồng/kg tùy vùng. Sự chênh lệch giá khá lớn khiến cho các thương lái khi vận chuyển heo sống qua biên giới có một biên độ lợi nhuận nhất định.

Ở đây có tình trạng "giọt nước tràn ly", nghĩa là trong nước đang cố gắng duy trì mức giá để người chăn nuôi có thể sống được thì nguồn heo nhập lậu làm cán cân mất thăng bằng. Ngoài ra tình trạng heo sống nhập lậu gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Về an toàn thực phẩm, VN vẫn có tiêu chuẩn rất cao về chất cấm tăng trọng, trong khi các nước xung quanh vẫn còn lỏng lẻo trong việc quản lý".

Chăn nuôi trong nước "khó thở"

Cũng trả lời Thanh Niên ngày 21.1, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích: Hiện nay giá thành chăn nuôi của các nước xung quanh đang thấp hơn VN khá nhiều. Bên cạnh các điều kiện về quản lý chất cấm, ngành chăn nuôi trong nước còn đang đối mặt với dịch bệnh. Nếu ở thời điểm bình thường thì giá thành sản xuất vào khoảng 45.000 đồng/kg, nhưng nếu tính thêm các chi phí khác thì phải lên đến 50.000 đồng/kg.

Chưa kể trong giai đoạn dịch bệnh thì giá thành sẽ tăng thêm khoảng 20% để chống dịch, ví dụ như phải tăng lương cho nhân viên ở lại, chi phí thuốc, khử trùng… Nếu xảy ra heo bệnh thì phải tiêu hủy hoặc bán chạy để thu hồi vốn, nhưng chắc chắn không đủ bù đắp. Vì vậy, để ngành chăn nuôi nội địa cạnh tranh được với heo lậu là điều hết sức khó khăn.

Thế nhưng, theo ông Lê Thanh Phương, trong năm 2023, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã nhiều lần ban hành công điện để chỉ đạo tăng cường việc quản lý gia súc nhập lậu qua biên giới. Tuy nhiên, thực tế đến nay vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để mà còn có dấu hiệu tăng cao hơn khi vào cao điểm mùa tết. Nếu ngăn chặn được nguồn heo nhập lậu thì sẽ giúp ngành chăn nuôi trong nước giảm bớt khó khăn. Các nước láng giềng khi bán sang VN không được cũng sẽ điều chỉnh lại sản lượng vì đàn heo trong nước cũng như các nước xung quanh tăng lên nhanh do sự phát triển nóng từ 3 năm trước.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 23.1: Ngành chăn nuôi khó khăn vì heo nhập lậu

"Ở thời điểm đó giá thịt heo rất mắc. Tại thị trường Trung Quốc thậm chí còn cho rằng nuôi heo là ngành siêu lợi nhuận. Cho nên từ 3 năm trước nhiều dự án chăn nuôi đã được xây dựng. Đến thời điểm hiện nay giá heo Trung Quốc chỉ còn khoảng 46.000 - 47.000 đồng/kg, ở Lào thì từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, Thái Lan từ 46.000 - 52.000 đồng/kg… Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tiêu thụ giảm sút và nguồn cung vượt cầu thì áp lực cạnh tranh sẽ càng gay gắt. Vì thế, các DN phải chủ động giảm nguồn cung. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tăng cường ngăn chặn ở biên giới để hạn chế heo nhập lậu. Như vậy mới có thể giúp cho ngành chăn nuôi sống sót", ông Phương nói.

Về vấn đề giảm đàn, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P VN, cho biết trong bối cảnh nguồn cung vượt cầu, hầu hết các DN chăn nuôi đều chủ động giảm đàn. Nhưng trước mắt chỉ có thể giảm đàn nái, còn sản lượng heo sinh sản thực tế vẫn chưa thể giảm ngay được. Nếu Chính phủ siết chặt quản lý heo lậu hiệu quả hơn thì các DN trong nước mới có thể "nhẹ thở" một chút.

Ở góc độ quản lý, theo một lãnh đạo Cục Chăn nuôi, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững, Cục Chăn nuôi sẽ thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi cần tiếp tục đẩy mạnh giảm giá thành trong sản xuất.

Phát triển công nghiệp chế biến cũng là một nhiệm vụ trọng tâm mà Cục Chăn nuôi đang tập trung thực hiện, vì đây đang là một điểm hạn chế trong ngành chăn nuôi. Chỉ có đẩy mạnh chế biến thì giá trị sản phẩm chăn nuôi mới được tăng lên và giúp cho đầu ra của người chăn nuôi được ổn định hơn.

Đại diện Cục Chăn nuôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.