Hiểm họa từ thiết bị phá sóng, kích sóng “lậu”: Bắt giữ nhỏ lẻ, xử phạt không đủ sức răn đe

08/11/2023 06:56 GMT+7

Các chuyên gia cảnh báo thiết bị phá sóng, kích sóng trôi nổi, không rõ nguồn gốc đều là những thiết bị cấm, việc sử dụng tùy tiện sẽ vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Điều đáng nói, những thiết bị này được rao bán công khai nhưng cơ quan chức năng vẫn loay hoay trong việc ngăn chặn, xử lý.

Rao bán tràn lan, vì sao vẫn khó ngăn chặn, xử lý?

Theo quy định tại Nghị định 96/2016, kinh doanh các thiết bị gây nhiễu sóng, phá sóng thông tin di động thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và chỉ doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị loại này. Nhưng thực tế, theo khảo sát của PV Thanh Niên, chỉ cần vài thao tác đặt hàng đơn giản có thể mua được những thiết bị này dễ dàng thông qua các tài khoản mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), cho biết tình trạng vi phạm về hàng cấm khá phổ biến trên môi trường mạng, đặc biệt là với các sàn giao dịch TMĐT. Không chỉ là máy kích sóng, phá sóng, người tiêu dùng có thể tìm thấy nhiều loại hàng hóa như vũ khí, thiết bị có khả năng gây sát thương như súng bắn điện, đạn nhựa cao su, dụng cụ chích điện; các sản phẩm như thuốc lá điện tử, chất gây nghiện… dù đây là hàng hóa thuộc diện hạn chế hoặc cấm kinh doanh.

Bắt giữ nhỏ lẻ, xử phạt không đủ sức răn đe  - Ảnh 1.

Thiết bị kích sóng được sử dụng trái phép tại Hà Nội bị Cục Tần số vô tuyến điện phát hiện, thu giữ

Cục Tần số vô tuyến điện cung cấp

Thời gian gần đây, các thiết bị điện tử nhập lậu gây can nhiễu có xu hướng gia tăng trở lại. Qua giám sát thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) nhận thấy những thiết bị này được chào bán phổ biến trên các trang TMĐT, website, mạng xã hội. Người mua và người bán không có tiếp xúc, chỉ thông qua các đơn vị giao nhận. "Những sản phẩm này được mua bán nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức chuyển phát nhanh nên việc điều tra, xác minh phát hiện, bắt giữ những kho hàng quy mô lớn gặp rất nhiều khó khăn. Còn hiện nay chỉ bắt giữ từng vụ nhỏ lẻ, mỗi vụ xử phạt vài triệu đồng thì chưa đủ sức răn đe", ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT (Bộ Công thương), nói.

Đối với nhiều mặt hàng điện tử bày bán trực tiếp, lực lượng QLTT chỉ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, quy chuẩn hàng hóa… và rất khó xác định xem nó có gây ra can nhiễu sóng hay không. "Các thiết bị điện tử là hàng hóa có tính đặc thù, chỉ khi mang ra sử dụng thì mới gây ảnh hưởng đến các tần số sóng hợp pháp khác. Nếu sản phẩm đó chưa được bán, chưa sử dụng thì cơ quan chức năng khó nhận diện qua thông tin bên ngoài, không thể xử lý về hành vi xâm phạm sóng", ông Lê giải thích.

Máy phá sóng, kích sóng: Hàng cấm nhưng mua dễ như rau

Theo bà Huyền, để xảy ra tình trạng này là do các sàn TMĐT chưa đầu tư đúng mức về nhân sự, bộ phận kỹ thuật kiểm duyệt sản phẩm. Các nhà bán hàng trên sàn tìm mọi cách để lách qua bộ lọc kỹ thuật của sàn. Cụ thể, họ cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát, hoặc thậm chí có người bán mặt hàng cấm không đưa rõ, làm mờ hình ảnh sản phẩm, thương hiệu hoặc đưa một tên khác rất khó phát hiện; một số còn cố tình tạo nhiều tài khoản khác nhau trên một hoặc nhiều sàn để bán hàng.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, tháng 8.2020, Tổng cục QLTT chỉ đạo các địa phương đồng loạt kiểm soát thị trường phát hiện, ngăn chặn thiết bị điện tử nhập lậu ảnh hưởng đến can nhiễu sóng. Sau 2 tháng, tại TP.HCM phát hiện, xử lý 20 vụ, tổng tiền phạt trên 110 triệu đồng. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiệm vụ này phải tạm ngừng để ưu tiên đối với mặt hàng phục vụ chống dịch, phục hồi kinh tế.

Phải quản lý thật chặt chẽ, nghiêm ngặt

Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, qua kiểm tra, rà soát các sàn TMĐT, từ đầu năm đến nay Cục TMĐT và Kinh tế số yêu cầu các đơn vị gỡ bỏ thông tin rao bán 150 sản phẩm máy phá sóng, kích sóng. Để vi phạm này không tái diễn, Cục TMĐT và Kinh tế số đã thường xuyên nhắc nhở yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT kiểm tra, rà soát các hàng hóa, gian hàng trên sàn; triển khai các biện pháp kỹ thuật để sàng lọc, nhân sự kiểm duyệt sản phẩm... nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm vi phạm.

"Đối với sản phẩm máy phá sóng wifi, kích sóng bị cấm là trách nhiệm quản lý chuyên ngành thuộc Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT). Theo đó, Cục Tần số vô tuyến điện phải có trách nhiệm hướng dẫn hoặc kiến nghị các sàn TMĐT về điều kiện kinh doanh các mặt hàng do Bộ TT-TT quản lý, cũng như đưa ra các quy định chuyên ngành về kỹ thuật, về nhân sự… phù hợp để quản lý và ngăn chặn tốt hơn các hàng hóa vi phạm trên website, ứng dụng của mình", bà Huyền kiến nghị.

Còn theo ông Nguyễn Đức Lê, từ kinh nghiệm tại TP.HCM, để xử lý được các trường hợp vi phạm gây can nhiễu sóng thì phải có thiết bị đo chuyên dụng vì không thể nhận diện bằng mắt thường. "Sau rất nhiều vụ việc can nhiễu sóng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân xảy ra gần đây, Tổng cục QLTT phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện sử dụng những thiết bị đo chuyên dụng giúp nhận diện rõ hơn về các vụ việc gây can nhiễu, nhận diện các sản phẩm điện tử nhập lậu, bất hợp pháp ở VN có thể gây ảnh hưởng đến tần số sóng quốc gia, đảm bảo an ninh cho những thiết bị được sắp xếp tần số hợp pháp", ông Lê nói.

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Thông tư 173/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định rất rõ, thiết bị phá sóng, gây nhiễu sóng… thuộc đối tượng cấm nhập khẩu, trừ các trường hợp có giấy phép của Thủ tướng Chính phủ theo luật Quản lý ngoại thương. Cơ quan hải quan không thực hiện thủ tục hải quan đối với sản phẩm này. Hiện nay chưa có quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch TMĐT. Vì vậy, hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT thường được thực hiện tùy theo phương thức vận chuyển đi theo hành lý của khách xuất, nhập cảnh; gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh. Nhận thấy sự cần thiết trong quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch TMĐT, tháng 3.2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án Quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong quyết định này giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng nghị định quản lý. Đến nay, dự thảo nghị định đã được Bộ Tài chính trình lên chờ Chính phủ ký ban hành.

TS Tạ Sơn Xuất, Khoa Kỹ thuật truyền thông, Trường Điện - điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng các vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng, song trước nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử thông minh của các gia đình Việt ngày một gia tăng, cần phải có sự quản lý chặt chẽ. "Ở nước ngoài, việc mua bán các sản phẩm này được quản lý rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ngăn chặn không để hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, kém chất lượng bán tràn lan trên mạng như hiện nay", ông Xuất nói. 

Yêu cầu sàn TMĐT gỡ bỏ nhiều thiết bị thu phát sóng

Cục TMĐT và Kinh tế số đã có văn bản yêu cầu các sàn TMĐT gỡ bỏ thông tin quảng cáo các thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Cụ thể, danh sách các thiết bị lặp thông tin di động, kích sóng thuộc các nhãn hiệu bao gồm: Pro DM1, DM2 Pro, Pro DM1/DM2/DM3, ST960, GSM FTECH 930, GSM AT-980, ELE AT-980, ANTN889-340-01... Cục TMĐT và Kinh tế số cũng đề nghị người dân, doanh nghiệp nếu phát hiện các website bán các sản phẩm vi phạm nêu trên thì gọi điện, gửi thông tin phản ánh theo số máy: 024.22205512 hoặc gửi email: qltmdt@moit.gov.vn để có phương án xử lý.

Đề nghị xử lý cá nhân, doanh nghiệp
rao bán máy phá sóng, kích sóng

Ông An Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1, cho biết máy phá sóng, kích sóng là thiết bị không được phép sử dụng. Người dân không nắm rõ quy định, mua về sử dụng là vi phạm pháp luật, gây ra nhiều tác hại. Cũng theo ông Hải, Cục Tần số vô tuyến điện đã gửi văn bản đến Cục TMĐT và Kinh tế số, Tổng cục QLTT, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), đề nghị tăng cường quản lý việc đăng, quảng cáo, bán thiết bị không có hợp chuẩn hợp quy có khả năng gây can nhiễu trên các sàn TMĐT, trên thị trường. Trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm thiết bị kích sóng, phá sóng; thiết bị âm thanh không dây, thiết bị chế áp… Cục Tần số vô tuyến điện đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn những mặt hàng này từ cửa khẩu; đồng thời rà soát việc quảng cáo, rao bán những thiết bị này trên mạng xã hội, sàn TMĐT để xác minh xử lý đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.