Cá tính HLV ngoại tại Việt Nam:

HLV Falko Goetz: Sớm chia tay khi mục tiêu còn dang dở

Quang Tuyến
Quang Tuyến
09/12/2023 05:41 GMT+7

Nhiệm kỳ của nhà cầm quân người Đức Falko Goetz quá ngắn, chỉ chưa đầy 7 tháng (từ tháng 6.2011 - 1.2012) đã phải rời xa bóng đá Việt Nam (VN) dù trước đó ông cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá.

LÝ LỊCH HOÀNH TRÁNG

Trước khi ký hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), ông Falko Goetz (sinh năm 1962) đã thừa biết áp lực dành cho mình không hề nhỏ, khi người tiền nhiệm là HLV Henrique Calisto đã đưa đội tuyển VN đến với chức vô địch AFF Cup 2008 và á quân SEA Games 25 năm 2009. Tuy nhiên vị HLV người Đức vẫn có lòng tin sẽ làm được điều gì đó mang lại những thay đổi lớn cho bóng đá VN.

Lòng tin đó trước hết xuất phát từ bản lý lịch hoành tráng của ông. Falko Goetz từng là cầu thủ nổi tiếng của Đông Đức trước đây, từng khoác áo nhiều CLB danh tiếng của châu Âu như Bayer Leverkusen (đoạt cúp UEFA mùa 1987 - 1988), FC Cologne (á quân Bundesliga mùa 1989 - 1990), Galatasaray (Thổ Nhĩ Kỳ, đoạt cú đúp vô địch quốc gia và vô địch Cúp liên đoàn mùa 1993 - 1994). Trong vai trò HLV, ông từng giúp Hertha Berlin (Đức) giành hạng 7 Bundesliga. Ông cũng có bằng HLV nhà nghề của Đức và là thành viên của nhóm chuyên phát triển các phương pháp đào tạo cầu thủ trẻ của Liên đoàn Bóng đá Đức. Từng đấy đủ để hồ sơ của ông "lấp lánh" và VFF rất tin tưởng đối tác đến từ Đức sẽ tạo nên kỳ tích tại VN.

HLV Falko Goetz: Sớm chia tay khi mục tiêu còn dang dở - Ảnh 1.

Ông Falko Goetz đã có nhiều kỷ niệm cùng bóng đá VN

NGÔ NGUYỄN

DŨNG CẢM DÙNG NHÂN TỐ TRẺ VĂN QUYẾT, HOÀNG THỊNH…

Thực tế HLV Falko Goetz cũng đã có khởi đầu tốt ở vòng loại World Cup 2014 khi cùng đội tuyển VN thắng Macau 2 trận với tỷ số chung cuộc 13-1. Dù thua Qatar ở vòng 2 với tỷ số 0-3 trận lượt đi nhưng chiến thắng 2-1 trận lượt về trên sân Mỹ Đình đã giúp đội tuyển VN được ngợi khen bởi lối chơi chặt chẽ, khoa học và tinh thần quyết đấu mạnh mẽ đến giây phút cuối cùng.

Sau đó ông Falko Goetz còn gây ấn tượng ở 2 sân chơi khác khi dẫn dắt U.23 VN giành hạng ba Cúp bóng đá TP.HCM năm 2011, đứng sau đội Sinh viên Hàn Quốc và đội U.17 Aspire (Qatar); giành ngôi á quân VFF Cup năm 2011 (đội U.23 Uzbekistan vô địch), trong đó có trận hòa đội Malaysia và thắng đậm đội Myanmar. Điều quan trọng là sau mỗi giải đấu tuy còn những nhận xét khác nhau từ giới chuyên môn, nhưng tựu trung ai cũng thấy hình hài các đội tuyển dưới bàn tay ông Goezt có những thay đổi đáng kể. Đó là việc ông đưa một loạt tài năng mới vào đội hình U.23 giúp họ lần lượt trưởng thành, như Nguyễn Văn Quyết, Ngô Hoàng Thịnh, Lê Văn Thắng, Hoàng Đình Tùng, Lê Hoàng Thiên, Lâm Anh Quang, Trần Bửu Ngọc. Ông còn ấp ủ biến các tài năng này thành nòng cốt của đội tuyển cho kế hoạch dài hơi AFF Cup 2012, vòng loại Olympic London 2012.

Cựu tuyển thủ Phạm Thành Lương nói: "Tôi may mắn được chơi dưới thời ông Goetz. Tôi học được ở ông ấy rất nhiều về tính khoa học, khả năng thị phạm cao và thái độ làm việc tận tụy, chuyên nghiệp. Ông ấy rất nghiêm túc và đôi khi ít gần gũi, nhưng ẩn trong sự lạnh lùng đó là tính cách mạnh mẽ và rất chịu khó truyền đạt kiến thức mới cho chúng tôi. Ông ấy luôn thực hiện các bài tập với những pha xử lý bóng không thể chê vào đâu được, phô diễn nhiều cách kiểm soát bóng khéo léo, không hề có động tác thừa. Nói chung cầu thủ và sau này là HLV như chúng tôi lĩnh hội được rất nhiều về phong cách chỉ đạo và tiếp cận trận đấu một cách vững vàng, linh hoạt của một HLV đến từ châu Âu như ông ấy".

CHỦ ĐỘNG TỪ CHỨC SAU THẤT BẠI CAY ĐẮNG

Lộ trình của ông Goetz khởi đi khá đẹp nhưng tất cả đã tan thành mây khói chỉ sau cú sốc thất bại ở SEA Games 26 năm 2011 trên đất Indonesia. Đội U.23 VN khởi đầu rất tốt khi thắng đội U.23 Philippines 3-1, đánh bại U.23 Timor Leste 2-0, Lào 3-1, Brunei 8-0 và hòa Myanmar 0-0. Nhưng bi kịch bắt đầu ập đến từ trận bán kết thua chủ nhà 0-2 và sự thất vọng nặng nề nhất chính là trận tranh hạng ba thua 1-4 trước chính Myanmar, đội mà vài tháng trước đó VN đã thắng đến 5-0! U.23 VN thất bại, ông Goetz dĩ nhiên nhận trách nhiệm chính, nhưng đằng sau đó có nhiều câu chuyện hậu trường đưa đẩy khiến vị HLV người Đức rời xa bóng đá VN sớm hơn dự định.

Một trợ lý cũ của HLV Falko Goetz kể lại: "Bóng đá VN dưới thời HLV Calisto từng giành ngôi á quân tại SEA Games 25 năm 2009 nên khi nhà cầm quân người Đức đến VN, ông tự tạo cho mình sức ép và đặt ra mục tiêu ít nhất phải vào chung kết SEA Games 26 năm 2011. Từ sức ép cho bản thân, ông còn tạo sức ép khá lớn đến từng thành viên đội. Ông luôn đòi hỏi từng cầu thủ qua mỗi trận phải chơi thật tốt, thật tập trung, tránh hiện tượng thỏa mãn và chủ quan. Thế nhưng trận hòa 0-0 ở vòng bảng trước Myamar khiến ông nổi trận lôi đình. Ông Goetz trở nên nóng nảy, tỏ ra cau có, có vài phát ngôn thiếu kiềm chế. Nhưng sau khi được góp ý chân thành, ông đã lập tức sửa đổi. Đằm tính hơn, điềm đạm hơn và ít khi cáu kỉnh. Chỉ tiếc là ông chưa thể đóng góp được nhiều hơn cho bóng đá VN như mong muốn của chính ông và VFF".

Sau thất bại tại SEA Games 26, HLV Falko Goetz đã từ chức và chỉ nhận 3 tháng lương đền bù (66.000 USD). Khi chia tay ông, trong nội bộ VFF cũng phân hóa, có người đổ lỗi do tài câm quân của ông kém, cầu thủ đá thiếu lửa ở 2 trận sau cùng. Cũng có người đồng cảm, cho rằng HLV Falko Goetz chưa hiểu hết bóng đá Việt nên triết lý của ông đã không được tiếp thu, lĩnh hội một cách thấu đáo. Còn bản thân ông Goetz cũng thất vọng với chính mình và với lòng tự trọng của một người đàn ông, của một HLV chuyên nghiệp, ông quyết định sớm chấm dứt hợp đồng với VFF. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.