Hôm nay tòa tuyên án, liệu ông Trần Hùng có oan?

27/07/2023 08:20 GMT+7

Hôm nay 27.7, TAND TP.Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết đối với ông Trần Hùng, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương), liên quan đến vụ án cựu cán bộ QLTT này bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng.

Theo dự kiến, hôm nay 27.7, TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên án đối với 36 bị cáo liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là sách giáo khoa có quy mô cực lớn, xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Trong số này, ông Trần Hùng bị truy tố tội nhận hối lộ.

Hôm nay tòa tuyên án, liệu ông Trần Hùng có oan? - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Hùng, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục QLTT, Bộ Công thương)

PHÚC BÌNH

Hàng loạt lời khai mâu thuẫn

Cáo buộc của viện kiểm sát xác định, tháng 7.2020, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (gọi tắt là Công ty Phú Hưng Phát) bị Đội QLTT số 17 (Hà Nội) kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 quyển sách giáo khoa giả. Biết ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo, Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, thông qua Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) đưa cho ông Trần Hùng 300 triệu đồng.

Nhận tiền, ông Hùng hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai, đồng thời can thiệp vào việc xử lý vụ việc theo hướng vi phạm hành chính thay vì chuyển sang cơ quan điều tra.

Quá trình xét xử, Nguyễn Duy Hải khẳng định đã đưa tiền cho ông Hùng, ông Hùng có hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách giáo khoa giả. Về phía mình, bị cáo Thuận thừa nhận có đưa tiền cho Hải để Hải chuyển cho ông Hùng, được Hải thông báo về việc đã đưa tiền cho ông Hùng.

Ngược lại, ông Hùng một mực kêu oan. Cựu cán bộ QLTT nói không nhận tiền từ ông Hải, khi thấy bị cáo này đặt vấn đề tiền bạc ông đã lập tức đuổi ra khỏi phòng làm việc. Ông Hùng thừa nhận có nói chuyện với bị cáo Thuận, nhưng chỉ đề nghị bà Thuận khai đúng quy định pháp luật chứ không hề có chuyện hướng dẫn thay đổi lời khai, cũng không can thiệp trái quy định vào việc xử lý vụ việc Công ty Phú Hưng Phát.

Đáng chú ý, 2 cựu cán bộ thuộc Tổng cục QLTT được triệu tập với vai trò nhân chứng, là ông Kiều Nghiệp và Nguyễn Văn Kim.

Nguyễn Văn Hải nói ông Kim, ông Nghiệp biết rõ việc trao đổi chuyện tiền bạc giữa mình và ông Trần Hùng, thậm chí sau khi bị cáo Hải đã đưa 300 triệu đồng cho ông Hùng, ông Kim còn gọi điện hỏi khi nào đưa thêm 100 triệu đồng thì thông báo cho ông Kim biết.

Còn với ông Nghiệp, bị cáo Hải khai ông này là người bảo bị cáo lên phòng làm việc của ông Trần Hùng sau khi ăn trưa xong (tiếp đó xảy ra sự việc được cho là đưa, nhận hối lộ - PV).

Tuy nhiên, cả hai nhân chứng đều bác bỏ lời khai của bị cáo Hải. Ông Kim nói không có việc gọi điện cho bị cáo Hải về số tiền 100 triệu đồng, dù có mặt tại một số cuộc gặp giữa bị cáo Hải và ông Hùng nhưng ông Kim chỉ nghe loáng thoáng, không nắm chi tiết sự việc. Ông Nghiệp thì khẳng định không có chuyện ông bảo bị cáo Hải lên phòng làm việc của ông Hùng như lời bị cáo này khai.

3 bị cáo liên quan đến vụ việc đưa, nhận hối lộ gây tranh cãi: Cao Thị Minh Thuận, Nguyễn Duy Hải và Trần Hùng (từ trái qua)

PHÚC BÌNH

Ông Trần Hùng có chứng cứ ngoại phạm?

Bào chữa cho ông Trần Hùng, luật sư cho rằng việc buộc tội cựu cán bộ QLTT chỉ dựa vào lời khai của Nguyễn Duy Hải, nhưng chính lời khai của bị cáo này lại có nhiều điểm mâu thuẫn.

Luật sư viện dẫn, ban đầu bị cáo Hải khai đưa tiền cho ông Hùng vào ngày 20.7.2020, về sau đổi thành ngày 15.7.2020. Tiếp đó, ông Hải có thêm 10 lời khai khác nhau về thời điểm đưa tiền cho ông Hùng, dao động từ 12 giờ 40 đến trước 14 giờ.

Đặc biệt, luật sư dẫn dữ liệu thu thập từ nhà mạng MobiFone, phản ánh tại các mốc thời gian từ 11 giờ 44 đến 14 giờ 02 ngày 15.7.2020, cột sóng điện thoại ghi nhận ông Trần Hùng đang ở Q.Ba Đình (Hà Nội); trong khi đó vào các mốc từ 12 giờ 14 đến 13 giờ 42 cùng ngày, Nguyễn Duy Hải đang ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) và Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Các dữ liệu cho thấy không có sự giao thoa nào về thời gian, địa điểm gặp gỡ giữa 2 người, nên không có sự việc đưa, nhận hối lộ 300 triệu đồng. Do đó, luật sư đề nghị tuyên bị cáo Trần Hùng không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa.

Được triệu tập tới tòa, đại diện MobiFone cho hay, quá trình sử dụng, thuê bao di động có thể di chuyển chứ không nhất thiết cố định tại một vị trí. Vì thế, tại thời điểm thuê bao di chuyển giữa ranh giới của 2 cột sóng, cột sóng nào mạnh hơn thì sẽ ghi nhận thuê bao ở cột đó. "Cũng có thể tin nhắn ghi nhận ở cột sóng này nhưng cuộc gọi lại được ghi nhận ở cột sóng khác", đại diện MobiFone nói.

Đối đáp với luật sư bào chữa cho ông Trần Hùng, đại diện viện kiểm sát nhận định lời khai của Nguyễn Văn Hải đảm bảo về mặt logic, đầy đủ trật tự thời gian, địa điểm và phù hợp với các chứng cứ khác.

Luật sư đưa ra các dữ liệu về định vị cột sóng điện thoại để chứng minh ông Trần Hùng có chứng cứ ngoại phạm, nhưng theo kiểm sát viên, chỉ căn cứ vào đó thì chưa đủ căn cứ xác định vị trí chính xác của bị cáo Hùng.

Giữ nguyên quan điểm buộc tội, đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt ông Trần Hùng 9 - 10 năm tù về tội nhận hối lộ, Nguyễn Duy Hải 1 năm 11 tháng tù (bằng thời gian tạm giam) về tội môi giới hối lộ; buộc bị cáo Hùng nộp lại số tiền 300 triệu đồng.

Đường dây sách giáo khoa giả cực "khủng"

Ngoài vụ việc trên, viện kiểm sát còn xác định trong năm 2021, Cao Thị Minh Thuận cùng đồng phạm sản xuất, nhập kho tổng cộng gần 9,5 triệu quyển sách giáo khoa giả với tổng giá trị hơn 260 tỉ đồng. Nhóm này tổ chức tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, thu lời bất chính hơn 30 tỉ đồng.

Cơ quan công tố đề nghị tuyên phạt bị cáo Thuận 11 - 12 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, buộc nộp lại số tiền 30 tỉ đồng. Cùng tội danh, 30 bị cáo khác bị đề nghị thấp nhất 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất đến 8 năm tù.

Liên quan đến vụ án, 3 cựu cán bộ thuộc Đội QLTT số 17 bị đề nghị thấp nhất 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất đến 36 tháng tù, cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.