Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS năm 2022 của IDP cấp sai quy định

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
08/05/2024 20:10 GMT+7

Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT, 56.230 chứng chỉ IELTS của Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam được cấp vào năm 2022 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ này.

Hôm nay 8.5, Thanh tra Bộ GD-ĐT công bố kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài (IELTS) với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam, trụ sở tại Q.3, TP.HCM.

Theo kết luận trên, ngày 17.11.2022, Bộ GD-ĐT mới cho phép IDP cùng các bên Việt Nam liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ, nhưng từ tháng 1.2022, IDP đã tổ chức thi và cấp hàng chục ngàn chứng chỉ IELTS.

Cụ thể, từ 1.1 đến ngày 9.9.2022, IDP tổ chức 458 đợt thi tại hơn 30 tỉnh, thành và cấp 46.643 chứng chỉ IELTS.

Giai đoạn từ 10.9 - 16.11.2022, IDP tổ chức 97 đợt thi trực tiếp, cùng các kỳ thi trên máy tính ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, cấp thêm 9.587 chứng chỉ.

Bộ GD-ĐT hướng dẫn xử lý 56.000 chứng chỉ IELTS cấp sai quy định

Kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ kỳ thi ngày 15.9.2022 tại Tiền Giang, cơ quan thanh tra phát hiện Sở GD-ĐT có công văn cho phép công ty phối hợp tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS. Tại các địa phương khác, sở GD-ĐT không có văn bản tương tự.

Như vậy, đã có tổng cộng 56.230 chứng chỉ IELTS của IDP được cấp khi công ty này chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam).

Xử lý ra sao với chứng chỉ đã được cấp?

Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị IDP rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ, đồng thời báo cáo Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý đối với những chứng chỉ đã cấp khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Đề nghị IDP Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm (nếu có) của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của công ty để xảy ra những vi phạm nêu trên theo quy định pháp luật.

Kết luận thanh tra cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giao Cục Quản lý chất lượng hướng dẫn Công ty IDP thực hiện xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép.

Đề nghị Cục Quản lý chất lượng báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra về Thanh tra Bộ GD-ĐT sau 30 ngày kể từ ngày kết luận được ban hành.

Kết luận trên của Thanh tra Bộ GD-ĐT khiến dư luận đặt câu hỏi, những chứng chỉ IELTS do IDP cấp khi chưa được phép nhưng thí sinh đã sử dụng để miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ cũng như xét tuyển vào ĐH sẽ xử lý thế nào?.

Trước đó, ngày 15.6.2023, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã có Công văn số 999/QLCL-QLVBCC gửi các sở GD-ĐT trong cả nước về việc sử dụng chứng chỉ để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nêu rõ: "Thí sinh đã đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài thi và cấp sau ngày 10.9.2022 để xét miễn thi bài thi ngoại ngữ theo quy định".

Đầu tháng 11.2022, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra các điều kiện đảm bảo để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 11/2022/BGDĐT về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn.

Theo đó, chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ GD-ĐT.

Hàng loạt các đơn vị tổ chức các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, Aptis, Cambridge (Starters, Movers, Flyers, PET, KET); chứng chỉ HSK, HSKK (đánh giá năng lực Hán ngữ quốc tế); Nat-test (năng lực tiếng Nhật)… đã phải hoãn việc tổ chức các kỳ thi để làm thủ tục xin cấp phép từ Bộ GD-ĐT từ tháng 9 - 11.2022.

Từ ngày 11.11.2022 đến nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ trở lại cho các đơn vị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.