Hợp tác Việt - Mỹ chung tay bảo vệ rừng

Aler Grubbs
(Giám đốc quốc gia của USAID tại Việt Nam)
21/03/2024 06:07 GMT+7

Nhân dịp ngày Quốc tế về rừng 21.3, Thanh Niên xin đăng tải bài viết của bà Aler Grubbs, Giám đốc quốc gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam, về hợp tác giữa hai nước trong việc bảo vệ rừng.

Cuối năm ngoái, tôi có dịp đứng trên đỉnh cao chót vót của Vườn quốc gia Bạch Mã, một trong số ít nơi ở Việt Nam có dãy Trường Sơn trải dài hùng vĩ, bắt đầu nhô lên từ phía bắc, rồi vươn dài ra gần hết đường bờ biển.

Dù có cảnh quan đẹp ngoạn mục, nhưng nơi đây đang phải đối mặt với một loạt thách thức như khai thác gỗ trái phép, săn bắt động vật hoang dã, một hành tinh đang nóng lên khiến các vụ cháy rừng có nguy cơ xảy ra nhiều hơn. Khi Vườn quốc gia Bạch Mã bị tổn hại sẽ ảnh hưởng cộng đồng địa phương cũng như người dân sinh sống ở Huế và Đà Nẵng.

Hợp tác Việt - Mỹ chung tay bảo vệ rừng- Ảnh 1.

Vườn quốc gia Bạch Mã đóng vai trò quan trọng

Lưu Quang Phổ

Hy vọng tiếp tục ghi nhận những loài quý hiếm

Đó là lý do tại sao Phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), cam kết là đối tác mạnh mẽ của các cơ quan T.Ư và địa phương của Việt Nam, các nhà lãnh đạo cộng đồng, các chuyên gia môi trường trong nước cho nỗ lực bảo vệ và khôi phục cảnh quan xinh đẹp, có tầm quan trọng toàn cầu này.

Tại Việt Nam, chúng tôi đã hỗ trợ lắp đặt hơn 1.200 trạm bẫy ảnh tại 21 khu bảo tồn ở 8 tỉnh trên cả nước, tạo thành hệ thống bẫy ảnh giám sát động vật hoang dã lớn nhất Đông Nam Á. Trong 4 năm qua, những bẫy ảnh này đã ghi lại hơn 1 triệu hình ảnh, từ đó có 120.000 lần phát hiện thấy động vật hoang dã. Những dữ liệu này đem đến cả sự lo lắng và lạc quan. Một mặt, nó cho thấy quần thể động vật hoang dã đang giảm trên khắp cả nước. Mặt khác, lại khẳng định rằng những khu vực này vẫn có mức độ phong phú loài và đặc hữu tương đối cao.

Việt Nam là một trong những quốc gia có số loài đặc hữu cao nhất thế giới. Các loài quý hiếm như linh dương lớn và gấu chó cũng được hệ thống bẫy ảnh phát hiện, một trong số những lần phát hiện hiếm hoi trong 20 năm qua tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng hợp tác giữa hai bên sẽ giúp tiếp tục ghi nhận những loài quý hiếm của Việt Nam trong những tháng tới, thậm chí có thể là cả Sao la, một trong những loài động vật có vú lớn hiếm nhất trên thế giới và ít khi nhận được hình ảnh.

Hợp tác Việt - Mỹ chung tay bảo vệ rừng- Ảnh 2.

Bà Aler Grubbs (giữa) trong một lần tham gia đoàn khảo sát thực tế tại Vườn quốc gia Bạch Mã

USAID

Chúng tôi đã hợp tác với các kiểm lâm viên của vườn quốc gia để giúp những người này nâng cao khả năng xác định và theo dõi các tuyến đường di cư của động vật hoang dã thông qua điện thoại thông minh, giúp họ chống lại những kẻ săn bắt trái phép. Hỗ trợ của Chính phủ Mỹ đã giúp triển khai Công cụ báo cáo và giám sát không gian (SMART) tại các khu bảo tồn trên khắp Việt Nam, bao gồm cả Bạch Mã và đào tạo các kiểm lâm viên về cách sử dụng hệ thống.

SMART cho phép kiểm lâm viên đơn giản hóa việc thu thập dữ liệu thông qua giao diện điện thoại thông minh thân thiện với người dùng, cho phép quan sát theo thời gian thực và phản ứng nhanh trước các mối đe dọa mới xuất hiện. SMART giúp tăng cường thực thi pháp luật và giúp các nhà quản lý vườn quốc gia bằng cách cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các mối đe dọa ngày càng gia tăng và nhu cầu bảo tồn. Hợp tác của USAID với Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT Việt Nam) đã giúp triển khai mô hình SMART trên toàn quốc, tăng cường tuần tra bằng SMART trên tất cả các địa điểm, qua đó cải thiện cơ sở dữ liệu cơ bản về động vật hoang dã của Việt Nam.

Chúng tôi đang hợp tác với các cộng đồng xung quanh Vườn quốc gia Bạch Mã và các khu bảo tồn khác trên toàn quốc để mở rộng cơ hội kinh tế thông qua du lịch và các hoạt động kinh doanh nhỏ bền vững khác nhằm đảm bảo các hộ gia đình có thể tự phát triển kinh tế đồng thời bảo vệ động vật và bảo tồn cảnh quan xung quanh.

USAID cũng đã hỗ trợ hơn 300 doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn do phụ nữ điều hành và làm chủ tại Việt Nam, giúp họ áp dụng các thực hành bền vững và cải thiện kỹ năng lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp, góp phần vào công tác quản lý rừng bền vững trên khắp đất nước. Một trong những doanh nghiệp này là Hợp tác xã Hương Xuân ở Hòa Bình. Hỗ trợ của USAID đã giúp hợp tác xã phát triển dòng dầu gội chất lượng cao có nguồn gốc từ cây dược liệu - một ví dụ về phát triển bền vững của địa phương trong mối hài hòa với hệ sinh thái địa phương.

Tất cả cùng hưởng lợi

Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi rất nhiều từ cảnh quan đa dạng của Việt Nam. Các khu vực bảo tồn bao gồm rừng và vườn quốc gia là nơi trú ẩn của các loài động vật hoang dã và hệ sinh thái khỏe mạnh, từ đó cung cấp nhu cầu thiết yếu cho tất cả chúng ta như không khí và nước sạch. Rừng là bể chứa carbon hiệu quả nhất hành tinh, bảo vệ chúng ta trước tác động của biến đổi khí hậu và là một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta; cung cấp nơi ở và cơ hội kinh tế cũng như các sản phẩm chúng ta sử dụng hằng ngày như giấy và gỗ, thậm chí cả thuốc và mỹ phẩm.

Hợp tác Việt - Mỹ chung tay bảo vệ rừng- Ảnh 3.

SMART giúp đơn giản hóa việc thu thập dữ liệu thông qua giao diện điện thoại thông minh

USAID

Không phải lúc nào chúng ta cũng thấy được bằng mắt những đóng góp của thiên nhiên: cảm giác thư thái khi chúng ta leo lên đỉnh núi và nhìn ra thung lũng bên dưới; sự kinh ngạc trầm trồ của chúng ta khi nhìn thấy một sinh vật hoang dã trong môi trường sống tự nhiên; sự hùng vĩ mà chúng ta cảm nhận được khi nhìn lên tán rừng đã mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mới đạt đến độ cao đó. Chúng ta thường quên rằng mình phụ thuộc nhiều như thế nào vào thiên nhiên hoang sơ cho các nhu cầu hằng ngày như: chất lượng không khí, điều hòa nước và khí hậu, ngăn ngừa xói mòn đất và các mối nguy hiểm tự nhiên cũng như thụ phấn sinh sôi trong nông nghiệp và thiên nhiên.

Gần đỉnh Bạch Mã có chuông để cầu cho hòa bình thế giới. Tất cả những ai đi theo lối này đều được mời đánh chuông cầu mong hòa bình và nhắc nhở chúng ta rằng mẹ thiên nhiên luôn chăm sóc chúng ta, kết nối và truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta, bất kể chúng ta đến từ đâu và nói ngôn ngữ gì.

Hợp tác của hai nước chúng ta nhằm bảo vệ rừng và các khu thiên nhiên của Việt Nam đang góp phần tạo nền tảng cho mối quan hệ đối tác ngày càng mở rộng giữa hai nước. Tôi rất tự hào về công việc mà chúng ta đang cùng nhau thực hiện, bảo tồn và bảo vệ rừng Việt Nam cho hôm nay và các thế hệ mai sau. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.