Hủ tiếu Sa Đéc

10/02/2024 15:11 GMT+7

Những ai là người miền Tây Nam bộ, hoặc du khách nơi xa từng đến đất sen hồng, hẳn sẽ khó quên hương vị món hủ tiếu Sa Đéc.

Sáng sớm, trời lành lạnh, được lót dạ bằng tô hủ tiếu Sa Đéc nóng hổi thì còn gì bằng. Nước lèo trong vắt, vài miếng thịt heo, thịt nạc băm cùng với tôm, tim, gan heo phủ trên lớp hủ tiếu, kèm rau xà lách, hành, giá, hẹ… tỏa mùi hương thơm phức.

Hủ tiếu Sa Đéc- Ảnh 1.

Hủ tiếu khô Sa Đéc gây “thương nhớ” cho nhiều người

ẢNH: TRẦN NGỌC

Hủ tiếu Sa Đéc gây "thương nhớ" bởi hương vị thơm ngon tuyệt vời của nước lèo đậm đà, được nấu từ rất nhiều xương ống heo. Không chỉ nước lèo, món ăn này khiến thực khách nhắc tới là thèm còn bởi sự kết hợp hoàn hảo của từng sợi hủ tiếu trắng mịn, mềm, không bở, không vị chua, có độ dai tự nhiên vừa phải, được làm từ bột gạo tươi ngon của làng nghề bột Sa Đéc hơn 100 năm tuổi.

Theo người dân TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), trời ban cho vùng đất này nguồn nước ngọt dồi dào, không mặn, không lợ, không phèn. Nhờ đó, vùng này có chợ gạo Sa Đéc nổi tiếng khắp vùng, là điều kiện lý tưởng để nghề làm bột phát triển. Bột Sa Đéc từ lâu đã được dùng làm nguyên liệu phổ biến cho các món bánh phở, bún, hủ tiếu…, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu khắp thế giới.

Vào quán hủ tiếu Sa Đéc, có 2 loại để người ăn lựa chọn: hủ tiếu khô và hủ tiếu nước, loại nào cũng đều có sức hấp dẫn khó tả. Với hủ tiếu nước, phần quan trọng làm nên thành công là nước lèo. Với hủ tiếu khô, ngon hay dở là do bí quyết làm ra thứ nước sốt chua chua, ngọt ngọt của chủ quán.

Tùy nơi, hủ tiếu khô Sa Đéc có thể dọn ra đĩa hoặc tô. Song, nếu chủ quán là người Sa Đéc thì khi khách gọi chắc chắn sẽ được dọn ra bằng đĩa. Đĩa hủ tiếu khô bao gồm lớp giá trụng lót dưới cùng, rồi đến bánh hủ tiếu dai dai không bị lền, có thêm vài lát thịt, tim, gan, một ít hẹ sống, thêm ít đậu phộng rang… Riêng nước sốt chua ngọt, sền sệt được chế lên trên. Kèm theo đĩa hủ tiếu khô bao giờ cũng có tô nước lèo đầy hành, tiêu, vài lát thịt. Nếu muốn "sang" thì nước lèo có xương ống heo to... ngon không gì bằng. Khi ăn hủ tiếu khô, nhớ trộn đều cho hủ tiếu thấm nước sốt.

Với người sành ăn hủ tiếu Sa Đéc, nước tương ăn kèm nhất định phải là nước tương kẹo chất lượng đậm đà do các vị sư của chùa Phước Huệ (P.1, TP.Sa Đéc) sản xuất.

Theo nhiều chủ quán, dù khô hay nước, bí quyết cho ra món hủ tiếu chất lượng là phải biết trụng sợi hủ tiếu nhanh qua nước sôi, tránh trụng quá lâu, cọng hủ tiếu dễ bị nhão, đứt gãy không còn ngon.

Hủ tiếu Sa Đéc đã ăn một lần thì khó quên. Tại TP.Sa Đéc, thời nào cũng vậy, các quán hủ tiếu luôn đầy khách với giá cả rất phải chăng. Nếu "sang" thì kêu tô hủ tiếu giá vài chục ngàn đồng mỗi tô, còn bình dân thì đến quán Bà Sẩm giá chỉ 8.000 đồng/tô. Tuy nhiên, dù bình dân hay sang trọng, món hủ tiếu Sa Đéc cũng được chế biến rất ngon bởi "hậu duệ" là con cháu của các quán hủ tiếu nổi tiếng xưa như: Chí Ký, Chí Thành, Chú Cá, Văn Dĩ…

Hiện nay, các quán hủ tiếu Sa Đéc không còn gói gọn tại Đồng Tháp mà xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Mỗi quán có một bí quyết chế biến riêng, nhưng tất cả đã làm nên thương hiệu hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng gần xa.

Món hủ tiếu Sa Đéc đã vào top 100 món đặc sản và top 100 quà tặng Việt Nam 2020 - 2021, do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công bố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.