Khai quật những ngôi mộ 2.000 năm tuổi dưới lòng đất Paris

22/04/2023 13:24 GMT+7

Chỉ cách một nhà ga xe lửa sầm uất ở trung tâm Paris vài mét, các nhà khoa học đã phát hiện ra 50 ngôi mộ trong một nghĩa địa cổ đại, mang đến cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống cách đây gần 2.000 năm ở thị trấn Lutetia giờ là thủ đô nước Pháp thời hiện đại.

Bằng cách nào đó, nghĩa địa bị chôn vùi không bị phát hiện khi nhiều công trình làm đường trong nhiều năm qua được thực hiện, cũng như việc xây dựng nhà ga Port-Royal ở Paris vào những năm 1970.

Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng lối ra mới cho nhà ga đã thúc đẩy một cuộc khai quật khảo cổ do Viện Nghiên cứu Khảo cổ Dự phòng Quốc gia Pháp (INRAP) tiến hành, bao gồm khoảng 200 m2 đất. Cuộc khai quật cho thấy những ngôi mộ được cho là một phần của nghĩa địa Saint Jacques có niên đại từ thế kỷ thứ 2, Viện Nghiên cứu cho biết trong một thông cáo báo chí, theo CBS News.

Khai quật những ngôi mộ 2.000 năm tuổi dưới lòng đất Paris - Ảnh 1.

Một trong những bộ xương được khai quật tại nghĩa địa cổ được tìm thấy cách nhà ga xe lửa ở Paris vài mét

AFP

Camille Colonna, một nhà nhân chủng học tại INRAP, nói trong một cuộc họp báo rằng đã có "những nghi ngờ mạnh mẽ" rằng địa điểm này nằm gần nghĩa trang phía Nam của Lutetia, thị trấn của người Gaulois – tổ tiên người Pháp hiện đại.

Nghĩa địa Saint Jacques là khu chôn cất lớn nhất ở thị trấn Lutetia, trước đó đã được khai quật một phần vào những năm 1800. Tuy nhiên, thời điểm đó chỉ những đồ vật được coi là quý giá mới được lấy ra khỏi các ngôi mộ, còn nhiều bộ xương, lễ vật chôn cất và các đồ tạo tác khác bị bỏ lại.

Bí ẩn gì đằng sau 6 bộ xương dưới hang động Tây Ban Nha?

Nghĩa địa sau đó bị quên lãng theo thời gian. Nhóm INRAP đã phát hiện ra một phần chưa từng được khai quật trước đây.

Chủ tịch INRAP Dominique Garcia xác nhận: "Không ai từng nhìn thấy nó kể từ thời cổ đại".

Colonna cho biết nhóm nghiên cứu "rất vui mừng" khi tìm thấy một bộ xương ngậm đồng xu trong miệng, cho phép họ xác định niên đại của nơi chôn cất vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên.

Cuộc khai quật bắt đầu từ tháng 3.2023 đã phát hiện ra 50 ngôi mộ, tất cả đều được chôn cất chứ không phải hỏa táng, vốn cũng phổ biến vào thời điểm đó.

Phần còn lại của các bộ xương đàn ông, phụ nữ và trẻ em được cho là của người Parisii (thuộc tộc người Gaulois) sống ở Lutetia, từ khi thị trấn bên bờ sông Seine nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế La Mã.

Khai quật những ngôi mộ 2.000 năm tuổi dưới lòng đất Paris - Ảnh 2.

Khai quật những ngôi mộ 2.000 năm tuổi dưới lòng đất Paris - Ảnh 3.

Các vật dụng được tìm thấy tại nghĩa trang

AFP

Những bộ xương được chôn trong những chiếc quan tài bằng gỗ. Khoảng một nửa số hài cốt được tìm thấy trong cuộc khai quật gần đây đã được chôn cất cùng với các lễ vật, chẳng hạn như cốc gốm, bát đĩa và đồ thủy tinh.

Đôi khi một đồng xu được đặt trong quan tài, hoặc thậm chí trong miệng của người chết. Đây là phong tục chôn cất phổ biến vào thời điểm đó được gọi là "Charon's obol". Trong thần thoại Hy Lạp, Charon là người lái đò của thần Hades - vị thần cai quản địa ngục, là con trai trưởng của Titan Cronus và Rhea. Vì lo sợ bị lật đổ, Cronus đã nuốt sống tất cả những đứa con của mình vào bụng khi chúng mới sinh ra. Đồng xu được coi là vật hối lộ để chở linh hồn người chết qua sông.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu vết giày bên trong các ngôi mộ. Họ đã xác định được chúng dựa trên phần còn lại của những chiếc đinh nhỏ được sử dụng trong đế giày. Theo INRAP, một số người chết dường như được chôn với giày ở chân, trong khi những người khác dường như được chôn với giày đặt ở hai bên cơ thể bên trong ngôi mộ.

Colonna xác nhận những đôi giày được đặt "dưới chân của người chết hoặc bên cạnh họ, giống như một lễ vật".

Đồ trang sức, kẹp tóc và thắt lưng cũng được phát hiện cùng với các ngôi mộ, trong khi toàn bộ xương của một con lợn được phát hiện trong một cái hố nơi các con vật được cho là đã hiến tế cho các vị thần.

Không giống như cuộc khai quật vào những năm 1800, lần này nhóm dự định khai quật mọi thứ khỏi nghĩa địa để phân tích.

"Điều này sẽ cho phép chúng tôi hiểu cuộc sống của người Parisii thông qua các nghi thức tang lễ, cũng như sức khỏe của họ bằng cách nghiên cứu DNA", Colonna nói.

Dominique Garcia cho rằng lịch sử cổ đại của Paris "nói chung là không được biết đến nhiều", đồng thời nói thêm những ngôi mộ được khai quật mở ra "một cánh cửa vào thế giới của Paris thời cổ đại".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.