Khu vực gia tăng vị thế

10/11/2023 09:00 GMT+7

Việc lãnh đạo Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đồng loạt công du Trung Á trong bối cảnh chiến sự leo thang mức độ quyết liệt ở cả Ukraine lẫn Dải Gaza ở Trung Đông khiến cho Trung Á trở thành tâm điểm thời sự của chính trị thế giới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Kazakhstan; còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng đến tham dự một cuộc gặp cấp cao của tổ chức hợp tác kinh tế khu vực. Trong thời gian trước đó, Mỹ và EU cũng tăng cường hoạt động ngoại giao ở khu vực này. Trung Á nhờ thế gia tăng đáng kể vị thế địa chiến lược.

Khu vực gia tăng vị thế - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev (trái) tại lễ đón chính thức ngày 9.11

REUTERS

Nga lâu nay vốn có ảnh hưởng nổi trội ở khu vực này. Nhưng kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra cũng như bối cảnh đối kháng quyết liệt với Mỹ, EU, NATO và các nước phương Tây khác, sự quan tâm cũng như ảnh hưởng của Nga ở khu vực không còn được như trước. Các nước trong khu vực tìm kiếm đồng minh và đối tác mới trong khi các đối tác bên ngoài có cơ hội thuận lợi để gây dựng ảnh hưởng riêng, cạnh tranh ảnh hưởng với Nga và với nhau ở khu vực này.

Xung đột giữa Hamas và Israel ở Trung Đông cũng như diễn biến mới đây nhất giữa Armenia và Azerbaijan liên quan đến vùng Nagorno-Karabakh cũng góp phần quan trọng làm cho khu vực Trung Á gia tăng mạnh mẽ vị thế địa chiến lược. 

Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Mỹ đều có lợi ích chiến lược to lớn và thiết thực trong việc không để cho Trung Á trở thành điểm nóng mới về bất an và bất ổn trong bối cảnh chiến sự còn dai dẳng ở Ukraine, còn bất định ở Trung Đông và bất hòa giữa Armenia với Azerbaijan vẫn chưa thể khắc phục. Cho nên dù cạnh tranh ảnh hưởng với nhau đến mấy, các đối tác kia sẽ buộc phải hợp tác với nhau để khu vực không trở nên bất an, bất ổn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.