Cà phê tỏa hương, ngành cà phê khởi sắc

13/12/2007 00:47 GMT+7

Nhắc đến cà phê, là gợi đến mùi hương có một không hai. Thơm nồng, đằm thắm. Một chút mô phạm cổ điển, một chút hoang dã nồng nàn. Có thể ai không uống được cà phê, chứ không cảm được mùi cà phê thì không có! Khi tờ rơi Tuần lễ Văn hóa cà phê đến tay, mùi cà phê ướp trong giấy thoảng qua, đã thấy quá thân thuộc, như nhận được lời chào từ tín hữu lâu ngày chưa gặp lại.

Những ai từng hẹn bạn tại quán cà phê dù đến nơi lại gọi cốc sinh tố; những ai quen tỉnh dậy mỗi sáng với một tách cà phê đen; những ai xách laptop đến cà phê để "có không khí" mà làm việc; những ai mê cà phê đến nỗi mua để nhà 5-6 chiếc máy pha cà phê, thỉnh thoảng lại bỏ cà phê vào cho "lên hương"… đều là tín hữu cà phê theo cách của mình. Những người bắt đầu uống cà phê chỉ khi biết Việt Nam là "cường quốc cà phê"; hay những người thực sự tham gia trong ngành cà phê của Việt Nam, từ trồng, chế biến, mua bán, rang xay, xuất khẩu, phân phối và mở quán cà phê… đều góp những cánh tay nâng cà phê Việt Nam lên vị trí cao hơn trên thị trường thế giới.

Cà phê không giống như những loại nông sản khác, chính vì vị trí của nó trong đời sống xã hội, nhất là xã hội hiện đại, không gì thay thế được. "Vị trí thứ hai trên thế giới" nhưng nếu nhìn về tiềm năng của thị trường cà phê - thị trường "dầu mỏ của nền kinh tế tri thức" - thì tại sao chúng ta không chọn chính cà phê là ngành mũi nhọn của mình? Mỗi năm, doanh thu bán lẻ cà phê toàn cầu là 70 tỉ USD. Mỗi ngày, 10 tỉ ly cà phê được tiêu thụ, và sẽ ngày càng nhiều hơn trong thế giới mà con người ta phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong suốt 18 tiếng 1 ngày!

Tuần lễ Văn hóa cà phê tại Hà Nội diễn ra vào mấy ngày đẹp nhất trong năm (từ 29.11 đến 2.12.2007), hanh hanh nắng vàng và sương nhẹ buổi sớm vào khung giờ "Cà phê - Đọc báo" miễn phí và buổi tối khi diễn ra những đêm Rock Cà phê-Rock Ban Mê nồng nhiệt hay những cuộc hát đối bên bếp lửa nhà sàn Y Moan. Hà Nội chưa có lễ hội nào lý thú như thế, thơm ngát như thế! Hơn 100.000 lượt người đã đến để "mục sở thị" cây, hoa, lá, quả, hạt cà phê, cả những cỗ máy rang xay, bình ủ hương, tự tay chọn hạt. Khách nước ngoài đến đông, mà nhiều người đến để tìm cơ hội giao thương, bán máy pha cà phê, đặt vấn đề mua bán online. Giới văn nghệ sĩ và học giả tới trò chuyện cả ngày, các ông Dương Trung Quốc, Nguyễn Cường, Đỗ Trung Quân, Lưu Trọng Văn ngồi đâu là xung quanh đông đảo liền.

4 ngày ngắn ngủi ở Hà Nội cho thấy người dân hưởng ứng ngành cà phê trở thành ngành mũi nhọn. Câu hỏi lúc ra về "Bạn đã trở thành người đam mê cà phê chưa?" trên cổng chào kỷ lục được dát toàn hạt cà phê gợi lên tinh thần hành động vì cà phê Việt Nam, cũng là vì một vị thế hùng mạnh của Việt Nam mới. Thủ tướng Chính phủ đã hết sức hoan nghênh hoạt động và nhân dịp này, đã chỉ đạo rất cụ thể phải xây dựng thật thành công thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, và đầu tư phát triển Đắk Lắk thành Thủ phủ cà phê mang tầm quốc tế.

Trong 4 ngày tới đây (13-16.12.2007), Tuần lễ Văn hóa cà phê 2007 hiện diện tại Tao Đàn, TP.HCM, với những nét độc đáo và hương cà phê kỳ ảo suốt cả ngày. Một lần nữa, cà phê Việt Nam lại thu hút cả trăm ngàn tín hữu, đến, tận tay tận mắt cảm nhận, và ra về với ý thức hành động trong tâm. Cà phê Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng trong những năm qua, để nó thực sự vững mạnh, cần mọi người góp sức, từ người nông dân nâng niu cây cà phê theo khoa học, doanh nghiệp cà phê phấn đấu vì thương hiệu của mình, cho đến mỗi người tiêu dùng đều có thể giúp sức làm tăng sự trân trọng đối với hạt cà phê, với văn hóa thấm đượm trong hạt cà phê Việt Nam.

H.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.