Theo dấu tích vương triều Tây Sơn - Kỳ 5: Ẩn số lăng mộ vua Quang Trung

04/03/2012 03:23 GMT+7

Mặc dù đã có nhiều học giả và các nhóm nghiên cứu độc lập vào cuộc, một số tư liệu đã được công bố, tuy nhiên, đến nay lăng mộ vua Quang Trung chính xác ở đâu vẫn còn là ẩn số.

>> Kỳ 4: Cung Đan Dương là lăng vua Quang Trung?

Mặc dù đã có nhiều học giả và các nhóm nghiên cứu độc lập vào cuộc, một số tư liệu đã được công bố, tuy nhiên, đến nay lăng mộ vua Quang Trung chính xác ở đâu vẫn còn là ẩn số.

Nhiều ý kiến

Trả lời thắc mắc vì sao một giảng viên đại học, giảng dạy chuyên ngành vật lý chẳng liên quan gì đến văn hóa lịch sử, lại bỏ gần như hết công sức và tâm huyết của cả đời mình để đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung, ông Trần Viết Điền nói: “Đó là số phận!”. Ông giải thích thêm: “Cũng như mọi người, tôi được học lịch sử từ nhỏ. Và khi nhắc đến vị anh hùng dân tộc Quang Trung, ai trong lòng cũng bập bùng một ngọn lửa tự hào, ngưỡng mộ”.

Tuy vậy, sẽ không gì đáng nói nếu không có “sự kiện” năm 1986, trong một lần ghé nhà cụ Nguyễn Hữu Đính (thân sinh nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan) ở Huế. Cụ Đính tâm sự với ông Điền rằng mình đang làm một công trình nghiên cứu công phu về dấu tích lăng mộ vua Quang Trung, đã gửi đi khắp nơi, nhưng ai cũng… im lặng.

Ông Điền hỏi mượn công trình của cụ Đính về xem thử. “Tôi nhào vô từ đó”, ông kể. Lý do mà ông Điền “nhào vô” là: “Khi đọc xong công trình của cụ Đính, tôi hiểu được vì sao người ta im lặng. Họ im lặng bởi cụ Đính đã chứng minh rằng lăng Ba Vành (trước giờ người ta cho đó là lăng Đức Ý hầu Lê Quang Đại, một vị quan dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát) là lăng mộ vua Quang Trung nhưng các luận điểm để chứng minh lại thiếu thuyết phục. Tôi tiếp tục chứng minh nhận định ấy, nhưng đi theo một hướng mới với những chứng cứ mới, khác hoàn toàn với cụ Đính”.

 
Ông Trần Viết Điền trong một lần điền dã tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung - Ảnh: T.M

Ông Điền tâm sự: Trong suốt 26 năm qua, đôi khi cô đơn và buồn nản vô cùng vì gia đình rất khó khăn nhưng số tiền ông tiêu vào việc nghiên cứu quá lớn. Ban đầu vợ ông còn ủng hộ chồng, nhưng sau này bà không đồng lòng nữa vì thấy chồng ngày đi dạy, đêm thức tới 2-3 giờ sáng để nghiên cứu tư liệu; thứ bảy, chủ nhật thì đi thực địa. Kết quả không thấy đâu chỉ nhận hậu quả là bao nhiêu tiền của trong nhà ra đi hết. Ông bảo điều ông buồn nhất là: “Ở Huế, các nhà nghiên cứu thiếu tinh thần hợp tác khoa học. Hầu như mỗi người ai cũng chủ quan khẳng định mình đúng, không ai chịu nghe ai, thậm chí muốn loại trừ nhau nhưng không phải bằng luận chứng khoa học mà bằng những đòn bẩn, thậm chí lôi cả chuyện đời tư vào cuộc”. 

Cùng với ông Điền, ông Nguyễn Đắc Xuân đến nay cũng đã 20 năm đau đáu với công trình đi tìm lăng mộ vua Quang Trung. Ông Xuân tâm sự: “Tôi đã làm hết sức của một người cầm bút. Những gì đáng làm tôi đã làm, phần còn lại là trách nhiệm của các cơ quan khảo cổ học, bảo tồn bảo tàng… Tôi ước mong trong một ngày không xa được đi trong dòng người đến thắp hương cho hoàng đế Quang Trung tại cung điện Đan Dương ở ấp Bình An”. Ngoài ra, giới nghiên cứu văn hóa lịch sử của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và người thân họ Hồ (theo nhiều công trình nghiên cứu lịch sử đã được công bố trước đó, dòng họ Hồ là họ gốc của Nguyễn Huệ ở Thanh Hóa) cũng đã vào cuộc. Nhiều hướng tìm kiếm còn trông cậy tới cả các nhà ngoại cảm. Thế nhưng công cuộc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung vẫn chưa có kết quả thuyết phục.

Vẫn là ẩn số

Theo chính sử của triều Nguyễn ghi lại, lăng mộ vua Quang Trung nằm ở phía nam sông Hương (Hương Giang chi nam). Theo PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế, với câu hỏi này, từ năm 1928 đến nay, ở Huế đã khơi dậy một vấn đề khoa học lý thú là việc đi tìm lăng mộ vua Quang Trung. Đã có nhiều học giả và các nhóm nghiên cứu độc lập vào cuộc và một số tư liệu được công bố. Theo một số nghiên cứu cá nhân, ở Huế có 6 điểm đang được quan tâm, đó là núi Ngọc Trản (có điện Hòn Chén); núi Kim Phụng; khu vực Bình An (gần chùa Vạn Phước và Thiền Lâm); lăng Ba Vành (khu vực Thiên An); khu vực Bình Điền (xã Bình Điền, H.Hương Trà) và núi Chóp Vung, gần đường tránh Huế. Tuy nhiên, đến nay khu di tích lăng mộ vua Quang Trung chính xác nằm ở đâu vẫn còn là một ẩn số.

Hội thảo khoa học Tây Sơn - Thuận Hóa với Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ-Quang Trung, do Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế phối hợp với UBND TP.Huế tổ chức trong dịp Festival Huế 2008, là hội thảo lần thứ 5 về Quang Trung. Dù có rất nhiều tư liệu mới được bổ sung và công bố, tuy nhiên hướng đi tìm lăng mộ vua Quang Trung vẫn còn giậm chân tại chỗ với nhiều tranh cãi. Mới đây, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế trong kế hoạch năm 2012, cũng đã đưa chương trình tiếp tục sưu tầm, xác minh tư liệu, luận giải các giả thuyết về dấu tích lăng mộ vua Quang Trung tại Huế để tổ chức hội thảo khoa học và tìm kiếm những khả năng mới. Và hành trình tìm kiếm lăng mộ vị anh hùng dân tộc áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ đến nay vẫn chưa có hồi kết.  

Google chỉ dẫn lăng mộ vua Quang Trung

Mặc dù các công trình nghiên cứu tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung đến nay vẫn chưa có hồi kết và vẫn còn rất nhiều tranh cãi, tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm tài liệu để thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã tra cứu vào bản đồ trực tuyến của Google và đã tìm thấy chỉ dẫn lăng mộ vua Quang Trung tại điểm gần chùa Vạn Phước, trên đường Điện Biên Phủ, P.Trường An, TP.Huế. Đây chỉ là địa điểm nằm trong giả thuyết công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân như đã nói. Tuy nhiên đến nay địa điểm này chưa được chính thức xác nhận và cũng chưa hề có cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào xác định di tích.

Bùi Ngọc Long - Tường Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.