Phí chồng phí làm khổ dân

19/03/2012 03:46 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc theo sau bài viết Thu phí cần đảm bảo công bằng đăng trên Thanh Niên ngày 17.3.

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc theo sau bài viết Thu phí cần đảm bảo công bằng đăng trên Thanh Niên ngày 17.3.

Có giải quyết được không?

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng từng nói về việc thu phí lưu hành: "Đây là nhiệm vụ để giảm thiểu ùn tắc...". Nhưng khi được hỏi "Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí đến khi nào, nếu thu mà vẫn ùn tắc giao thông thì sao?", ông lại trả lời: "Tôi không thể khẳng định các biện pháp bao giờ mới chấm dứt và có giải quyết được hết tai nạn và ùn tắc hay không". Vậy mấy chục ngàn tỉ đồng thu từ dân sẽ không được kết quả gì trong việc giải quyết ùn tắc giao thông sao? Có thể nhà nước có thêm số tiền khổng lồ đó, nhưng người dân thì lại càng phải oằn lưng với các khoản phí, thuế. phocoloa@gmail.com

Khổ cho người đi xe máy

Xe máy (phương tiện đi lại chủ yếu ở Việt Nam) không gây hư hại nhiều đối với đường sá nên việc thu phí như vậy là không hợp lý. Xăng, điện, hàng hóa tiêu dùng tăng giá phi mã, trong khi nhà nước lại tăng nhiều khoản phí. Người dân nghèo, lao động, thu nhập thấp sống càng chật vật hơn thôi. Hùng Anh tmhanh1987@yahoo.com

Rất vô lý

Tôi đề nghị nên nghiên cứu lại mức thu của 2 loại phí bảo trì đường bộ và phí lưu hành. Không phải ai mua xe ô tô cũng giàu cả, mua một chiếc ô tô cũ khoảng dưới 100 triệu đồng mà mỗi năm phải đóng gần 50 triệu cho 2 loại phí này là rất vô lý. Phạm Văn Chánh chanhphamvan@gmail.com

Chỉ làm khổ dân

Sao lãnh đạo Bộ GTVT chỉ so sánh phí giữa Việt Nam và các nước mà lại không so sánh thu nhập, giá ô tô, xe máy? Dù phí có cao bao nhiêu thì chủ xe, chủ doanh nghiệp cũng hạch toán vào chi phí để cuối cùng người dân phải chịu. Thế Nghĩa thenghia@yahoo.com.vn

Bao nhiêu tiền cho đủ?

Tôi thấy việc thu phí để cùng đóng góp với nhà nước sửa chữa, bảo trì đường bộ thì tốt thôi, nhưng việc thu phí phải hợp lý, hợp tình, mỗi người một ít, tích cóp qua từng năm, chứ không thể tính một lượng tiền cần có lớn như vậy để rồi tính ra chia trên đầu phương tiện. Hơn nữa, thu nhập của người dân còn thấp, còn phải chi phí rất nhiều khoản khác nữa, làm cho người dân vất vả thêm là điều không nên.

Còn về khâu quản lý cũng cần xem xét cẩn trọng, đường nay làm, mai xuống cấp thì cả núi tiền cũng không biết đâu cho đủ. Việc chống tham nhũng cũng cần quan tâm hơn, đừng để tiền của dân thì cứ thu, còn công trình thì cứ bị… rút ruột. Việc thu phí lần này nên nêu cụ thể từng mức rồi lấy ý kiến đóng góp của dân với hạn mức nào thì hợp lý, vì sức dân cũng có hạn. hnghng54@yahoo.com.vn

Phải làm sao bây giờ?

Tôi ky cóp mua ô tô đã gần 5 năm rồi, đến nay mới chạy hơn 18.000 km. Nhà tôi có hai vợ chồng và một con trên 18 tuổi, hằng tháng về thăm cha mẹ già ở tỉnh phải đi bằng 2 xe gắn máy, đi về gần 100 km trong điều kiện nắng nóng, kẹt xe, ổ gà, đường bị rải đinh, trăm phần nguy hiểm, chạy xe trên đường mà đầu óc lo sợ đủ thứ không biết tai họa đến với mình và gia đình lúc nào, nên mới cố gắng mua ô tô.

Từ ngày ông bộ trưởng thông báo việc thu phí lưu hành 20 triệu đồng/năm, tôi suy nghĩ rất nhiều nhưng vẫn chưa có kế sách vẹn toàn: 5 năm chạy hơn 18.000 km, vậy mỗi năm làm tròn là 4.000 km; 20 triệu đồng/4.000 km tính ra là 5.000 đ/km phí lưu hành! Bán xe? Có bán được thì chắc lỗ nặng. Nhưng bán xe rồi cha mẹ tuổi già ốm đau thì làm sao giải quyết? Vậy chỉ còn cách lấy mỡ nó rán nó, trước đây chạy ít thì nay phải đem ra chạy dịch vụ để có tiền đóng phí vậy. maipho_2@yahoo.com.vn

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.