Tận diệt chim trời

20/12/2009 00:28 GMT+7

Nhiều loài chim quý ở Bạc Liêu đang có nguy cơ biến mất do nạn săn bắt trộm. Nguy hiểm hơn là tình trạng chính các chủ vườn chim tư nhân cũng ra sức bắt chim, cò theo cách "tận diệt" bán cho các quán nhậu. Mời nghe đọc bài

Tội cho chim

Bạc Liêu được thiên nhiên "ưu đãi" là tỉnh có nhiều vườn chim nhất trong khu vực ĐBSCL. Toàn tỉnh có đến 7 vườn chim có quy mô lớn, thế nhưng hầu hết các vườn chim không được bảo tồn, đầu tư khai thác có hiệu quả. Nạn săn bắt, bẫy chim thường xuyên diễn ra. Đặc biệt, thời gian gần đây các chủ vườn chim tư nhân cũng góp phần tận diệt các loài chim hoang dã. Họ trực tiếp bắt chim, cò trú ngụ, sinh sản trong vườn đi bán ở các điểm chợ và bán cho các quán nhậu.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thiệt (ấp Bình Hổ A, xã Vĩnh Phú Tây, H.Phước Long) có vườn chim rộng hơn 6 ha, là một trong những vườn chim tư nhân lớn ở Bạc Liêu. Trong vườn có hơn 10 loài chim sinh sống tự nhiên với số lượng cá thể lên đến hàng chục ngàn con. Mỗi năm chim sinh sản 3 lứa, mỗi lứa kéo dài hơn một tháng, đó cũng là thời gian "bội thu" của ông chủ vườn chim này. Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Thiệt không giấu giếm chuyện bắt chim trời đem bán. Ông cho biết, nhờ vườn chim mà mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập từ bán chim, cò trên 100 triệu đồng. Trong mấy ngày qua, mỗi ngày bình quân gia đình ông bắt chim, cò bán cho các quán nhậu, các điểm chợ khoảng 200 con/ngày. Giá cò trắng, cò xanh là 12.000 đồng/con; vạc 22.000 đồng/con; còng cọc 10.000 đồng/con; diệc 20.000 đồng/con… Chim, cò bắt được bao nhiêu đều có người thu mua hết. Ông Thiệt thừa nhận, gia đình ông sinh sống chủ yếu nhờ vườn chim, coi việc bắt bán chim, cò là nguồn thu nhập chính, địa phương cũng không ngăn cấm gì.

Điều đau lòng là tất cả các loại chim, cò mà các chủ vườn chim bắt bán chủ yếu là chim non. Những con chim non như cò, vạc, còng cọc… chỉ mới vừa đủ lông đủ cánh đã bị các chủ vườn chim bắt hết nguyên tổ đưa vào các quán nhậu. Tình trạng đáng lo ngại này đang tiếp diễn, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, các loài chim ở Bạc Liêu sẽ không còn, các vườn chim lớn nổi tiếng của Bạc Liêu sẽ tàn lụi.

Ai cũng ra sức bắt chim

Chim trời bị bán công khai ngoài đường phố Bạc Liêu ảnh: Trần Thanh Phong 

Ông Mai Thanh Trường - Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động số 2 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu - cho biết: "Huyện Phước Long có đến 4 vườn chim do tư nhân quản lý. Vào mùa chim sinh sản, hằng ngày các chủ vườn khai thác chim non đem bán thịt. Còn người dân ở khu vực gần vườn thì quanh năm sống bằng nghề giăng lưới bắt chim mẹ để bán. Chính vì vậy, ở H.Phước Long vào bất kỳ mùa nào người dân có nhu cầu mua thịt chim để chế biến các món ăn cũng được đáp ứng". Đầu mối tiêu thụ chim là các quán nhậu trong tỉnh. Có khi bắt được số lượng lớn, các chủ vườn chim bán cho mối lái đem đi tiêu thụ ở một số tỉnh lân cận. Không ít người dân mua chim về chế biến làm thức ăn hằng ngày hoặc dùng đãi khách trong các đám tiệc của gia đình. Theo ông Trần Quốc Hùng - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.Phước Long cho biết: "Bình quân mỗi ngày trên địa bàn huyện có ít nhất 400 con chim, cò các loại bị bắt rồi bán công khai. Tính ra mỗi tháng có đến 6.000 con chim bị khai tử. Đó là chưa kể số chim bị săn, giăng bẫy do người dân săn được".

Vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, TX Bạc Liêu) có diện tích 107 ha với trên 100 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Theo ông Nguyễn Trung Chánh - Giám đốc Ban quản lý vườn chim Bạc Liêu - dù được bảo vệ khá nghiêm nhưng vẫn có nhiều đối tượng lén lút vào vườn bắt trộm chim hoặc đến gần khu vườn chim để săn bắn, bẫy chim nên một số loài và lượng cá thể chim ở đây đang giảm so với trước. Điều đáng báo động hiện nay là ở các vườn chim của Bạc Liêu - nhất là vườn chim tư nhân - các chủ vườn xem chim trong vườn là lộc trời cho, là tài sản riêng của gia đình nên cứ mặc nhiên khai thác. Họ xem việc bắt chim non để bán vào mùa sinh sản là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nguy hiểm hơn là những hộ dân lân cận các khu vườn còn tranh thủ mua sắm các loại bẫy để giăng bắt chim mẹ. Có người mỗi ngày bẫy được đến hàng trăm con chim mẹ. Theo cán bộ kiểm lâm, việc săn bắt chim mẹ vào mùa sinh sản sẽ đồng thời tiêu diệt luôn nhiều chim non.

Để hạn chế việc săn bắt chim trái phép, thời gian qua lực lượng kiểm lâm cơ động thường xuyên tổ chức tuần tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, thế nhưng cũng không thể ngăn chặn được thực trạng này. Thực tế có vấn đề là không ít chủ vườn chim phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ vườn chim do đã dành hết diện tích đất sản xuất làm vườn chim, đây là vấn đề nan giải.

Trong khi các ngành chức năng đang loay hoay tìm phương án để bảo tồn và phát triển các vườn chim tư nhân thì hằng ngày, một số lượng lớn chim trời vẫn bị giăng bẫy bắt bán tràn lan. Những năm gần đây, số lượng loài cũng như số cá thể chim đã giảm đáng kể, đáng lo nhất là không ít loài chim hoang dã di trú, quý hiếm đã xuất hiện thưa dần. Do vậy, địa phương cần sớm có kế hoạch bảo tồn các vườn chim, đồng thời ngăn chặn nạn săn, bắt bán chim theo kiểu tận diệt như hiện nay.         

Ông Phan Duy Tuyên - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Bạc Liêu:

Để bảo tồn và phát huy những lợi ích từ các vườn chim trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua Sở đã lập phương án khảo sát, đánh giá lại tổng thể hiện trạng các vườn chim trên địa bàn toàn tỉnh như: đánh giá các loài chim di trú; loài chim quý hiếm; trữ lượng; diện tích rừng để chim trú ngụ, sinh sản; môi trường sinh thái... qua đó, tham mưu tỉnh có kế hoạch đầu tư bảo tồn và mở rộng các vườn chim hiện hữu.

Hiện nay, tỉnh chỉ mới đầu tư bảo tồn và khai thác du lịch sinh thái tại vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu). Còn đối với các vườn chim tư nhân vẫn chưa có kế hoạch, dự án đầu tư cụ thể, nên tình trạng khai thác, bắt chim diễn ra thường xuyên, không ít vườn chim có nguy cơ bị xóa xổ. Do đó, để có kế hoạch bảo tồn, khai thác hợp lý các vườn chim, đề nghị tỉnh xây dựng mỗi vườn chim một dự án riêng lẻ để đầu tư vốn, cơ sở hạ tầng cho họ có phương án quản lý, có thể khai thác chim hoang dã để bán, nhưng ở mức độ hợp lý trong thời gian nhất định. Đồng thời, tạo điều kiện cho các chủ vườn chim có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống, không thể dựa vào nguồn thu nhập chính từ bán chim. Qua đó, tạo ra các tour du lịch tham quan các vườn chim thiên nhiên, kết hợp phát triển các dịch vụ ăn uống.

Ông Phạm Hoàng Nam - Phó chủ tịch UBND huyện Phước Long, Bạc Liêu:

Trên địa bàn huyện có 4 vườn chim lớn đều do các hộ dân quản lý, nhưng việc bảo tồn, khai thác trong nhiều năm qua địa phương vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Do đó, các chủ vườn chim mặc nhiên bắt chim, cò đi bán để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Tại xã Phong Thạnh Tây B của huyện có một vườn chim én rộng lớn, hơn 10 ha, trữ lượng chim én lên đến hàng tỉ con nhưng do không có kế hoạch bảo tồn, vườn chim hiện nay coi như bị xóa sổ.

Để bảo tồn các vườn chim còn lại, kết hợp khai thác du lịch sinh thái, huyện đã chủ động kết hợp với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh khẩn trương xây dựng các dự án. Theo đó, sẽ mở rộng đường giao thông vào tận các vườn chim, xây dựng đài quan sát, bờ bao chống trộm, kết hợp phát triển dịch vụ, bán quà lưu niệm... để các chủ vườn chim có nguồn thu nhập, không còn nạn săn bắt chim, cò đi bán nữa. Tuy nhiên, các dự án trong giai đoạn lập và chưa xác định được thời gian để triển khai thực hiện.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.