Kinh nghiệm sử dụng ngoại binh của Malaysia

03/12/2011 08:29 GMT+7

(TNO) Bóng đá Malaysia qua hai kỳ SEA Games 25 và 26 đã nổi lên như một anh cả của làng bóng đá trong khu vực với hai chức vô địch. Để đạt được những thành quả kể trên, bóng đá Malaysia đã có những bước đi khá đúng đắn, đáng để bóng đá Việt Nam học hỏi...

(TNO) Bóng đá Malaysia qua hai kỳ SEA Games 25 và 26 đã nổi lên như một anh cả của làng bóng đá trong khu vực với hai chức vô địch. Để đạt được những thành quả kể trên, bóng đá Malaysia đã có những bước đi khá đúng đắn, đáng để bóng đá Việt Nam học hỏi...

>> U.23 Malaysia vô địch SEA Games
>> Bài học bóng đá từ Malaysia
>> Quản lý lỏng lẻo, bóng đá VN trả giá đắt!

Bóng đá Malaysia từng trải qua giai đoạn "đêm đen bóng đá" vào giai đoạn 1994-1995 khi có hơn 100 cầu thủ tham gia dàn xếp tỷ số bị phát hiện, đến nỗi Liên đoàn bóng đá nước này (FAM) phải đi đến quyết định xóa sổ giải đấu quốc gia. Họ sẵn sàng chấp nhận thua thiệt trong một thời gian, để rồi quay lại với một sự hồi sinh mạnh mẽ.

Một trong những cách tân đáng chú ý nhất của bóng đá Malaysia là kể từ năm 2009 FAM đã từ chối sự hiện của các cầu thủ ngoại trên sân cỏ giải Vô địch quốc gia Malaysia (Malaysia Super League), nhằm tạo cơ hội thi đấu cho các cầu thủ nội và khuyến khích công tác đào tạo trẻ.

Khỏi cần nói những thành tích của bóng đá Malaysia trong thời gian gần đây là tốt như thế nào. Họ vô địch SEA Games 25 tại Lào (2009), lọt vào vòng 1/16 ASIAD 16 (2010), đoạt cúp vô địch AFF Suzuki Cup (2010) đầu tiên sau 14 năm chờ đợi và mới đây nhất là vô địch SEA Games 26 tại Indonesia (2011).

 
Thành quả gần đây nhất mà bóng đá Malaysia đạt được là chức vô địch SEA Games 26 - Ảnh: Reuters

Nói bóng đá Malaysia đã thành công với chính sách... bài ngoại là không hoàn toàn đúng. Vào thời điểm đó, khi "nội lực" chưa đủ mạnh, việc đưa cầu thủ ngoại về đá ở Malaysia Super League sẽ rất nguy hiểm. Ngoài việc khó quản lý được cầu thủ ngoại vốn gồm nhiều thành phần phức tạp, còn góp phần làm thui chột tài năng trẻ trong nước...

"Một khi đã đủ mạnh, chúng tôi sẽ trở lại và theo xu hướng của bóng đá thế giới",  Chủ tịch của FAM, ông Khairy Jamaluddin phát biểu tại buổi lễ công bố chính sách sử dụng ngoại binh trở lại ở Malaysia Super League vào năm 2012, vừa qua tại Jakarta - theo Reuters. 

Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Khairy Jamaluddin, "lần trở lại" sẽ không ồ ạt như trước đây, mà cụ thể mỗi CLB tại Malaysia Super League chỉ được quyền đăng ký tối đa 2 cầu thủ ngoại và trong từng thời điểm của trận đấu mỗi CLB cũng chỉ được phép sử dụng tối đa 2 cầu thủ trên sân. Điều này khá giống với kế hoạch mà VFF đang chuẩn bị áp dụng ở V.League.

Quy định sử dụng cầu thủ ngoại tại Malaysia Super League được thể hiện khá chặt chẽ. Hợp đồng với cầu thủ ngoại có thời gian tối thiểu là 6 tháng và tối đa là 2 năm. Sau thời gian 2 năm, cầu thủ muốn tái ký hợp đồng thi đấu bắt buộc phải được sự chấp thuận của Ban kiểm tra tư cách cầu thủ.
 
Điểm đáng chú ý, khi đã thi đấu cho một CLB nào đó tại Malaysia Super League, cầu thủ ngoại sẽ không được chuyển nhượng sang CLB khác (tại Malaysia Super League) khi giải đấu đang diễn ra và cũng không được quyền đầu quân cho CLB khác tại Malaysia Super League mùa giải kế tiếp.
 
Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Malaysia cũng quy định chỉ có cầu thủ ngoại đến từ nền bóng đá có thứ hạng trên bảng xếp hạng của FIFA (tính từ thời điểm xếp hạng tháng 8.2011) cao hơn Malaysia mới được ký hợp đồng thi đấu tại Malaysia Super League 2012.

Đối với các cầu thủ ngoại đã thi đấu tại các giải Vô địch quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á nếu muốn tham dự Malaysia Super League 2012 phải đáp ứng điều kiện trong thời gian 2 năm gần đây nhất không thi đấu cho bất kỳ một CLB nào tại Đông Nam Á (cụ thể là phải kết thúc hợp đồng thi đấu tại Đông Nam Á trước thời điểm 7.12.2009).
 
Song song với chính sách bật đèn xanh đối với ngoại binh, LĐBĐ Malaysia cũng đưa ra giải pháp đối với công tác đào tạo trẻ. Trước sự lo ngại các cầu thủ nội sẽ không cạnh tranh được các vị trí quan trọng trong đội hình thi đấu với các cầu thủ ngoại, LĐBĐ Malaysia đã phối hợp cùng LĐBĐ Singapore tạo cơ hội cho đội tuyển U.23 của cả hai quốc gia đều được thường xuyên thi đấu tích lũy kinh nghiệm.

Theo đó, tuyển U.23 Malaysia sẽ sang thi đấu tại giải S.League năm 2012 của Singapore, trong khi đó tuyển U.23 Singapore sẽ chiếm 1 suất thi đấu tại Malaysia Super League.

Sơn Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.