'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Giải mã số đo, tìm ra chìa khóa

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
26/02/2024 07:12 GMT+7

Từ các bức ảnh tư liệu được lựa chọn, thông qua phương pháp hình học họa hình, các nhà nghiên cứu đã xác định được số đo chi tiết của công trình kiến trúc, từ đó tìm ra "chìa khóa" phục hồi điện Cần Chánh.

Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP tu bổ di tích Huế, cho biết nguồn tư liệu ảnh về di tích điện Cần Chánh chủ yếu được chụp từ năm 1885 - 1945 khá phong phú. Đáng chú ý nhất là các tấm bưu ảnh, bức ảnh năm 1916 khi vua Khải Định lên ngôi, bộ ảnh chụp về lễ Tứ tuần đại khánh tiết của vua Khải Định năm 1924, lễ Tế giao năm 1924, ảnh chụp lễ đăng quang của vua Bảo Đại năm 1926, lễ đón tiếp vua Bảo Đại về nước năm 1932...

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Giải mã số đo, tìm ra chìa khóa- Ảnh 1.

Nguồn ảnh tư liệu điện Cần Chánh giúp xác định chiều cao công trình

TƯ LIỆU

Ngoài ra, các đoạn phim tư liệu của vua Khải Định năm 1924 cũng ghi nhận chân thực về kiến trúc của công trình. Trong loạt ảnh tư liệu được chụp vào giai đoạn 1924 (lễ Tứ tuần đại khánh tiết của vua Khải Định), hình ảnh kiến trúc của điện Cần Chánh cho thấy mái hiên tiền điện kéo dài 9 gian, tiền điện 7 gian, chính điện 5 gian 2 chái, mái chồng. Mặt trước điện trang trí pháp lam (nhất thi nhất họa) ở cổ diềm tiền điện, bờ nóc tiền điện và chính điện; bờ quyết mái hạ đắp vôi bả màu; đầu hồi tiền điện và chính điện trang trí con dơi ngậm tiền. Bên trong điện, hệ thống liên ba cũng được trang trí theo mô típ "nhất thi nhất họa". Bộ khung gỗ chạm khắc hoa văn sơn son thếp vàng, cột gỗ sơn son trang trí vẽ rồng.

Từ nguồn tư liệu hình ảnh, thông qua phương pháp hình học họa hình, các cán bộ của dự án đã lựa chọn ảnh tư liệu chân xác và rõ nét, xác định mặt phẳng đứng của công trình và đường chân trời trên bức ảnh. Đường chân trời là đường song song với mặt đất đi qua điểm tụ, chân của người chụp ảnh sau đó sử dụng công thức để xác định chiều cao vật thể.

Bằng phương pháp này, các cán bộ nghiên cứu đã xác định chiều cao hàng cột hiên, mái lưa, cổ diềm, bờ nóc tiền điện, bờ nóc chính điện, độ réo mái tiền điện và xác định độ réo mái của chính điện như tiền điện… Từ chiều cao hàng cột hiên, tiếp tục xác định được chiều cao khung bạo, cửa đi, hàng cột thứ hai và các cấu kiện bên trong công trình như dạ xuyên, dạ kèo, dạ trến, xà trần, xà đầu cột, vì giả thủ…

Tương tự, dựa ảnh phối cảnh và các điểm tụ, chuyên gia xác định chiều cao cổ diềm, đỉnh mái trước, chiều cao mái chính điện, chiều cao đỉnh mái chính điện… Chính phương pháp hình học họa hình giúp xác định được cao độ kiến trúc của các cấu kiện gỗ, trang trí con giống trên bờ nóc, bờ quyết, ô hộc, cổ diềm…

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Giải mã số đo, tìm ra chìa khóa- Ảnh 2.

Phối cảnh tổng thể điện Cần Chánh mặt bên trong đề xuất trùng tu

H.H.HÀNH

PHƯƠNG ÁN PHỤC HỒI ĐIỆN CẦN CHÁNH

Cũng theo ông Hồ Hữu Hành, dựa trên các cơ sở khoa học đã giải mã (gồm sử liệu, Châu bản triều Nguyễn, kết quả khảo cổ, ảnh hiện trạng, ảnh tư liệu, công trình cùng thời kỳ đồng dạng đã thực hiện tu bổ thành công là điện Thái Hòa) và phân tích chiều cao, kiến trúc từ ảnh tư liệu giai đoạn 1924 - 1943 thông qua phương pháp hình học họa hình..., nhóm nghiên cứu dự án đã hoàn thiện phương án phục hồi điện Cần Chánh. Phương án này kế thừa hiện trạng hệ thống nền móng của công trình từ khi khởi dựng cho đến nay.

Cụ thể, về nền móng, dự án đã đề xuất tháo dỡ toàn bộ bó vỉa nền, tận dụng tối đa vật liệu gốc; tháo dỡ nền móng chân đá tảng đến cao độ thiết kế, chống mối và đào đất xung quanh công trình đến cao độ bó vỉa. Tiếp đó, gia cố nền tại bó vỉa bằng bê tông đá, gia cố móng chân đá táng bằng bê tông cốt thép đá, xây phục hồi móng gạch vồ vữa, lắp đặt và cân chỉnh chân tảng đá Thanh; xây phục hồi bậc cấp, mặt bậc lát đá Thanh, gia cố toàn bộ nền nhà bằng bê tông đá và chống ẩm. Đáng chú ý, nền lát gạch hoa (kích thước 0,25 x 0,25 x 0,02 m) xuất hiện từ thời vua Thành Thái năm 1899 và còn dấu tích cho đến nay cũng được phục hồi, cùng với chân táng quả bồng (xuất hiện từ thời vua Khải Định, năm 1923).

Về tường bao, phục hồi tường bao hai bên tả hữu điện Cần Chánh bằng gạch vồ, vữa tam hợp. Màu sắc phục hồi dựa theo những công trình tương tự, kết hợp với đối sánh ảnh tư liệu thời vua Khải Định. Về hệ khung gỗ, phục hồi toàn bộ hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa ván, liên ba, cửa pano kính bằng gỗ lim nhóm 2, đi kèm với việc chống ẩm, chống mối mọt. Mái lợp ngói ống và ngói liệt hoàng lưu ly theo kiến trúc truyền thống. Toàn bộ hệ khung gỗ, hệ mái và hệ vách ván được phục hồi sơn son thếp vàng, riêng 2 chái đông tây thì sơn son thếp bạc phủ hoàng kim.

Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa 8 (nhiệm kỳ 2021 - 2026) phê duyệt chủ trương, đầu tư kinh phí gần 200 tỉ đồng. Sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên hội đồng khoa học về trùng tu di tích cố đô Huế, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ hoàn thiện dự án để trình UBND tỉnh và Bộ VH-TT-DL thẩm định, phê duyệt. Dự án dự kiến được thực hiện trong vòng 4 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.