Lạ lùng sapoche… treo gió

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/12/2021 06:05 GMT+7

Hồng treo gió đã là một đặc sản quen thuộc của Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng ). Cũng ở mảnh đất cao nguyên này, có cô giáo và 2 học trò cùng nghiên cứu quy trình làm ra món sapoche treo gió không kém phần đặc biệt.

3 cô trò là Vũ Thị Hằng, 30 tuổi, giáo viên hóa học; Nguyễn Huyền Bảo Trâm và Lê Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Lộc Thành, H.Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Ngọc Anh (trái) và Bảo Trâm trong phòng nghiên cứu với trái sapoche

Bình An

Hồng treo gió được, sao sapoche thì không ?

Chị Hằng cho biết trong vườn nhà chị và các học trò luôn có sẵn nhiều cây sapoche (hồng xiêm) để hái trái ăn hoặc làm quà biếu tặng người thân. Loại trái cây này thơm ngon, nhiều dinh dưỡng. Trên thị trường cũng có món sapoche sấy dẻo, tuy nhiên vị ngọt gắt. Tình cờ một lần được tới thăm cơ sở hồng treo gió ở xã Trạm Hành, Đà Lạt, chị Hằng ăn thử thấy hương vị thơm ngon tự nhiên, màu sắc đẹp mắt, vị ngọt thanh. Đồng thời, việc treo gió tạo khung cảnh đẹp, thu hút khách tới thăm mỗi ngày.

“Thế nhưng, trái hồng chỉ có một mùa trong năm, ngoài thời gian đó thì nhà xưởng, công nghệ bỏ không rất lãng phí. Trong khi đó, trái sapoche đặc thịt, lại có quanh năm, tại sao mình không “treo gió” nó, vừa tránh lãng phí công nghệ, lại nâng cao giá trị nông sản?”, chị Hằng nói.

Là giáo viên thường xuyên hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, chị Hằng thường góp mặt trong các buổi tập huấn của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Do đó, chị nhìn thấy tiềm năng của sản phẩm chưa xuất hiện trên thị trường này. Chị cùng hai học trò Nguyễn Huyền Bảo Trâm và Lê Thị Ngọc Anh bắt tay vào nghiên cứu.

Thời gian đầu 3 cô trò gặp nhiều khó khăn vì sapoche có những đặc tính không hoàn toàn giống quả hồng, có rất nhiều vấn đề như quả dễ mốc, hư, chua, màu sắc kém bắt mắt… Cuống của trái sapoche không quá chắc như cuống trái hồng, cần phải khéo léo, tỉ mỉ hơn khi gọt vỏ, buộc dây treo. Trái sapoche cũng nhiều nhựa hơn, ít nước hơn, cần phải nghiên cứu thời gian treo ít hơn... Song, khó đến mấy họ cũng không bỏ cuộc.

Được sự hỗ trợ của nhà trường và những người đã khởi nghiệp với trái hồng treo gió Đà Lạt, cả nhóm học hỏi, hoàn thiện các bước làm ra sản phẩm.

Đáng chú ý, là một giáo viên hóa học, chị Hằng sáng tạo ra phương pháp xông lưu huỳnh ở tỷ lệ an toàn.

Thay vì chỉ ngâm trái sapoche trong dung dịch rượu và phun rượu lên trái khi treo gió thì việc xông lưu huỳnh có hiệu quả hơn, tránh cho trái sapoche bị nấm mốc.

Theo cô giáo, phương pháp này vẫn được nhiều quốc gia thực hiện trong sản xuất thực phẩm. Sau nhiều lần thử nghiệm xử lý lưu huỳnh ở những nồng độ khác nhau và kiểm định dư lượng Sunphit còn dư trong sản phẩm, chị đưa ra được liều lượng và quy trình xử lý lưu huỳnh trước khi treo. Đó là 10 gr/1 m³ thùng sấy, 15 gr/1,5 m³ thùng sấy, 20 gr/2 m³ thùng sấy. Khi lưu huỳnh đã được đốt cháy, đóng kín thùng sấy, để khoảng 20 - 30 phút.

“Những thành phẩm đầu tiên, sau khi đưa đi kiểm định tại Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng TP.Bảo Lộc cho chất lượng tốt, chúng tôi gửi tặng tới nhiều người thân ăn thử và nhận được nhiều phản hồi tích cực về hương vị, màu sắc. Trái sapoche treo gió giữ được nguyên vẹn hương thơm, vị ngọt thanh, màu sắc đẹp”, chị Hằng vui vẻ khoe.

Mong muốn phát triển du lịch trải nghiệm

Quy trình sản xuất khép kín trái sapoche treo gió của chị Hằng và 2 học sinh giành giải nhì trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng năm học 2020 - 2021. Không chỉ làm ra thành phẩm trái sapoche treo gió, chị Hằng và học trò còn xây dựng chi tiết về kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính ra sao, nhân sự như thế nào khi khởi nghiệp… Mới đây, dự án đã vào tới vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2021 do T.Ư Đoàn tổ chức.

Trong tương lai, cô trò Trường THPT Lộc Thành muốn phát triển kế hoạch theo hướng làm sapoche treo gió kết hợp du lịch trải nghiệm. Khách tới thăm vườn, được xem quy trình chăm sóc sapoche, hái trái cây, mua trái sapoche tươi về làm quà cho người thân cũng như trải nghiệm các công đoạn làm sapoche treo gió.

Em Nguyễn Huyền Bảo Trâm, học sinh tham gia dự án, cho biết là những người trẻ nhiệt huyết, các em trăn trở khi chứng kiến cha mẹ, những người thân yêu ngày ngày chật vật với miếng cơm manh áo do giá cà phê giảm mạnh những năm gần đây, cùng tình hình dịch Covid-19 phức tạp. Hay xung quanh các em, những nông dân trồng sapoche được mùa mất giá, được giá mất mùa.

“Nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, em mong muốn cùng với cô giáo và các bạn của mình tìm ra phương án giải quyết bài toán nông sản của địa phương. Làm sao để bà con nông dân tới mùa thu hoạch trái chín có nguồn bao tiêu nông sản ổn định, không lo bị ép giá, rớt giá khi Trung Quốc ngừng nhập nông sản VN”, Trâm nói.

Sapoche khi treo gió

3 cô trò cũng mong muốn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, những trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để dự án có thêm nguồn vốn. Nữ sinh Lê Thị Ngọc Anh cho hay: “Chúng em chắc chắn không dừng lại ở ý tưởng của dự án. Cả nhóm vẫn đang nghiên cứu để tối ưu hóa quy trình sản xuất, hoàn thiện phương pháp để giải quyết vấn đề nấm mốc của trái sapoche”.

Chị Vũ Thị Hằng cho biết dự án được phát triển sẽ cam kết thu mua ổn định cho người nông dân với mức giá thấp nhất là 15.000 đồng/kg trái sapoche tươi. Ngoài ra, các hộ nông dân liên kết sản xuất có thể kiếm thêm thu nhập từ nguồn khách thăm vườn, được hướng dẫn cách biến rác thải nông nghiệp, rác thải hữu cơ hằng ngày thành nguồn phân bón, thuốc trừ sâu sinh học hiệu quả. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, giúp an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.