Lạc Dương khơi dậy tiềm năng nông nghiệp và du lịch

16/06/2021 11:16 GMT+7

Là huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, chỉ với 30 ngàn dân, đa số là đồng bào dân tộc bản địa, nhưng Lạc Dương đang có những bước đột phá trên hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.

Lạc Dương sát cạnh TP.Đà Lạt, có diện tích tự nhiên 131.136 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 116.292 ha. Hiện nay toàn huyện có 7.700 ha canh tác nông nghiệp, trong đó cà phê 4.680 ha, rau các loại 1.765 ha, hoa 680 ha, cây ăn quả 1.205 ha, dược liệu Atiso, đẳng sâm khoảng 35 ha… Trên địa bàn huyện được phê duyệt 4 khu và 1 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) thu hút hơn 30 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã, 2 trang trại đầu tư sản xuất NNCNC.
Thống kê toàn huyện có trên 922 ha sản xuất nông nghiệp trong nhà kính; thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 300 triệu đồng/ha, trồng rau trong nhà kính đạt 500 - 800 triệu đồng/ha/năm; trồng hoa ước đạt 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha/năm, riêng hoa lyli đạt 2 tỉ đồng/ha/năm.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và nhiều cảnh đẹp kỳ vĩ, tài nguyên thiên thiên phong phú và đa dạng của Bidoup - Núi Bà, hồ Đan Kia - Suối Vàng, mùa cỏ hồng cùng bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng… là tiềm năng du lịch hấp dẫn của Lạc Dương. Trong những năm gần đây, ngành du lịch, dịch vụ của địa phương có sự phát triển vượt bậc cả về mạng lưới, cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch, chất lượng phục vụ…cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan và trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.
Hồ Đan Kia nhìn từ đỉnh núi Lang Biang

Hồ Đan Kia nhìn từ đỉnh núi Lang Biang

Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND H.Lạc Dương cho biết, giai đoạn 2017-2020 huyện đã đón được khoảng 9 triệu lượt khách, thông qua hoạt động có thu vé đạt 5,8 triệu lượt, số còn lại là lượt khách qua các hoạt động giao lưu văn hóa cồng chiêng, tham quan du lịch canh nông… Tổng doanh thu đạt 395,2 tỉ đồng; số lượt khách tăng bình quân 11,4%/năm; doanh thu tăng bình quân 13,7%/năm.
Cũng theo ông Hoài, huyện đang tập trung nguồn lực vào phát triển các sản phẩm du lịch có nét đặc trưng, có tính cạnh tranh cao, mang thương hiệu du lịch Lạc Dương như: du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, mạo hiểm. Bên cạnh đó kết hợp phát triển loại hình du lịch dựa vào cộng đồng. Toàn huyện có 12 nhóm cồng chiêng phục vụ chuyên nghiệp, cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ văn hóa của du khách. Huyện khôi phục nghề dệt thổ cẩm tại tổ dân phố B’Nơr C, rượu cần Lang Biang, các mô hình chế biến sản phẩm cà phê Arabica Lang Biang…
Du khách đến với mùa hội cỏ hồng ở Lạc Dương

Du khách đến với mùa hội cỏ hồng ở Lạc Dương

Với lợi thế sẵn có, huyện đang đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng tuyến du lịch canh nông trên địa bàn xã Lát và dọc tuyến quốc lộ 27C nối liền Đà Lạt - Nha Trang. Sản phẩm nông nghiệp của địa phương được du khách ưa chuộng đặc biệt là hoa các loại, rau, dâu tây, cà phê, cá tầm…
“Để khơi dây các tiềm năng, huyện Lạc Dương sẵn sàng thu hút các dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp giáo dục… khuyến khích và hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch tại Lạc Dương”, ông Hoài nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.