Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm

17/04/2024 12:05 GMT+7

Dù đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 tăng thêm gần 109 ha công viên nhưng đến quý 1/2024, TP.HCM chỉ phát triển thêm được khoảng 39 ha.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về tiến độ các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, đến nay một số dự án, công trình chưa đảm bảo tiến độ, nhất là việc đầu tư công viên cây xanh. Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 tăng thêm gần 109 ha công viên nhưng đến quý 1/2024 chỉ phát triển thêm được khoảng 39 ha. Báo cáo của Sở Xây dựng chỉ ra các dự án xây dựng công viên bằng nguồn vốn ngân sách và tư nhân đều chậm.

Nhóm dự án xây dựng công viên bằng nguồn vốn ngân sách có 8 dự án, tổng diện tích khoảng 23 ha, trong đó có 3 dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, 3 dự án do UBND TP.Thủ Đức thực hiện, 1 dự án do UBND H.Nhà Bè thực hiện và 1 dự án chưa đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư và bố trí vốn.

Công viên trung tâm dự án khu dân cư Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM) nhìn từ trên cao

Công viên trung tâm dự án khu dân cư Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM) nhìn từ trên cao

THANH PHONG

Dù theo tiến độ, 7 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải hoàn thành công tác trình và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi vào cuối tháng 3.2024, nhưng thực tế vẫn chưa hoàn thiện.

Nhóm thứ 2 là các dự án phát triển hạ tầng có hạng mục công viên cây xanh gồm 2 dự án, tổng diện tích khoảng 47,7 ha. Đến nay, dự án đầu tư hạ tầng, trường học, công viên cây xanh trong phạm vi nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) giai đoạn 3 vẫn đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Còn dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (36 ha) đang triển khai các gói thầu xây lắp, chưa triển khai các hạng mục công viên cây xanh nên chưa có diện tích tăng thêm.

Nhóm 3 là các dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách, quy mô rộng khoảng 15,4 ha gồm 5 dự án khu đô thị quy mô lớn như khu dân cư Vinhomes, khu dân cư Vạn Phúc, khu dân cư Sala (TP.Thủ Đức), khu dân cư Phú Mỹ Hưng (Q.7) và khu dân cư Celadon (Q.Tân Phú).

Qua thống kê, diện tích công viên cây xanh tại 5 khu dân trên được quy hoạch khoảng 105,4 ha nhưng diện tích đã triển khai trên thực tế chỉ gần 50 ha, hơn 50% khối lượng còn lại chưa thực hiện. Sở Xây dựng cho biết đã làm việc với các chủ đầu tư dự án trên, đề nghị hoàn thiện hạ tầng và bàn giao cho cơ quan nhà nước trước ngày 31.12.2024.

Mục tiêu cao nhưng không có tiền thực hiện

Để phát triển hệ thống công viên cây xanh trên địa bàn, Sở Xây dựng đã xây dựng chương trình phát triển công viên cây xanh giai đoạn 2020 - 2030, trong đó đề ra chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2025 phát triển 150 ha và giai đoạn 2026 - 2030 phát triển 450 ha.

Chương trình này đã được UBND TP.HCM phê duyệt và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện theo từng giai đoạn, từng năm làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm- Ảnh 2.

Việc đầu tư các công viên mới ở TP.HCM khá chậm do nguồn ngân sách hạn hẹp

NGỌC DƯƠNG

Dù đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhưng theo Sở Xây dựng, hiện ngân sách của TP.HCM để đầu tư xây dựng mới công viên công cộng còn hạn hẹp.

Do đó, TP.HCM khó có để đầu tư tất cả công viên trong các đồ án quy hoạch xây dựng, bao gồm công viên nước Sài Gòn, công viên Đại Thế Giới, công viên Safari Củ Chi, công viên 150 ha ở P.Thạnh Xuân và Thới An (Q.12), công viên văn hóa Gò Vấp... Các công viên này đang được rà soát để phân khai đầu tư theo giai đoạn và theo khả năng cân đối vốn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.