Bóng đá nữ VN thời hậu HLV Mai Đức Chung:

Làm thế nào để nâng tầm giải bóng đá nữ vô địch quốc gia?

05/11/2023 06:38 GMT+7

Sau thời HLV Mai Đức Chung, bóng đá nữ Việt Nam (VN) đối diện nhiều thử thách như củng cố nền móng, nâng cấp giải vô địch quốc gia hay nhân rộng hệ thống đào tạo cầu thủ nữ, vốn còn rất khiêm tốn ở VN.

TỪ MONG MỎI CỦA HLV MAI ĐỨC CHUNG

Năm 2023 là mốc son trong lịch sử bóng đá nữ VN, khi đội tuyển quốc gia tham dự một mạch 4 giải đấu ở nhiều cấp độ, gồm SEA Games, ASIAD, vòng loại Olympic và đỉnh cao là World Cup 2023. Trong đó, việc duy trì thế thống trị ở SEA Games với tấm HCV thứ 4 liên tiếp, hay lần đầu góp mặt ở World Cup nữ là đỉnh cao chói lọi của đội tuyển nữ VN.

Làm thế nào để nâng tầm giải bóng đá nữ VĐQG ? - Ảnh 1.

Giải bóng đá nữ VĐQG 2023 chỉ có 8 đội tham gia

MINH TÚ

Tuy nhiên, HLV Mai Đức Chung sẽ rời băng ghế chỉ đạo đội nữ sau năm 2023, để lại khoảng trống trên ghế chỉ đạo mà Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cần phương án lấp đầy. Song quan trọng hơn, vận mệnh của bóng đá nữ VN không chỉ phụ thuộc vào một đội tuyển, mà nằm ở nền móng chất lượng giải vô địch quốc gia (VĐQG) và phong trào bóng đá nữ. Trong một cuộc họp sau trận đấu tại World Cup nữ 2023, HLV Mai Đức Chung từng tâm sự ông ao ước giải VĐQG nữ VN có nhiều đội tham dự hơn hiện nay để có thêm nhiều lựa chọn cầu thủ, vì như hiện nay là quá ít.

Ở VN, giải bóng đá nữ VĐQG nhiều năm qua chỉ có từ 6 - 8 đội tham gia, trong đó riêng Hà Nội và TP.HCM mỗi địa phương đã có 2 đội dự giải (gồm đội 1 và đội 2). Mùa giải 2023, giải VĐQG có 8 đội tham dự, thi đấu 14 vòng, gói gọn trong hơn 1 tháng.

Trong khi đó, bóng đá nữ Nhật Bản sở hữu L-League (nay có tên Nadeshiko League) với 2 hạng đấu, mùa giải này có 22 đội tranh tài. Cầu thủ nữ Nhật Bản được đảm bảo thi đấu ít nhất 25 - 30 trận mỗi năm. Nước Mỹ lại phát triển bóng đá học đường.

Phóng viên Jere Longman của The New York Times chia sẻ với Thanh Niên: "Ở các trường học tại Mỹ, chúng tôi có các hoạt động thể thao đa dạng, từ đó học sinh, sinh viên có thể tập luyện thể thao từ cấp phổ thông cho đến đại học và sau đại học. Khi tham gia các CLB thể thao trong trường học, các cầu thủ được hưởng quyền lợi tương tự VĐV chuyên nghiệp ở các CLB chuyên nghiệp khác". Gốc rễ của nền bóng đá nằm ở hệ thống CLB và tuyển chọn cầu thủ (có thể từ các học viện đào tạo hoặc bóng đá học đường), nhờ vậy mới có thể đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đội tuyển quốc gia. Nhưng ở VN, nền tảng này còn khiêm tốn.

TÌM HƯỚNG ĐI MỚI

Việc đội tuyển đá quanh năm suốt tháng, đến khi đội nghỉ mới tìm khoảng thời gian trống để thi đấu giải VĐQG cho thấy thực tế của bóng đá nữ VN. Do giải nữ chỉ có 8 đội, nên khi đội tuyển thi đấu, có khi CLB… không đủ cầu thủ đá giải trong nước, dẫn đến phải tạm ngừng. Với vỏn vẹn 5 địa phương đào tạo cầu thủ nữ gồm Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Quảng Ninh và Thái Nguyên, việc bóng đá được dự World Cup đã là phi thường.

HLV Mai Đức Chung chia tay đội tuyển nữ Việt Nam

Vấn đề cốt lõi của giải bóng đá nữ VĐQG là không đủ sức hút với các nhà tài trợ. Nhiều năm qua, rót tiền cho giải nữ chỉ có một gương mặt quen thuộc, vốn là doanh nghiệp của một lãnh đạo VFF. Trong các đội dự giải, ngoại trừ CLB Thái Nguyên có dấu ấn doanh nghiệp, các đội nữ còn lại chủ yếu sống nhờ ngân sách. Thời gian gần đây do đạt được những thành tích tốt nên bóng đá nữ VN được quan tâm nhiều hơn, nhưng chỉ là ở cấp đội tuyển. Tức là cái cây được tưới nước, nhưng chỉ ở phần ngọn, còn gốc rễ vẫn khô cằn.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ: "Hiện nay, chúng ta chỉ có 5 địa phương làm bóng đá nữ. Cứ cho là mỗi nơi có 100 cầu thủ, thì cả nước chỉ có khoảng 500 cầu thủ nữ. Để tiếp tục góp mặt ở World Cup, hãy phát triển phong trào bóng đá nữ, tìm thêm nguồn lực xã hội để đầu tư cho CLB ở giải VĐQG". 

Phát triển bóng đá nữ học đường

Chuyên gia Đoàn Minh Xương kỳ vọng trong tương lai, ngoài giải chuyên nghiệp, sẽ có thêm sân chơi bóng đá sinh viên dành cho nữ. Ông Xương khẳng định giải bóng đá Thanh Niên Sinh viên VN do Báo Thanh Niên phối hợp với VFF tổ chức đã tạo được phong trào cho sinh viên nam, nhưng với sinh viên nữ, hy vọng sẽ có những giải đấu tương tự. "Cần đưa bóng đá vào học đường, để các em tiếp cận bóng đá khi còn nhỏ. Phát triển bóng đá nữ học đường sẽ tạo nền tảng tốt để có nguồn sàng lọc, lựa chọn cầu thủ nữ, ngoài ra đẩy mạnh phong trào sẽ giúp các gia đình cởi mở hơn khi cho con em theo học bóng đá", chuyên gia Đoàn Minh Xương nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.