Lễ hội chùa Hương khởi sắc sau 2 năm dịch bệnh

31/01/2023 18:56 GMT+7

Trong những ngày đầu năm Quý Mão 2023, hàng vạn người đổ về Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) tại H.Mỹ Đức (Hà Nội) để vãn cảnh, lễ chùa; đánh dấu sự khởi sắc của lễ hội sau 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh.

Đón hơn 13 vạn khách trong 4 ngày

Lễ hội chùa Hương là lễ hội kéo dài bậc nhất cả nước khi diễn ra trong 3 tháng, từ 2.1 - 4.3 năm Quý Mão (tức 23.1 - 23.4). Như thường lệ, ngày khai hội là 6.1 năm Quý Mão (tức 27.1).

Lễ hội chùa Hương khởi sắc sau 2 năm dịch bệnh - Ảnh 1.

Hàng vạn người đổ về chùa Hương trong ngày khai hội

Đình Huy

Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại chùa Hương ngày khai hội, hàng vạn người đổ về đây để vãn cảnh, du xuân, lễ chùa. Những chiếc thuyền, đò chở du khách trải dài xuôi dòng suối Yến tạo nên không khí nhộn nhịp, tấp nập.

Điểm nổi bật của lễ hội chùa Hương năm nay là ban tổ chức (BTC) đổi mới hình thức bán vé tham quan, từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử; đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê, để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội.

Theo BTC lễ hội, giá vé vào cửa Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn được niêm yết là 130.000 đồng/người (80.000 đồng vé vào cửa và 50.000 đồng phí đi đò). Năm nay, BTC thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe, để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan, thưởng ngoạn. Vé xe điện có giá 10.000 đồng/người/lượt, đồng giá cho các tuyến.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND H.Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương, cho biết từ ngày mùng 3 đến mùng 5 tết Nguyên đán 2023 (tức 24 - 26.1), chùa Hương đã đón 10,2 vạn lượt khách tham quan. Riêng trong ngày khai hội, chùa Hương đón khoảng hơn 3 vạn khách.

"Sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, lễ hội chùa Hương năm nay số lượng du khách sẽ đông. Chúng tôi đã chỉ đạo UBND xã Hương Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện cải tạo, nâng cấp các bãi đậu xe, đảm bảo sức chứa, đáp ứng nhu cầu du khách; xây dựng các phương án điều tiết giao thông đảm bảo phù hợp, khoa học", ông Cảnh nói.

Theo vị Phó chủ tịch UBND H.Mỹ Đức, lễ hội năm nay, lực lượng công an còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ quan trọng là ngăn chặn, xử lý hành vi chèo kéo người đi đò (còn được gọi là "cò" - PV). Không chỉ Công an H.Mỹ Đức, công an ở các huyện có trục đường hướng về chùa Hương, Công an H.Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) cũng sẽ kết hợp ngăn chặn, xử lý hành vi này.

Vượt quãng đường gần 100 km từ TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đến chùa Hương trẩy hội, anh Phạm Ngọc Luân (50 tuổi) cho biết, gia đình anh đi chùa Hương từ ngày 26.1 rồi ở lại chùa Thiên Trù, sáng hôm sau lên động Hương Tích từ sớm để tránh cảnh đông đúc.

"Năm mới, tôi cầu cho "quốc thái dân an"; gia đình ấm no, hạnh phúc, con cháu học giỏi", anh Luân nói và giải thích hành động cầu may hứng những giọt nước từ thạch nhũ trên cao rơi xuống (còn gọi là "nước thánh" - PV) từ động Hương Tích, sau khi đến đây thắp hương khấn phật.

Không chỉ dùng tay, có người còn dùng tiền hứng "nước thánh" rơi xuống, dùng tiền xoa vào vách đá để cầu tài lộc. Cầm tiền xoa lên vách đá, chị Nguyễn Thị Thoa (ở Hưng Yên) cho biết, chị làm vậy để cầu mong gia đình nhiều sức khoẻ, dư giả trong năm mới.

Tái diễn đánh bài ăn tiền

Bên cạnh khung cảnh nhộn nhịp, tươi vui, tại lễ hội chùa Hương năm nay vẫn xuất hiện những vấn nạn đáng lưu ý. Trên đường vào động Hương Tích và chùa Thiên Trù, tại nhiều thuyền xuôi dòng suối Yến, nhiều du khách tranh thủ rủ nhau đánh bài ăn tiền.

Mùa lễ hội nào, Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cũng tuyên truyền, nhắc nhở người dân không tổ chức các hình thức cờ bạc khi tham quan di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này, song năm nay tình trạng vẫn tái diễn.

Bên cạnh đánh bài ăn tiền, vấn đề gây nhức nhối, làm mất đi hình ảnh đẹp khi về lễ chùa Hương khác là, vẫn còn những hàng quán ngay sát chân chùa Thiên Trù bán thịt tươi sống nguyên con hoặc phanh thây bày trong tủ kính. Thậm chí, một số cửa hàng còn khẳng định có thịt thú rừng bán cho du khách, dù hành vi này đã bị nghiêm cấm từ lâu.

Trả lời về những vấn đề trên, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, thừa nhận việc người dân đánh bạc khi tham quan chùa Hương là một bất cập, ban quản lý cần rút kinh nghiệm. Tình trạng đánh bài trên thuyền năm nay diễn ra ít nhưng xử lý rất phức tạp.

"Trong thời gian tới, ban quản lý sẽ thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở công an xử lý tình trạng này. Sắp tới, H.Mỹ Đức sẽ thành lập HTX. Đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm quản lý, nhắc nhở đối với lái đò và không cho du khách chơi bài khi tham quan chùa Hương", ông Hiển nhấn mạnh.

Về việc bán thịt thú rừng cho khách tham quan, ông Hiển khẳng định, các chủ cửa hàng quảng cáo cho đắt hàng chứ không có thịt thú rừng được bày bán. "Tại khu vực đó đều có lực lượng liên ngành như quản lý thị trường, công an môi trường; cửa hàng nào bị phát hiện bán thịt thú rừng sẽ bị xử rất nặng", ông Hiển nói và cho biết, tổ liên ngành cũng thường xuyên đi nhắc nhở chủ quán không treo, móc thịt các con vật lên, tránh gây phản cảm.

"Lễ hội chùa Hương là lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đây còn là nơi hội tụ các nét sinh hoạt văn hoá, như: bơi thuyền, múa rồng, lễ phật… Mong rằng nhân dân và du khách thập phương thể hiện nếp sống văn minh khi tham gia các hoạt động lễ hội; giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của lễ hội; đồng thời bảo vệ các bút tích, di vật liên quan đến di sản văn hoá chùa Hương", ông Cảnh nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.