Cẩn trọng với những mối nguy dễ gặp khi đi chơi lễ:

Leo núi, cắm trại coi chừng sạt lở đất đá

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
27/04/2023 06:26 GMT+7

Leo núi, cắm trại qua đêm trong rừng là một trải nghiệm tuyệt vời của người trẻ dịp lễ 30.4, 1.5 sắp tới. Tuy nhiên, nếu không trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết thì những chuyến đi có thể trở nên tồi tệ nếu gặp một số sự cố, mối nguy ảnh hưởng sức khỏe.

COI CHỪNG CÁC LOẠI CÂY LẠ

Từng chinh phục thành công 4 đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh), Langbiang (Lâm Đồng), Bà Rá (Bình Phước), núi Cấm (An Giang), chị Tạ Kiều Ngân (35 tuổi) kể lại trong chuyến đi rừng vào tháng 3.2019 đã bị một chiếc gai hơn 1 cm đâm vào da ở phần cổ. Ban đầu chị Ngân cũng nghĩ là cây gai thông thường nên tiếp tục hoàn thành chặng leo núi mà không quá chú ý đến vết thương. Tuy nhiên, khi xuống đến chân núi cô gái này mới phát hiện đó là chiếc gai có độc, khiến da bị dị ứng, mẩn đỏ gây cảm giác khó chịu, mất ngủ cả đêm.

"May mắn mình đã gặp được người dân địa phương để xin thuốc. Vì vậy, khi đi rừng đừng nên sờ nắm lung tung những loài cây lạ. Khi mang thứ gì vào rừng thì phải mang ra không được để lại. Phải biết lắng nghe cơ thể của mình, phân bổ sức phù hợp để tránh tình trạng kiệt sức", chị Ngân nhắn nhủ.

Leo núi, cắm trại coi chừng sạt lở đất đá - Ảnh 1.

Nên cẩn trọng từng bước đi và biết phân phối sức phù hợp là bí quyết giúp chuyến leo núi an toàn

Nguyễn Điền

XEM TRƯỚC DỰ BÁO THỜI TIẾT

Là một người yêu thiên nhiên, thích khám phá núi rừng nên trung bình mỗi năm anh Phạm Phi Long (33 tuổi) đi leo núi từ 4 lần trở lên. Những cung đường mà anh Long đã chinh phục thành công có thể kể đến như núi Bà Đen, núi Chứa Chan (Đồng Nai), Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng), Bạch Mộc Lương Tử (trải dài địa phận 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu)…

Trong những lần leo núi, không ít lần anh Long gặp phải những bạn trẻ gặp sự cố. "Mình từng gặp một nhóm bạn trẻ gặp sự cố hồi leo cung Ma Thiên Lãnh (Tây Ninh), núi Bà Đen, bọn mình bắt đầu leo từ lúc 16 giờ, khi lên tới giữa núi tầm 20 giờ thì nghe tiếng kêu cứu của một nhóm 5 bạn trẻ (2 nam, 3 nữ) bị lạc đường. Được biết nhóm này bắt đầu chuyến đi lúc 8 giờ sáng, khi leo thì bị lạc tới tối, trong khi không có đèn pin do chuẩn bị khá sơ sài cho chuyến đi vì nghĩ sẽ về đích sớm. Các bạn ấy không ngờ bị lạc đường và thời tiết hôm đó cũng có mưa và sương xuống khá nhiều, đường bị trơn trượt nên di chuyển cũng khó khăn. May mắn là nhóm mình đã hỗ trợ các bạn ấy về lại chân núi an toàn", anh Long cho biết.

Leo núi, cắm trại coi chừng sạt lở đất đá - Ảnh 2.

Anh Long nói hiện nay xu hướng đi leo núi, cắm trại qua đêm khá nhiều. Quá trình chuẩn bị cần thật kỹ, để hạn chế các tai nạn liên quan tay chân hoặc không nên đi vào các ngày mưa để tránh sạt lở đất đá.

"Nên xem trước dự báo thời tiết nơi mà bạn chuẩn bị đến leo núi, cắm trại. Các loại đồ dùng nên chuẩn bị: võng, tăng che mưa, túi ngủ, 2 bộ quần áo, 6 lít nước (nước suối, nước tăng lực, nước điện giải…), bật lửa, nồi nấu nước, các loại thức ăn dễ chế biến như mì ly, bánh sandwich, xúc xích, đồ hộp, ít rau củ…, đèn pin và dụng cụ sơ cứu cơ bản. Đặc biệt, mình có mang theo dao, loại có đá đánh lửa nên có thể thay bật lửa khi lỡ bị hư. Nên đi với người thân quen và có kinh nghiệm leo núi cắm trại qua đêm và rành địa hình nơi cắm trại", anh Long lưu ý người trẻ muốn cắm trại ở lại qua đêm trong rừng núi.

NÊN CÓ SỰ CHUẨN BỊ KỸ

Bắt đầu tập chạy bộ từ cuối năm 2019 và chinh phục ngọn núi đầu tiên vào năm 2020, anh Nguyễn Đặng Anh Tuấn (30 tuổi), làm giao hàng cho Hãng Grab, content writer và KOC chuyên mảng chạy bộ, thể thao, cho biết đến thời điểm hiện tại đã thử sức qua nhiều ngọn núi như: Chứa Chan, Bà Đen, LangBiang…

Leo núi, cắm trại coi chừng sạt lở đất đá - Ảnh 3.

Anh Tuấn cho biết những nguy hiểm mà người leo núi có thể gặp phải là bị lạc đường vì trong rừng rất khó xác định được phương hướng và đường đi. Trong quá trình di chuyển có thể vô tình trượt chân té ngã dẫn đến chấn thương. Ngoài ra, việc bị một số loại côn trùng tấn công hay gặp rắn là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

"Không nên đi một mình vì trong tình huống nguy cấp không có người giúp đỡ. Trong đoàn cần có ít nhất 1 - 2 người thông thạo đường đi để hướng dẫn đoàn đi đúng hướng. Không tự ý tách đoàn đi riêng vì rất dễ bị lạc đường và ảnh hưởng đến an toàn chung của cả đoàn. Trước ngày leo núi nên chạy bộ nhẹ hoặc đi bộ từ 2 - 3 buổi để chuẩn bị thể lực tốt nhất cho chuyến leo núi", anh Tuấn lưu ý.

Leo núi, cắm trại coi chừng sạt lở đất đá - Ảnh 4.

Nhóm bạn của anh Long trong một chuyến cắm trại qua đêm

NVCC

Anh Tuấn cho biết thêm cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, lương thực và trang thiết bị cơ bản để đảm bảo an toàn cho bản thân: "Trang phục gọn nhẹ, thoáng mát, nên mặc quần dài hoặc vớ dài thể thao sẽ giúp hạn chế trầy xước chân và bị côn trùng cắn. Nên chọn một đôi giày có độ bám tốt hoặc giày chạy trail (giày cho địa hình trơn trượt) để hạn chế trượt chân vì sẽ đi qua những cánh rừng có độ ẩm cao... Hãy trang bị một cặp gậy hỗ trợ leo núi hoặc gậy chạy trail để giúp đỡ mất sức khi leo những đoạn đường dốc cao và hạn chế chấn thương đầu gối. Chuẩn bị một đôi bao tay chống trượt để việc bám đá tốt hơn khi leo những ngọn núi có địa hình xấu và hạn chế trầy xước khi gặp những cây gai. Và cuối cùng mang theo những loại thuốc mà bản thân đang dùng mỗi ngày".

Ngoài ra, theo anh Tuấn, túi y tế cơ bản và chai xịt lạnh chuyên dụng trong thể thao là những thứ rất cần thiết cho chuyến đi núi rừng. "Một trong những chấn thương kinh khủng nhất nhưng cũng sẽ dễ gặp phải nhất trong lúc leo núi do không di chuyển cẩn thận, tiếp đất bằng chân sai tư thế là trật sơ mi (trật mắt cá chân). Nếu để bản thân rơi vào trường hợp này thì thật là kinh khủng vì cũng chỉ có thể giảm đau tạm thời, địa hình núi nên sẽ không ai có thể cõng hoặc khiêng vác bạn được. Cách sơ cứu nhanh nhất là giảm đau bằng chai xịt thể thao và di chuyển càng nhanh càng tốt về đích bằng cái chân lành lặn còn lại", anh Tuấn chia sẻ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.