CHXHCN Việt Nam có bị ràng buộc bởi công thư 1958?

20/06/2014 19:00 GMT+7

(TNO) Những ngày vừa qua, trên báo chí nổi lên cuộc tranh luận về Công thư năm 1958 của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng cũng như về một vài tư liệu khác (bản đồ, sách giáo khoa…) mà ngày 9.6.2014 Trung Quốc đề nghị cho lưu hành tại Liên Hiệp Quốc.

>> Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa

 Các tàu hộ tống giàn khoan tăng cường co cụm quanh giàn khoan
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam bị cộng đồng quốc tế lên án - Ảnh: Độc Lập

Sau khi đọc những tài liệu trên và một số bài của các học giả Trung Quốc, tôi thấy cần phải trao đổi đôi điều về vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam - một trong những luận cứ chính mà phía Trung Quốc muốn dùng để bào chữa cho hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Một số khái niệm cơ bản về thừa kế quốc gia

1. Thừa kế quốc gia là một chế định luật pháp quốc tế khá phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn. Cho đến khi ra đời 2 Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ): Công ước về thừa kế quốc gia đối với điều ước quốc tế năm 1978; Công ước về thừa kế quốc gia đối với tài sản, lưu trữ và nợ quốc gia năm 1983, các luật gia trên thế giới đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này.

Căn cứ vào hai Công ước nói trên, có 3 trường hơp làm phát sinh thừa kế quốc gia, đó là: Thừa kế khi thuộc địa trở thành quốc gia mới độc lập; Thừa kế khi có sự sáp nhập hoặc tách rời quốc gia; Thừa kế khi chuyển giao một bộ phận lãnh thổ từ quốc gia này sang quốc gia khác. 

Nhiều luật gia còn nêu ra trường hợp thừa kế quốc gia sau cách mạng xã hội, nhưng hai Công ước 1978 và 1983 đã không coi cách mạng xã hội là một trường hợp dẫn đến thừa kế quốc gia. Như vậy, luật pháp quốc tế coi cách mạng xã hội chỉ làm thay đổi chế độ chính trị (chính phủ) trong một quốc gia chứ không hình thành nên một quốc gia - chủ thể mới của luật pháp quốc tế. Trong 3 trường hợp trên, về khách quan chúng ta đều thấy có sự hiện diện của hai quốc gia là quốc gia tiền bối (predecessor state) và quốc gia thừa kế (successor state) khác nhau (với đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia theo Công ước Montevideo, bao gồm: dân cư, lãnh thổ và một chính quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại), còn trong trường hợp cách mạng xã hội thì tương đối khó chứng minh điều này.

2. Hai Công ước của LHQ đều định nghĩa: “Thừa kế quốc gia” là sự thay đổi đối với trách nhiệm về quan hệ quốc tế của lãnh thổ từ một quốc gia này sang một quốc gia khác. (Succession of states” means the replacement of one state by another in the responsibility for the international relations of territory).

Đồng thời với việc xác định ba trường hợp thừa kế quốc gia, hai Công ước cũng quy định những nguyên tắc pháp lý áp dụng cho từng trường hợp thừa kế nói trên. Khác với nguyên tắc “thừa kế đương nhiên và toàn bộ” trong trường hợp sáp nhập hoặc tách rời quốc gia, trường hợp các quốc gia mới độc lập, nguyên tắc thừa kế quốc gia đối với điều ước quốc tế cũng như nợ quốc gia được áp dụng trong hai Công ước về cơ bản là nguyên tắc “xóa sạch” (tabula rasa) hay còn gọi là thừa kế có chọn lọc.

Việt Nam là quốc gia mới độc lập đã áp dụng nguyên tắc này trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945: “Chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn khỏi quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những Hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. 

Quốc hội yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981
Tàu Cảnh sát biển VN đang thực thi pháp luật tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Trung Quốc) hạ đặt trái phép - Ảnh: M.T.Hải

3. Mặc dù vậy, vẫn có một nguyên tắc được áp dụng chung cho tất cả mọi trường hợp thừa kế quốc gia - đó là khi thừa kế quốc gia liên quan đến biên giới và lãnh thổ. Đ.11 và 12 của Công ước 1978 về thừa kế quốc gia quy định: thừa kế quốc gia không làm ảnh hưởng đến đường biên giới, chế độ biên giới hoặc quy chế các vùng lãnh thổ được quy đinh trong các điều ước quốc tế. Nói cách khác tức là các quốc gia thừa kế (ngay cả trường hợp quốc gia mới độc lập), đều không thể đơn phương hủy bỏ, thay đổi các điều ước về biên giới, về chế độ biên giới hoặc về quy chế một vùng lãnh thổ nào đó. Nếu điều ước đó là bất hợp lý thì quốc gia mới được thành lập (quốc gia thừa kế), trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phải đàm phán với các quốc gia liên quan để sửa đổi.

Đ.11 và 12 làm rõ thêm quy định của luật pháp quốc tế: tranh chấp về biên giới lãnh thổ không thể giải quyết bằng các hành động đơn phương, đặc biệt là bằng vũ lực. Điều này vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: nguyên tắc cấm sử dụng vũ lưc và đe dọa sử dụng vũ lưc, nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình…

Thừa kế quốc gia của Nhà nước Việt Nam

1. Trước khi bị Pháp xâm lược, nước Việt Nam, mà người đại diện là Triều đình của các Hoàng đế nhà Nguyễn, đã là một quốc gia - chủ thể của luật pháp quốc tế. Các vua chúa nhà Nguyễn là người đã xác lập và thực thi chủ quyền của quốc gia Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thông qua việc ký Hiệp ước 1884 với Triều đình Huế, về phương diện pháp lý quốc tế, Pháp đã hoàn tất quá trình biến Việt Nam thành thuộc địa của mình. Từ thời điểm này, Việt Nam mất độc lập chủ quyền, không có quan hệ đối ngoại, không phải là chủ thể luật pháp quốc tế.

Theo luật pháp quốc tế thời bấy giờ thì Pháp là quốc gia thừa kế của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Với tư cách đó, Pháp đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới trên bộ với Triều đình nhà Thanh và khi phân chia các đơn vị hành chính Việt Nam, Pháp đã đưa Hoàng Sa vào quản lý hành chính của tỉnh Quảng Nam, Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Cũng với tư cách là quốc gia thừa kế của Việt Nam, chính phủ Pháp đã cho xây dựng trạm khí tượng trên Hoàng Sa và cấp phép cho các công ty khai thác phân dơi trên quần đảo này…

Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm độc quyền cai trị Việt Nam dẫn đến sự kiện Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố xóa bỏ các điều ước bất bình đẳng 1862, 1874, 1884 giữa Việt Nam và Pháp, xóa bỏ quy chế thuộc địa và việc chia cắt Việt Nam thành ba Kỳ. Nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng với sự kiện này Việt Nam trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền. Tuyên cáo của Bảo Đại ngày 11.3.1945 nói “nước Việt Nam khôi phục quyền độc lập” không thể coi là văn kiện làm phát sinh thừa kế quốc gia, nếu có chăng chỉ là việc Nhật thừa kế các quyền lợi của Pháp tại Việt Nam. Nhật đã thay thế Pháp quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

2. Với Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Nam trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền, chủ thể của luật pháp quốc tế. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Tuyên ngôn Độc lập: “Pháp chạy, Nhật hàng, Vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ để lập nên chế độ dân chủ công hòa… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”.

Câu nói trên đã khái quát một cách hết sức cô đọng vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam. Bởi vì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) xuất hiện như một quốc gia mới độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế, nhưng không phải tách ra từ thuộc địa của Pháp, vì “Pháp đã chạy”, những điều ước của Pháp đã bị xóa bỏ. Nước Việt Nam cũng không phải là quốc gia thừa kế trực tiếp của Nhật, vì lúc đó Nhật đã đầu hàng Đồng minh. VNDCCH lại càng không phải là quốc gia thừa kế của Triều đình Huế, bởi vì không thể có thừa kế quốc gia đối với triều đình bù nhìn.

Việc ngày 23.9.1945, Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam và trong thời gian đầu chiếm được phần lớn lãnh thổ Việt Nam không đem lại địa vị pháp lý quốc tế mà Pháp đã có ở Việt Nam trước năm 1945. Đó chỉ là hành động xâm lược đối với một quốc gia đã có độc lập chủ quyền là VNDCCH. Với sách lược hòa hoãn, VNDCCH đã ký Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 cho nên, về khách quan, giữa VNDCCH và Pháp chưa thể diễn ra việc chuyển giao những quyền và nghĩa vụ quốc tế cụ thể theo thừa kế quốc gia.

3. Để đối phó với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ngày 8.3.1949 Pháp ký với Bảo Đại Hiệp định Élysée, công nhận “nền độc lập của Việt Nam”, trên cơ sở đó Bảo Đại về nước thành lập Quốc gia Việt Nam (từ 1956 đổi thành Việt Nam Cộng hòa - dưới dây gọi chung là VNCH). Hiệp định Élysée 1949 cùng với Hiệp ước trao trao trả độc lập cho Việt Nam ngày 4.6.1954 được nhiều luật gia miền Nam trước đây coi là hai văn kiện pháp lý quốc tế đánh dấu sự ra đời của môt quốc gia Việt Nam độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế và là văn kiện quy định về thừa kế quốc gia của Việt Nam sau khi chấm dứt ách thống trị thực dân của Pháp. Về khoa học pháp lý quốc tế, những khẳng định này là không đúng.

Từ thời điểm này trên lãnh thổ Việt Nam song song tồn tại hai chính phủ là VNDCCH và VNCH, cả hai chính phủ này đều coi toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau thuộc quyền quản lý của mình và chỉ có mình là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của Việt Nam.

Trên thực tế, Pháp đã sử dụng khá thành công hai văn kiện 1949 và 1954 nói trên để từ chối quan hệ với VNDCCH và chuyển giao những quyền và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam cho VNCH với tư cách là quốc gia thừa kế của Pháp. Với sự vận động của Pháp, VNCH đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế thuộc hệ thống của LHQ như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO - tháng 6.1950), Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO - tháng 11.1950), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO - tháng 6.1951), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA - tháng 9.1961)… Phần lớn các nước phương Tây, trong khi không công nhận VNDCCH, đã thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi Đại sứ với VNCH. Họ coi VNCH như là người đại diện cho quốc gia Việt Nam.

VNCH tham dự Hội nghi San Francisco 1951, tại đây đã chính thức khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa  và sau đó đã tiếp quản và quản lý hai quần đảo này từ tay Pháp với tư cách quốc gia thừa kế.

Đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ VNDCCH, bắt đầu từ tháng 1.1950 Trung Quốc, Liên Xô rồi sau đó là một loạt các nước Xã hội chủ nghĩa (XHCN) công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH. Các nước XHCN công nhận VNDCCH như là người đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất của Việt Nam, từ chối quan hệ chính thức với VNCH.

4. Hiệp định Genève 1954 là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương quan trọng đầu tiên công nhận “chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam. Bên cạnh Pháp và VNDCCH, tham dự Hội nghị Genève cùng với các cường quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh và Campuchia, Lào còn có đại diện của Quốc gia Việt Nam. Đại diện của Chính phủ Bảo Đại đã từ chối ký Hiệp định Genève với lý do chính đưa ra là phản đối việc Hiệp định này chia cắt Việt Nam thành hai miền.

Theo Hiệp định Genève, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết (chính quyền và quân đội VNDCCH tập trung về miền Bắc; chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam). Mặc dù “Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ”. (Đ.6 Tuyên bố chung), nhưng Đ.14 (k.a) lại quy định "Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy (TG nhấn mạnh)". 

5. Sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng đưa đến việc thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) vào ngày 8 tháng 6 năm 1969. Từ tháng 6.1969 đến cuối năm 1975, CHMNVN đã được hơn 50 nước trên thế giới công nhận và lập quan hệ ngoại giao. 

Trên lãnh thổ Việt Nam xuất hiện thêm một chính phủ, nhưng khác với VNDCCH và VNCH, CHMNVN chỉ khẳng định chủ quyền của mình đối với lãnh thổ miền Nam Việt Nam (tức là từ phía Nam vĩ tuyến 17) và coi mình là “đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất cho nhân dân miền Nam Việt Nam”. CHMNVN được VNDCCH công nhận là chính quyền hợp pháp ở miền Nam Việt Nam và thiết lập Văn phòng Đại diện có quy chế ngoại giao tại Hà Nội.

Cho đến ngày 30.4.1975, bên cạnh việc tham dự Hội nghi Paris bốn bên về Việt Nam, CHMNVN vận động để được tham gia các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Đầu tiên là việc gia nhập Phong trào Không Liên kết tại Hội nghị cấp cao Alger 1973; sau đó là cuộc vận động để tham dự Hội nghị Ngoại giao về Luật quốc tế Nhân đạo tai Genève năm 1974; CHMNVN đã gửi Công thư cho Tổng thư ký LHQ yêu cầu được hưởng quy chế Quan sát viên tại tổ chức này (sau ngày 30.4.1975 CHMNVN tiếp quản quy chế Quan sát viên của VNCH tại LHQ)…

Đầu năm 1974, khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, CHMNVN đã có Tuyên bố chính thức phản đối hành động này vì coi mình là người quản lý lãnh thổ miền Nam Việt Nam.

6. Ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam 30.4.1975, CHMNVN đã có một loạt Tuyên bố khẳng định quyền thừa kế đối với tài sản quốc gia của miền Nam Việt Nam ở nước ngoài. Ví du như:  Tuyên bố ngày 1.5.1975 của Bộ Ngoại giao CHMNVN khẳng định mọi tài sản, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ lưu trữ, tài khoản ngân hàng, trụ sở, phương tiện giao thông và tất cả những tài sản khác của các cơ quan đại diện của VNCH ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Cơ quan đại diện bên cạnh các tổ chức quốc tế…) là tài sản của nhân dân miền Nam Việt Nam và phải do CHMNVN quản lý…

Cũng với cách tiếp cận tương tự, CHMNVN đã đòi quyền đại diện tại hầu như tất cả các tổ chức quốc tế trong và ngoài hệ thống LHQ mà trước đó VNCH đã tham gia (WHO, ILO, UNESCO, ICAO,  IAEA, IMF, WB…).

Việc CHMNVN tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính phủ VNCH cũng như quy chế hội viên tại các TCQT diễn ra thuận lợi, không gặp một trở ngại nào về pháp lý vì các quốc gia và tổ chức quốc tế đều quan niệm rằng đây chỉ là sự thay đổi chính quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không làm phát sinh chủ thể mới luật pháp quốc tế. Theo họ đây là thừa kế chính phủ chứ không phải thừa kế quốc gia. Việc tuyệt đại đa số thành viên Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng LHQ khóa XXX (1975) biểu quyết ủng hộ kết nạp CHMNVN cùng với VNDCCH làm thành viên LHQ càng chứng minh rõ việc này (năm 1975 không được kết nạp là do phiếu phủ quyết của Mỹ).

Về đối nội, các văn kiện Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất tổ quốc diễn ra tại TP.HCM ngày 21.11.1975 đã khẳng định CHMNVN thi hành quyền lực pháp lý ở miền Nam, còn VNDCCH thi hành quyền lực ở miền Bắc. Chính quyền CHMNVN đã tổ chức các cuộc bầu cử ở cấp địa phương, và ban hành các văn bản pháp luật theo thẩm quyền.

Trên biển, quân giải phóng MNVN đã tiếp thu tất cả các đảo trên biển Đông phía Nam vĩ tuyến 17 do quân đội VNCH đồn trú mà không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào trong cũng như ngoài khu vực.

7. Tổng tuyển cử bầu quốc hội của nước Việt Nam thống nhất diễn ra trên toàn lãnh thổ VNDCCH và CHMNVN vào ngày 25.4.1976. Ngày 24.6.1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên quyết định đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) với Thủ đô là Hà Nội.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao CHXHCNVN có Công thư gửi cho các quốc gia và tổ chức quốc tế thông báo về những quyết định của Quốc hôi nước Việt Nam thống nhất và về việc hợp nhất cơ quan đại diện đối ngoại của VNDCCH và CHMNVN ở nước ngoài thành cơ quan đại diện của CHXHCNVN.

Tuy vậy, vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam lúc này diễn ra không hoàn toàn thuận lợi như trước đây. Quan điểm của CHXHCNVN không công nhận sự ràng buộc đối với những Hiệp định vay nợ mà VNCH đã ký trước ngày 30.4.1975 đã không được các quốc gia và tổ chức quốc tế chấp nhận. Quan điểm của các luật gia Việt Nam đấu tranh đòi áp dụng nguyên tắc thừa kế quốc gia đối với quốc gia mới độc lập cũng không thuyết phục được đối tác trong các cuộc đàm phán. Các quốc gia và tổ chức quốc tế nhất quán quan điểm coi CHXHCNVN là chủ thể mới của luật pháp quốc tế, hình thành trên cơ sở sát nhập VNDCCH và CHMNVN. Ba trường hợp sau sẽ cho thấy thực tiễn giải quyết vấn đề thừa kế quốc gia của CHXHCNVN.

- VNCH là hội viện sáng lập của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) từ 1966. Trong gần 10 năm, ADB đã dành cho VNCH 11 khoản vay để thực hiện 9 dự án phát triển. Cho đến 30.4.1975, VNCH còn nợ ADB 5.580.000 USD (gần như tương đương với 5.360.000 USD là khoản đóng góp mà VNCH đang có tại ADB). Sau khi giải phóng miền Nam, ADB đương nhiên coi CHMNVN là hội viên thay thế cho VNCH. Nhưng sau khi thống nhất đất nước, để có thể thừa kế quyền hội viên của CHMNVN thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải có Công thư ngày 30.8.1976 gửi cho Chủ tịch ADB tuyên bố thay mặt Chính phủ CHXHCNVN nhận tất cả những nghĩa vụ đối với các khoản tín dụng mà ADB dành cho miền Nam Việt Nam trước ngày 24.6.1976.

- Đối với các Hiệp định tín dụng mà Chính phủ Nhật cho VNCH vay trước 1975, cách giải quyết có khác hơn, nhưng về nguyên tắc vẫn không thay đổi. Sau những cuộc đàm phán khó khăn và kéo dài, đầu năm 1978 hai bên đã đi đến thỏa thuận: CHXHCNVN đồng ý trả khoản nợ của VNCH trong thời hạn 25 năm, để đổi lại, trong vòng 3 năm Nhật viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam một khoản tiền tương đương với khoản nợ của VNCH, đồng thời trong 2 năm tài khóa 1978 - 1979 Nhật sẽ cung cấp cho CHXHCNVN một khoản tín dụng 20 tỉ Yên với lãi xuất ưu đãi là 2,78% và thời gian trả nợ là 30 năm.

- Cuộc đàm phán đi đến bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào những năm 90 của thế kỷ trước cũng không phải là ngọai lệ, cuối cùng CHXHCNVN cũng đồng ý trả, tuy không phải là tất cả, những khoản tín dụng hợp lý mà Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết với VNCH.

Công thư 1958 có ràng buộc CHXHCNVN hay không ?

1. Từ những dẫn chứng trên có thể kết luận: VNCH là một quốc gia chủ thể của luật pháp quốc tế và những hành động với tư cách quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế của VNCH cần phải được tôn trọng. Thực tế lịch sử cho thấy, tất cả những quốc gia bị chia cắt sau Chiến tranh Thế giới II, đều trở thành các quốc gia độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế (CHLB Đức, CHDC Đức, Triều Tiên, Hàn Quốc…). Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chẳng phải trước kia nhiều quốc gia cũng đã từng không công nhận Hàn Quốc hoặc Triều Tiên nhưng nay đã có quan hệ ngoại giao với hai quốc gia này. Thực tế này không cản trở việc thống nhất Hàn Quốc và Triều Tiên trong tương lai (như trường hợp Việt Nam và Đức).

Trung Quốc điều tàu hộ vệ tên lửa đến khu vực đặt giàn khoan trái phép Haiyang Shiyou-981
Tàu Trung Quốc nhiều lần hung hăng áp sát, đâm va tàu Việt Nam đang thực thi pháp luật tại Hoàng Sa - Ảnh: M.T.Hải

Chính phủ và các học giả Trung Quốc đang tìm cách không công nhận thực tế này với ý đồ tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa liệu có thể chối cãi được việc họ đã công nhận trên lãnh thổ Việt Nam giai đoạn 1954 - 6.1976 tồn tại hai quốc gia chủ thể luật pháp quốc tế thông qua việc bỏ phiếu ủng hộ VNDCCH và CHMNVN cùng gia nhập LHQ với tư cách là quốc gia hội viên? Và còn nhiều bằng chứng không thể bác bỏ khác.

2. Với tư cách là quốc gia chủ thể luật pháp quốc tế, VNCH đã tiếp quản và quản lý Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mặc dù năm 1974 Trung Quốc chiếm được Hoàng Sa, nhưng luật pháp quốc tế đã khẳng định rõ ràng, xâm chiếm bằng vũ lực vĩnh viễn không đem lai danh nghĩa chủ quyền cho quốc gia đã tiến hành những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

3. Công thư năm 1958 của Thủ tướng VNDCCH  Phạm Văn Đồng không nói đến hai quần đảo, không thể dùng Công thư này để khẳng định VNDCCH công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy vậy, nếu không có Công thư này thì sẽ tránh được những sự lợi dụng ác ý.

Cho dù những suy diễn về ý nghĩa của Công thư 1958 có đi xa như thế nào, cũng như phía Trung Quốc có đưa thêm bất kỳ bằng chứng gì để vu cáo Việt Nam, thì những gì liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa xảy ra ngoài lãnh thổ miền Nam Việt Nam trước 24.6.1976 không hề ràng buộc CHXHCNVN. Với tư cách là quốc gia thừa kế của VNDCCH và CHMNVN, những gì liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa nếu có sự mâu thuẩn giữa hai quốc gia tiền bối thì những hành động (hơn nữa, đó là những hành động rõ ràng, kiên quyết và phù hợp với luật pháp quốc tế) của CHMNVN và Chính phủ tiền nhiệm của nó là VNCH, người thực sự quản lý hai quần đảo này một cách hợp pháp, sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với CHXHCNVN. Điều này được luật pháp quốc tế quy định rõ ràng. Xương máu bao đời của cả dân tộc Việt nam đã đổ ra để bảo vệ chủ quyền hai quần đảo sẽ không bao giờ trở thành vô ích.

4. Nếu có ai còn có những định kiến về học thuật (và cả chính trị, nếu có) thì cũng cần phải nhìn nhận thực tế khách quan được cả thế giới công nhận trên để đi đến những kết luận đúng đắn về thừa kế quốc gia của Việt Nam. Như G.V.Goethe, thi hào vĩ đại và là nhà tư tưởng của nước Đức đã từng nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Quốc Pháp

>> Trung Quốc sẽ kéo thêm 3 giàn khoan ra biển Đông vào tháng 8
>> GS Carl Thayer: Cần đưa vấn đề giàn khoan ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
>> Đã có phương án đối phó với giàn khoan Nam Hải 9
>> Trung Quốc sẽ còn đưa bao nhiêu giàn khoan nữa ra biển Đông?
>> Trung Quốc tung giàn khoan thứ 2 ra biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.