Lỗ hổng khiến Singapore thành tâm dịch Covid-19 ở Đông Nam Á

Ngọc Mai
Ngọc Mai
24/04/2020 08:00 GMT+7

Chính phủ Singapore đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 tới ngày 1.6, sau khi liên tiếp ghi nhận cả ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày.

Singapore là một trong những quốc gia đưa ra các biện pháp ứng phó dịch bệnh từ rất sớm và đã kiểm soát tốt trong đợt sóng Covid-19 đầu tiên. Chỉ hơn một tháng trước, đảo quốc sư tử vẫn được đánh giá là hình mẫu chống dịch, thế nhưng mọi chuyện thay đổi khi giờ đây là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á.

Đánh vào “điểm mù”

Hôm qua, Singapore ghi nhận thêm 1.037 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên thành 11.178, theo thông cáo của Bộ Y tế Singapore. Cũng như cả tuần qua, hơn 95% con số này rơi vào cộng đồng lao động nhập cư có thu nhập thấp. Họ chủ yếu đến từ các quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, làm việc tại các công trình xây dựng và bến cảng của Singapore. Những lao động nhập cư này thường ở trong các khu tập thể, mỗi phòng có tới 10 - 20 người cùng chung sống với điều kiện vệ sinh dịch tễ không đảm bảo.
Theo tờ The Wall Street Journal, vi rút Corona chủng mới (SAR-CoV-2) gây bệnh Covid-19 đã đánh vào “điểm mù” trong cuộc chiến chống dịch ở Singapore. Trong khi các biện pháp truy vết, cách ly và xét nghiệm diện rộng giúp Singapore hạn chế tối đa ca nhiễm trong cư dân của nước này, thì dường như cộng đồng lao động nhập cư thu nhập thấp - vốn là mắt xích yếu nhất - lại bị bỏ quên. Hàng ngàn ca nhiễm mới được ghi nhận ở các khu tập thể chật chội và đông đúc trên được cho là dấu hiệu của việc dịch bệnh có thể đã lây lan suốt nhiều tuần mà không được phát hiện.

[VIDEO] Cách ly trong ký túc xá, lao động nhập cư Singapore lo lây nhiễm Covid-19

Với điều kiện sống như vậy, rất khó để lao động nhập cư thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội hay cách ly tại nhà. Điều đáng nói, cộng đồng này chiếm tới 1/6 số người đang sinh sống trên đảo quốc sư tử. Mức độ lây lan tại các “ổ dịch” này trong những ngày qua đòi hỏi phản ứng nhiều bước và quyết liệt của chính quyền, từ việc xét nghiệm, cách ly điều trị người nhiễm, chuyển những người khỏe mạnh tới nơi khác và “giãn” mật độ người chung sống tại các khu tập thể.
Theo Đài Channel NewsAsia, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhấn mạnh sẽ kịp thời quan tâm chăm sóc cộng đồng này, trong đó có việc tăng cường nguồn lực y tế và cải thiện điều kiện vệ sinh dịch tễ cho các khu tập thể trên. Nhiều biện pháp khác đã được triển khai, bao gồm việc đóng cửa, cách ly một số khu tập thể, hỗ trợ thu nhập và yêu cầu các nơi tuyển dụng họ phải đảm bảo thực phẩm và chăm lo đời sống cho người lao động. Chính phủ cũng quyết định kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 1.6 để phòng chống dịch, thay vì tới ngày 4.5 như thông báo trước đó.

Bài học quan trọng

Một số chính trị gia đối lập ở Singapore chỉ trích phản ứng của chính phủ là chậm trễ vì đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo từ sớm và những người vận động quyền lợi cho lao động nhập cư cũng đề cập nguy cơ này từ tháng 3. Dẫu vậy, chậm vẫn còn hơn không hành động. Với lợi thế diện tích nhỏ, hệ thống y tế hiện đại, Singapore vẫn còn cơ hội sửa sai trong cuộc chiến chống dịch với làn sóng ngầm nghiêm trọng lần này. Số ca tử vong vì Covid-19 ở Singapore vẫn được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, trường hợp của Singapore rõ ràng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tờ Nikkei Asia Review dẫn lời ông Garry Rodan, giáo sư danh dự tại Trường Murdoch (Úc), nói: “Các nước khác cần nhận ra các ngành kinh tế khác nhau sẽ có nhiều khác biệt về môi trường xã hội”. Theo ông, các quốc gia có lao động nhập cư từ nước ngoài phải hết sức lưu tâm tới cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện sinh sống và làm việc của họ. Cùng quan điểm với ông Rodan, nhiều tổ chức vận động cho rằng nhóm lao động nhập cư thu nhập thấp có rủi ro và nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. Bên cạnh điều kiện sống không đảm bảo, họ cũng bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.

[VIDEO] Từ 100 LÊN 1.000 ca Covid-19 trong 1 tháng, điều gì đã xảy ra ở Singapore?

Trên thực tế, không chỉ Singapore mà nhiều nước cũng đang phụ thuộc vào nguồn lao động nhập cư. Nguy cơ lây lan Covid-19 trong nguồn lao động giá rẻ đến từ Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi đã được cảnh báo ở một số quốc gia giàu có tại vùng Vịnh như Qatar hay Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Bên cạnh đó, Nhật Bản có hàng vạn lao động theo diện thực tập sinh kỹ thuật. Thái Lan có cả triệu người lao động phổ thông từ các nước láng giềng.
Bài học từ Singapore hối thúc các nước phải chú ý hơn với nhóm người yếu thế trong xã hội. Nếu để tình trạng lây lan dịch càng rộng, khả năng ứng phó sẽ càng khó khăn và sức ép đối với hệ thống y tế sẽ càng lớn. Theo giới quan sát, một kinh nghiệm nữa cần rút ra là không thể chủ quan với thành công ban đầu mà phớt lờ bất cứ mắt xích nào trong xã hội. Bởi làn sóng khủng hoảng thứ hai có thể sẽ còn khắc nghiệt hơn.
Mỹ cảm ơn Việt Nam và các đối tác ASEAN
Trong tuyên bố đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh: “Chúng tôi cảm ơn các đối tác ASEAN vì sự hỗ trợ quý báu của họ trong việc thúc đẩy để vật tư y tế thiết yếu được tới Mỹ trôi chảy, cũng như sự hỗ trợ của họ trong các chuyến bay hồi hương công dân Mỹ”. Tiếp lời cảm ơn, Ngoại trưởng Pompeo đề cập việc Việt Nam đã giúp đỡ đẩy nhanh tiến độ cho các chuyến bay thuê bao đưa 2,2 triệu trang thiết bị bảo hộ tới Mỹ và hy vọng sẽ có thêm nhiều lô hàng trong các tuần tới.
Cũng trong hôm qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đã cùng ngoại trưởng các nước ASEAN và Mỹ dự Hội nghị trực tuyến đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ về Covid-19. Các bộ trưởng chia sẻ quan ngại trước dịch Covid-19, thông tin về kinh nghiệm ứng phó, đồng thời thống nhất nhiều biện pháp ngăn chặn, khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế khác, nhất trí đẩy mạnh chia sẻ thông tin, phối hợp chính sách, và nâng cao năng lực ứng phó với tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai; đặc biệt là tính cấp thiết của việc sớm có vắc xin và thuốc điều trị, bảo đảm các nước được tiếp cận bình đẳng với vắc xin. Các bộ trưởng cam kết hỗ trợ công dân của nhau bị ảnh hưởng và phối hợp hành động giảm thiểu tác động của dịch bệnh. ASEAN đánh giá cao việc Mỹ hỗ trợ trị giá hơn 35,3 triệu USD cho ASEAN để chống dịch và đề nghị Mỹ hỗ trợ các sáng kiến của ASEAN như lập Quỹ ứng phó dịch Covid-19 và Kho dự trữ vật tư y tế trong các tình huống khẩn cấp. Tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Mỹ hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác nghiên cứu kiểm soát và điều trị các ca bệnh, đảm bảo quyền lợi và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN tại Mỹ.
Ngọc Mai - Vũ Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.