'Lôi vũ' của xóa nhòa gia phong lễ giáo

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/09/2023 07:23 GMT+7

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã chọn góc nhìn gia phong lễ giáo khi dựng Lôi vũ của đoàn kịch Lệ Ngọc.

Tất cả bi kịch của gia đình đều bắt nguồn từ việc cố phủ nhận tình yêu, cố tình chà đạp những phận người yếu thế rồi lại phủ lên tất cả là gia phong lễ giáo. Đầu tiên người hầu gái có con với ông chủ bị đuổi đi, rồi con gái bà lại đến làm công ở gia đình đó và đứng trước nguy cơ tương tự. Hai người con trai của cô hầu năm xưa, một đi làm thuê rồi chống lại bố mình, một vì không biết mà loạn luân với em gái… Bản thân bốn chữ "gia phong lễ giáo" này cũng được đưa lên sân khấu trong hầu hết thời gian của vở.

'Lôi vũ' của xóa nhòa gia phong lễ giáo - Ảnh 1.

'Lôi vũ' của xóa nhòa gia phong lễ giáo - Ảnh 2.

Lôi vũ của kịch Lệ Ngọc được khai thác theo hướng bi kịch của lễ giáo phong kiến

Kịch Lệ Ngọc

Các nhân vật vì thế có nhiều màn diễn với… ghế. Chiếc ghế mà chỉ ông chủ Chu Phác Viên được ngồi tượng trưng cho quyền lực của nam tính, quyền lực của gia phong lễ giáo. Trong suốt vở diễn, trong những cảnh giàu xung đột, các nhân vật đơn lẻ hoặc cùng nhau xô đổ chiếc ghế này như muốn phủ nhận gia phong lễ giáo. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ có thể lật đổ ghế dù cũng có khi đã làm nó lung lay. Chỉ đến cuối cùng, khi tất cả đã chỉ còn là bi kịch với 3 nhân vật cùng chết thảm, chiếc ghế mới bị vật đổ.

Đã được định trước sẽ tham gia liên hoan sân khấu quốc tế tại Trung Quốc, Lôi vũ được dựng trên tinh thần "vở diễn trong va li". Có nghĩa là tất cả thiết kế đều gọn gàng, nhẹ nhàng nhất để dễ dàng di chuyển. Cả ngôi nhà được dựng lên bằng những cánh cửa rời, kết bằng chun để có thể dễ dàng chui ra chui vào. Cũng chính việc kết chun này đã giúp tạo hiệu ứng rung, cũng như tạo hình khi 3 nhân vật quan trọng chết cùng lúc trên sân khấu. Có cảm giác như, nếu hai nhân vật Chu Xung và Tứ Phượng không mắc dây điện mà chết, họ cũng sẽ sống không bằng chết khi phải vật vã với số phận éo le như những con mồi mắc vào mạng nhện.

Bản diễn Lôi vũ của kịch Lệ Ngọc không có một vai nào tốt nổi trội để có thể trở thành vai mẫu dù các vai đều có nhiều đất diễn. Mặc dù vậy, sự trong sáng của Tứ Phượng, nỗi đau của Thị Bình, sự điên cuồng của Phồn Y cho thấy nỗ lực chạm nhân vật của diễn viên. Các diễn viên nữ nhìn chung có phần nhỉnh hơn các diễn viên nam.

Lôi vũ có phần kết "tự thêm" của NSND Hoàng Quỳnh Mai là một hình dung về cả gia đình họ Lỗ, họ Chu cùng vui vẻ sống bên nhau. Nữ đạo diễn cho rằng "kết thúc của bi kịch là sự thanh lọc". Phần dàn dựng này không phải ai cũng chấp nhận được, bởi sự đau đớn như nguyên bản kịch bản có giá trị của lời cảnh tỉnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.