Lứa vàng của đội tuyển Việt Nam chững lại ở đỉnh cao sự nghiệp, do đâu?

16/02/2024 13:33 GMT+7

Nổi lên từ sớm ở các giải đấu trẻ, nhưng rất nhiều thành viên đội tuyển Việt Nam đã chững lại hoặc xuống phong độ ở giai đoạn mà đáng ra, những cầu thủ này phải bước lên đỉnh cao sự nghiệp.

Ngược chiều quy luật

Sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp thường chia thành 3 giai đoạn. Khoảng đầu kéo dài từ 17 đến 23 tuổi, khi cầu thủ ở độ tuổi rèn giũa kỹ thuật, bắt đầu hình thành tư duy chiến thuật và tích lũy kinh nghiệm. Khoảng 24 đến 29 tuổi được đánh giá là đỉnh cao, khi cầu thủ đạt trạng thái lý tưởng trên mọi khía cạnh, từ kỹ chiến thuật, kinh nghiệm, bản lĩnh để phát triển đến mức độ tốt nhất. Từ 30 tuổi trở đi, phần lớn chững lại, chuyển sang giai đoạn sườn dốc.

Trở lại với thế hệ vàng từng tỏa sáng ở giải U.23 châu Á 2018 (hay được gọi là thế hệ Thường Châu), rất nhiều cầu thủ sau chiến tích vang dội được đôn lên đội tuyển quốc gia. Lứa "vàng mười" chủ yếu sinh từ năm 1995 đến 1997 này đã kết hợp với các đàn anh như Quế Ngọc Hải, Văn Lâm, Hùng Dũng, Trọng Hoàng, cùng thế hệ đàn em như Tuấn Hải, Hoàng Đức... để tạo nên bộ khung đội tuyển Việt Nam gặt hái thành công tại AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 hay vòng loại World Cup 2022.

Lứa vàng của đội tuyển Việt Nam chững lại ở đỉnh cao sự nghiệp, do đâu?- Ảnh 1.

Hoàng Đức chưa chiếm được niềm tin của HLV Troussier

MINH TÚ

Hiện tại, lứa cầu thủ chủ chốt nói trên vẫn đang ở độ tuổi đỉnh cao. Công Phượng, Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu, Tiến Linh, Đình Trọng, Tấn Tài, Văn Thanh, Văn Đức... đều từ 25 đến 29 tuổi. Tuy nhiên, phần lớn trong số này đã đến độ chững, một số gương mặt thậm chí đi xuống, không có dấu ấn ở cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia.

Tại Asian Cup 2023, số cầu thủ thực sự ở độ tuổi đỉnh cao có chỗ đứng ở đội tuyển Việt Nam chỉ gói gọn ở những cái tên như Việt Anh, Thanh Bình, Tuấn Hải, Tuấn Anh. Số còn lại hoặc bắt đầu giai đoạn sườn dốc như Hùng Dũng, hoặc còn quá trẻ như Tuấn Tài, Minh Trọng, Thái Sơn, Đình Bắc, Văn Khang, Văn Tùng.

Highlight Iraq 3 - 2 Việt Nam: Trận đấu quả cảm chia tay Asian Cup 2023 | Asian Cup 2023

Đây là sự khác biệt giữa đội Việt Nam và các đội mạnh tại Asian Cup 2023. Trong khi những đội bóng hàng đầu đều sở hữu rất nhiều gương mặt trong độ tuổi đỉnh cao, đơn cử Qatar bay trên đôi cánh của Akram Afif và Almoez Ali (đều 27 tuổi), đội tuyển Việt Nam thiếu một bộ khung ở độ chín. Sự non nớt và chênh vênh khiến học trò HLV Philippe Troussier đánh mất mình ở thời điểm quyết định.

Lứa vàng của đội tuyển Việt Nam chững lại ở đỉnh cao sự nghiệp, do đâu?- Ảnh 2.

Đội tuyển Việt Nam đang thiếu sự cân bằng

NGỌC LINH

Nguyên do

Nói về bước lùi của nhiều ngôi sao khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích: "Về mặt sinh học, tâm sinh lý của cầu thủ thay đổi qua từng giai đoạn của sự nghiệp cũng như cuộc đời. Lấy ví dụ, một cầu thủ khi còn chơi cho U.19 Việt Nam sẽ có tâm lý khác. Khi anh ta đã lấy vợ, có con, đầy đủ về vật chất rồi, anh ta sẽ lại là một cầu thủ khác.

Một số cầu thủ Việt Nam không còn động lực vẹn nguyên như lúc đầu, trong khi số khác gặp ảnh hưởng bởi chấn thương, nên nhiều gương mặt không còn duy trì phong độ ở độ tuổi mà đáng ra họ cần sự bứt phá".

Bên cạnh yếu tố "bão hòa" động lực khi đã có đủ đầy vinh quang, một nguyên nhân nữa khiến nhiều cầu thủ lao dốc nằm ở chấn thương.

Nhiều trụ cột trước đây của đội tuyển Việt Nam như Văn Hậu, Hùng Dũng, Văn Thanh, Trọng Hoàng, Văn Đức, Xuân Trường, Tuấn Anh, Quang Hải, Đình Trọng gặp vấn đề ở gối, sụn chêm, dây chằng, thoát vị đĩa đệm. Nhiều chấn thương nặng ảnh hưởng đến cường độ vận động, thậm chí khiến không ít cầu thủ bị "chùn chân" sau khi trở lại.

Một bác sĩ từng điều trị cho nhiều cầu thủ, VĐV chia sẻ rằng y học thể thao ở Việt Nam còn nhiều thiếu sót. Nhiều người nghĩ rằng để điều trị chấn thương, cầu thủ chỉ cần phẫu thuật thôi là đủ. Nhưng quá trình điều trị còn bao gồm cả việc tập phục hồi cơ bắp.

Lứa vàng của đội tuyển Việt Nam chững lại ở đỉnh cao sự nghiệp, do đâu?- Ảnh 3.

Hùng Dũng là ngôi sao hiếm hoi giữ được phong độ sau chấn thương nặng

ĐỘC LẬP

Tuy nhiên ở Việt Nam, việc tập phục hồi sau chấn thương chưa được đề cao. Nhiều cầu thủ sang nước ngoài phẫu thuật, nhưng khi về tập phục hồi ở Việt Nam lại sai giáo án khiến đâu lại hoàn đó. Đó là chưa kể, cơ sở vật chất phục vụ y tế ở nhiều CLB tại Việt Nam còn hạn chế...

Sau cùng, việc thi đấu trong nước khiến trình độ cầu thủ Việt Nam khó cải thiện. Chuyên gia Steve Darby nói: "Sang nước ngoài thi đấu, dù thành công hay không, cầu thủ cũng sẽ có bài học và trải nghiệm đáng nhớ trong sự nghiệp. Chắc chắn họ sẽ học được điều gì đó". Song hiện tại, toàn bộ thành viên đội tuyển đều chơi ở V-League.

Dù vậy, với những trụ cột ngày nào, cánh cửa vẫn rộng mở. Điều cần thiết nhất là các cầu thủ cần tái tạo động lực và tiếp tục cải thiện trình độ. Để khi HLV Troussier mở lòng, những ngôi sao này sẽ trở lại gánh vác đội tuyển Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.