Luật sư, giảng viên đại học có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán TAND tối cao

27/09/2023 10:27 GMT+7

Theo đề xuất của TAND tối cao, luật sư và giảng viên đại học là một trong những nguồn nhân sự có thể được lựa chọn để bổ nhiệm chức danh thẩm phán TAND tối cao.

TAND tối cao đang chủ trì xây dựng luật Tổ chức TAND sửa đổi. Cơ quan này đề xuất rất nhiều quy định mới liên quan đến chức danh tư pháp là thẩm phán.

Luật sư, giảng viên đại học có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán TAND tối cao - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất nhiều quy định mới về chức danh tư pháp thẩm phán

PHÚC BÌNH

Kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán

Luật Tổ chức TAND năm 2014 đang có hiệu lực, quy định thẩm phán có 4 ngạch, gồm: sơ cấp, trung cấp, cao cấp và TAND tối cao.

Cho rằng việc chia ngạch như vậy gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của ngành tòa án, TAND tối cao đề xuất rút gọn còn 2 ngạch thẩm phán, gồm thẩm phán và thẩm phán TAND tối cao.

Trong đó, ngạch thẩm phán có 9 bậc, từ 1 - 9; ngạch thẩm phán TAND tối cao có 3 bậc, từ 1 - 3. Nếu thẩm phán đáp ứng đủ điều kiện về kết quả giải quyết công việc, và giữ bậc đủ thời gian (từ 3 - 5 năm) thì được xem xét nâng lên bậc tiếp theo.

Một điểm mới nữa, luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm, nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. TAND tối cao đề xuất sửa đổi theo hướng nhiệm kỳ đầu vẫn là 5 năm nhưng nhiệm kỳ tiếp theo sẽ kéo dài đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

Đáng chú ý, TAND tối cao còn đề xuất thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp; thực hiện nhiệm vụ được giao một cách trung thực; tận tâm…

Lời tuyên thệ có giá trị cho suốt nhiệm kỳ và các nhiệm kỳ sau đó. Chánh án TAND tối cao quy định cụ thể về nội dung, cách thức tuyên thệ.

Luật sư, giảng viên đại học có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán TAND tối cao - Ảnh 2.

Theo đề xuất của TAND tối cao, luật sư là một trong những nguồn nhân sự có thể được lựa chọn để bổ nhiệm chức danh thẩm phán TAND tối cao

PHÚC BÌNH

Luật sư, giảng viên có thể làm thẩm phán TAND tối cao

Dự thảo của TAND tối cao cũng đưa ra một số điểm mới liên quan đến chức danh tư pháp thẩm phán TAND tối cao.

Theo đó, có 2 trường hợp được xem xét tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao. Thứ nhất là người có đủ tiêu chuẩn của thẩm phán, tuổi từ 45 trở lên, đã là thẩm phán bậc 6 từ đủ 3 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của TAND tối cao.

Thứ hai, người không công tác tại các tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức T.Ư, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao.

Hoặc là những chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử, giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND tối cao.

Riêng với trường hợp thứ 2, tức bổ nhiệm người ngoài ngành tòa án, TAND tối cao đề xuất tối đa là 2 người.

So với quy định hiện hành tại luật Tổ chức TAND năm 2014, đề xuất về bổ nhiệm người ngoài ngành làm thẩm phán TAND tối cao không phải mới. Điểm khác biệt của dự thảo là TAND tối cao liệt kê cụ thể hơn về đối tượng có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm, trong đó có luật sư và giảng viên đại học.

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia về pháp luật bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất này của TAND tối cao. Các ý kiến nhận định rằng, việc mở rộng phạm vi nguồn nhân lực cho chức danh tư pháp thẩm phán TAND tối cao sẽ giúp hệ thống tòa án có được những thẩm phán giỏi, nâng cao tính phản biện nội bộ cũng như chất lượng xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.