Mới đầu mùa mưa đã ám ảnh ngập nước

22/05/2024 06:30 GMT+7

Hệ thống thoát nước mới khánh thành 20 ngày đã 2 lần bung nắp cống ngay những cơn mưa đầu mùa; hàng ngàn hộ dân cứ đến hẹn lại bì bõm lội nước… nỗi ám ảnh ngập đang ngày càng khiến người dân TP.HCM bức xúc.

"TP biển" Thủ Đức

TP.Thủ Đức chiều tối 20.5 tiếp tục trở thành tâm điểm với hình ảnh "mùa nước lên" được chia sẻ chóng mặt trên hầu hết các trang mạng xã hội.

Cơn mưa lớn đổ xuống giờ tan tầm, biến khu vực chợ Thủ Đức (TP.Thủ Đức) thành biển nước. Trên đường Kha Vạn Cân (đoạn gần chợ), nước ngập tới nửa thân người. Hàng trăm người không dám di chuyển vì sợ chết máy xe, phải đứng yên giữa dòng nước chảy siết, cuốn theo thùng xốp, ni lông, rác thải nổi lềnh bềnh. Một số học sinh phải đứng núp nhờ quán ven đường vì sợ nước có thể cuốn trôi cả xe đạp điện. Nhiều người dân sinh sống hai bên đường đội mưa vừa thông rác khỏi một số cống thoát nước, vừa hỗ trợ người dân di chuyển.

Ông Thái Đình Túy (56 tuổi, sống trên đường Kha Vạn Cân) cho biết cảnh mưa ngập đã trở nên quá quen thuộc với những người dân sinh sống tại khu vực này. Cứ hễ thấy mưa là mọi người hò nhau chuyển hết đồ đạc lên tầng trên, lấy gỗ ra chắn trước cửa nếu không nước sẽ tràn hết vào nhà, có khi dâng đến 20 cm.

Ngập khu vực chợ Thủ Đức tối 20.5

Ngập khu vực chợ Thủ Đức tối 20.5

Phạm Hữu

Mỗi lần mưa mỗi lần sợ: Chủ quán ngán ngẩm cảnh ế khách thê thảm, rác trôi vào nhà

"Không mưa thì oi bức mà hễ mưa là khốn khổ thế này đây. Nhìn mấy cháu nhỏ đi học về ướt như chuột lột, tội quá chừng. Nước mưa đã đành, còn thêm nước cống ồ ạt đùn lên, rác thải khắp nơi cuốn về, bẩn thỉu kinh hoàng. Bao nhiều năm mà không khá hơn được tí nào. Mới mưa khoảng 10 phút là nước đã bủa vây khắp chốn rồi. Người dân ở đây quá bức xúc với tình cảnh này rồi", ông Túy ngán ngẩm chia sẻ.

Gần đó, đường Dương Văn Cam hứng chịu ngập nặng nhất, có đoạn nước dâng gần lút cả chiếc xe máy. Đáng chú ý, trên đường Lê Văn Ninh, nước ngập sâu, nắp cống bung phun nước như "vòi rồng". Nhiều miệng cống xung quanh chợ Thủ Đức nước cũng trào lên như thác khiến người đi đường không dám qua lại. Cán bộ phường đã được huy động để hướng dẫn người dân tránh đi vào chỗ ngập nặng. Trước đó chưa đầy 1 tuần, cơn mưa lớn ngày 15.5 cũng khiến nhiều tuyến đường tại TP.Thủ Đức ngập sâu, bật nắp cống, nước xối xả đến nứt cả đường. Ngay từ những cơn mưa chuyển mùa hồi đầu tháng, khu đông TP.HCM cũng đã ngập nặng, nước dâng 30 - 40 cm khiến loạt phương tiện chết máy phải dắt bộ.

Mới đầu mùa mưa đã ám ảnh ngập nước- Ảnh 2.

Phạm Hữu

Chưa đầy 1 tháng, TP.Thủ Đức đã hứng chịu 3 trận ngập nước kinh hoàng, đến nỗi nhiều người ví von TP.Thủ Đức là chợ nổi, TP biển… Đáng nói, dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân vừa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 20 ngày bị bung nắp cống, tạo nên những "vòi rồng" giữa đường, khiến dư luận càng thêm bức xúc.

Theo lý giải của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP.Thủ Đức, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nước chảy xiết trên đường Võ Văn Ngân và ngập cục bộ ở chợ Thủ Đức là do mưa lớn vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước, cộng thêm việc địa chất khu vực này bị trũng. Nước mưa chảy từ trên cao đổ về khu vực chợ Thủ Đức như Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân trong thời gian nhanh. Bên cạnh đó, khi làm cống mới (có diện tích thu nước lớn), nước dồn về rất nhanh nhưng đến đoạn hạ lưu là khu vực rạch Cầu Ngang không thoát kịp gây ngập cục bộ. Nếu gặp ngày triều cường, nước ở rạch Cầu Ngang dâng cao hơn miệng cống sẽ góp phần làm nước thoát chậm, tạo áp lực đẩy bung nắp một số miệng cống lân cận. Chưa kể, khu vực quanh chợ Thủ Đức còn nhiều tuyến đường trũng, thấp, chưa hoàn thiện mạng lưới thoát nước. Chỉ dựa vào mỗi hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân thì sẽ không thể "gánh" nổi cho toàn khu vực.

Nước tràn vào nhà dân khu vực chợ Thủ Đức

Nước tràn vào nhà dân khu vực chợ Thủ Đức

Phạm Hữu

"Thực tế, dự án Võ Văn Ngân khi đưa vào hoạt động đã giúp tuyến đường này đỡ ngập nhiều hơn trước. Đặc biệt, tại đoạn đốc từ đường Đặng Văn Bi về chợ Thủ Đức không còn cảnh nước chảy cuồn cuộn như thác. Đồng thời, thời gian thoát nước cũng nhanh hơn. Chỉ sau khoảng 15 phút, nhiều đoạn đường đã thoát hết nước mặt", theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP.Thủ Đức.

Càng để lâu, dự án chống ngập càng mất tác dụng

Đây không phải lần đầu tiên một công trình thoát nước, nâng cấp hạ tầng để chống ngập khiến người dân thất vọng. Trước đó, đường Phạm Văn Đồng được mệnh danh là "đại lộ đẹp nhất TP", nhưng chỉ vài năm sau ngày thông xe đã nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh ngập nước của người dân TP. Thời điểm đó, cơ quan chức năng cũng lý giải tương tự như tình trạng đường Võ Văn Ngân hiện nay, rằng khu vực đường Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân có 2 hướng thoát nước chính là 2 dòng mương dọc khu vực đường ray xe lửa. Toàn bộ nước mưa sẽ theo đường mương chảy về phía chợ Thủ Đức, tiếp tục thoát nước theo các hướng khác.

Tuy nhiên, kể từ khi đường Phạm Văn Đồng được cải tạo, nâng mặt đường lên quá cao, nước mưa chảy dồn về hướng giao lộ với đường Tô Ngọc Vân, gây sức ép lên 2 hướng thoát nước hiện hữu. Sau đó, đường Lê Văn Việt vừa được thi công mở rộng, làm mới nhưng rất nhiều đoạn như gần cầu Bến Nọc, phía sau Khu công nghệ cao và đoạn từ Đình Phong Phú đến Lã Xuân Oai... vẫn không thoát khỏi cảnh xe cộ "bơi" giữa đường phố. Nguyên nhân được chỉ ra cũng như trên.

Trong khi đó, các dự án lớn như bờ tả sông Sài Gòn, vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2 với mục tiêu xóa ngập cho khu Thảo Điền (TP.Thủ Đức) đã triển khai suốt nhiều năm qua chưa thể về đích. Việc nâng cấp hệ thống cống các tuyến Thảo Điền - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng - Quốc Hương cũng đã "chuẩn bị thi công" từ năm 2020 đến nay nhưng vẫn nguyên hiện trạng.

Dân đông, áp lực đô thị lớn: Nước thoát đi đâu?

Tình trạng ngập ngày càng nặng nề của khu đông TP.HCM đã được PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM), dự báo từ cách đây gần 1 thập niên. Theo ông, những khu vực ngập lâu nay tại TP.Thủ Đức chủ yếu là vùng địa hình cao, độ dốc lớn nhưng do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư bài bản, hoàn chỉnh nên không kịp đáp ứng theo tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa. Những trận mưa cường độ quá lớn diễn ra ngày càng nhiều khiến hệ thống cống không chịu tải nổi.

Trong khi đó, chiến lược chống ngập bài bản vẫn ì ạch không thực hiện được. Đến nay, hệ thống thoát nước khu vực phía đông gần như mới chỉ được đầu tư sơ sài. Một vài dự án mới đưa vào sử dụng vẫn không thấm vào đâu. Kể cả hoàn thiện những dự án đang dang dở hay có thêm hồ điều tiết cũng chưa đủ. Hồ điều tiết chỉ là hạng mục bổ sung, tận dụng các khu vực trũng để trữ nước khi phải hứng chịu những hiện tượng bất thường từ biến đổi khí hậu, thoát nước không kịp. TP.Thủ Đức cần cả hệ thống đê ngăn triều, cống kiểm soát triều như các hạng mục đang triển khai tại dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm… và mạng lưới cống thoát nước bài bản. Khi mưa xuống, chủ yếu thoát nước vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống thoát nước và các kênh, rạch…

"Quan trọng nhất là tiến độ các dự án phải được đảm bảo. Quy hoạch hàng mấy thập niên nhưng sản phẩm không có thì sao mong đỡ ngập? Càng để lâu, dự án khi đưa vào sử dụng sẽ bị giảm tác dụng vì TP.HCM đang ngày càng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai đến từ tốc độ đô thị hóa, sụt lún, nước biển dâng, hạ tầng xuống cấp...", chuyên gia này nhấn mạnh.

Cùng với biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nhanh, mạnh, mực nước sông dâng cao, cùng với nguy cơ lũ từ 2 con sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đổ về, rồi hàng loạt công trình, cao ốc, khu công nghiệp, khu dân cư được xây dựng... khiến ngập lụt ngày càng trở thành vấn nạn của TP mới.

PGS-TS Hồ Long Phi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.