Mỹ có nhầm khi gửi xe tăng cho Ukraine?

07/02/2023 10:52 GMT+7

Nhiều vấn đề về vận hành, bảo trì khiến xe tăng M1 Abrams của Mỹ bị cho là không phù hợp với Ukraine.

Sau khi thuyết phục thành công phương Tây gửi xe tăng, Ukraine sẽ đối diện với nhiều thách thức trong việc vận hành và bảo trì, đảm bảo hậu cần cho những chiếc xe tăng đó, đặc biệt là xe tăng M1 Abrams của Mỹ.

Lầu Năm Góc đã đồng ý gửi 31 chiếc M1 Abrams cho Ukraine trong khi các nước châu Âu sẽ gửi xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, loại xe tăng được giới chuyên gia quân sự đánh giá là phù hợp hơn cho quân đội Ukraine.

Xe tăng M1 Abrams trong cuộc tập trận tại Latvia năm 2021

Xe tăng M1 Abrams trong cuộc tập trận tại Latvia năm 2021

REUTERS

Phức tạp hóa

Tờ Financial Times dẫn ý kiến của giới chuyên gia cho rằng vấn đề tồn tại lâu nay trong hệ thống mua sắm quốc phòng của Mỹ là luôn phức tạp hóa các khí tài quân sự, trang bị những công nghệ yêu thích dẫn đến đội giá và khó bảo dưỡng.

Lấy ví dụ chương trình tàu khu trục tàng hình Zumwalt, được bắt đầu vào năm 1998. Khi đó, Mỹ dự tính mua 32 chiếc với giá chỉ hơn 1 tỉ USD/chiếc. Tuy nhiên, quá nhiều công nghệ chưa được chứng minh hiệu quả được thêm vào danh sách trang bị cho tàu và 20 năm sau, chỉ có 3 chiếc được đóng và mỗi chiếc giá 7,5 tỉ USD.

Vì sao xe tăng M1 Abrams có thể thành gánh nặng cho Ukraine?

Văn phòng Giải trình trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO), một cơ quan giám sát của quốc hội, gần đây chỉ trích Lầu Năm Góc vì các hệ thống vũ khí không có đối thủ về tính ưu việt nhưng thường tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành, chi phí đắt hơn và năng lực kém hơn so với dự tính ban đầu.

Đối với xe tăng M1 Abrams, các chuyên gia cho rằng nó là xe tăng thượng hạng nhưng chỉ phù hợp với Mỹ. Còn đối với các nước như Ukraine, nhu cầu của họ chỉ là vũ khí đủ hữu dụng để sử dụng trên chiến trường, để hoàn thành nhiệm vụ, họ không cần một con dao mổ trâu để giết gà, theo ông Josh Kirshner, giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược Beacon Global Strategies (Mỹ).

Khó bảo trì

Khác biệt cơ bản giữa xe tăng Abrams và xe tăng Leopard là phần động cơ. Xe tăng Mỹ sử dụng động cơ tuốc bin, tương tự động cơ máy bay, trong khi xe tăng Đức có động cơ diesel truyền thống mà nhiều loại xe tăng khác sử dụng. Hai loại động cơ này cần máy móc và nhân sự có chuyên môn hoàn toàn khác nhau để sửa chữa.

Động cơ tuốc bin tuy có kích thước nhỏ hơn, nhẹ hơn và vận hành êm hơn so với động cơ khác có cùng công suất, nhưng nó có nhược điểm là nóng hơn, tốn nhiên liệu hơn.

Xe tăng M1 Abrams Mỹ và T-14 Amata Nga: Nếu đối đầu bên nào mạnh hơn?

Sự phức tạp của động cơ tuốc bin sẽ đòi hỏi binh sĩ Ukraine phải được huấn luyện lâu hơn so với xe tăng Leopard. "Biết sửa một chiếc xe 'con bọ' của Volkswagen không đồng nghĩa là biết sửa một chiếc xe đua công thức 1 (F1)", nhà nghiên cứu chính sách quốc phòng Stephen Biddle tại Hội đồng Quan hệ quốc tế (Mỹ) ví von. "Động cơ tuốc bin khí sẽ có được khả năng tăng tốc rất cao nhưng đổi lại là tiêu thụ nhiên liệu rất cao", ông nói. Mỗi ngày hoạt động, một chiếc Abrams cần nạp 500 gallon (1.892 lít) xăng máy bay, rất khó để cung cấp so với dầu diesel có sẵn nhiều hơn.

Ngoài việc khó bảo trì, xe tăng Abrams cũng cần nguồn cung cấp phụ tùng lớn và mạng lưới cung cấp chủ yếu nằm tại Mỹ, xa hơn là nguồn cung của xe tăng Leopard ở ngay châu Âu.

Xe tăng Abrams Mỹ, Leopard Đức có giúp được Ukraine làm chủ chiến trường?

Trong khi xe tăng Leopard có sẵn tại khắp châu Âu, xe tăng Abrams của Mỹ hứa cho Ukraine cần chờ được sản xuất mới.

Nhà sản xuất General Dynamics sản xuất chỉ khoảng chục chiếc mỗi tháng tại nhà máy ở bang Ohio và cần được bật đèn xanh để ưu tiên sản xuất cho Ukraine thay vì các đơn hàng khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.