Mỹ, Philippines tập trận quân sự, bắn tên lửa vang trời về hướng Biển Đông

Trí Đỗ
Trí Đỗ
03/05/2024 14:20 GMT+7

Mỹ và Philippines bắn hơn chục quả tên lửa về phía Biển Đông trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự chung thường niên 'Balikatan 2024' hay 'Vai kề vai 2024', một động thái mà các quan chức khẳng định không nhằm khiêu khích bất kỳ quốc gia nào.

Theo South China Morning Post, vào khoảng 14 giờ ngày 2.5, các tên lửa được phóng theo khoa mục diễn tập bắn đạn thật, gần ngôi làng ven biển Campong Ulay ở đảo Palawan, Philippines.

Một tên lửa được phóng từ hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) tại ngôi làng ven biển Campong Ulay ở Palawan (Philippines) vào ngày 2.5.2024.

Một tên lửa được phóng từ hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) tại ngôi làng ven biển Campong Ulay ở Palawan (Philippines) vào ngày 2.5.2024.

CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Các tên lửa được bắn từ 2 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS), và một bệ phóng tên lửa hạng nhẹ khác có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa tới 80 km. Cuộc diễn tập có sự tham gia của cả pháo binh, súng máy và tên lửa chống tăng Javelin.

Trả lời về hoạt động trên, Chuẩn tướng quân đội Philippines Romulo Quemade II giải thích rằng: "Chúng tôi đang mô phỏng một mối đe dọa từ vùng biển bên ngoài tác động đến bờ biển Philippines nên chúng tôi đang sử dụng khả năng đa lĩnh vực để bảo vệ chủ quyền của mình. Đây là một khoảng cách khá xa và chúng tôi chỉ bắn trong vùng biển và lãnh thổ của chúng tôi".

Chuẩn tướng Bernard Harrington, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm đa miền số 1 của Quân đội Mỹ, cũng thông báo rằng cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Trả lời về việc liệu Trung Quốc có phản ứng với vụ phóng tên lửa ra Biển Đông này hay không, ông Harrington nói: "Vì chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với Lực lượng vũ trang Philippines, do đó mọi thứ chúng tôi tiến hành đều nằm trong phạm vi lãnh thổ của Philippines".

Từ ngày 22.4 đến ngày 8.5, hơn 16.000 binh sĩ từ Mỹ, 5.000 quân từ Philippines, cùng các lực lượng vũ trang Úc và Pháp, đã tiến hành cuộc tập trận thường niên Balikatan với nhiều khoa mục chưa từng có. Đây cũng là lần đầu tiên mà một số nội dung tập trận diễn ra ngoài ranh giới 12 hải lý của lãnh hải Philippines.

Giám đốc cuộc tập trận Philippines, Thiếu tướng Marvin Licudine (trái) và Giám đốc cuộc tập trận Mỹ William Jurney, công bố lá cờ Balikatan 2024 trong buổi lễ khai mạc cuộc tập trận chung thường niên Philippines - Mỹ tại Philippines vào ngày 22.4.2024

Giám đốc cuộc tập trận Philippines, Thiếu tướng Marvin Licudine (trái) và Giám đốc cuộc tập trận Mỹ William Jurney, công bố lá cờ Balikatan 2024 trong buổi lễ khai mạc cuộc tập trận chung thường niên Philippines - Mỹ tại Philippines vào ngày 22.4.2024

REUTERS

Cuộc tập trận Balikatan 2024 thường niên, được triển khai dựa trên Hiệp ước phòng thủ chung Philippines - Mỹ vào năm 1951. Mỹ khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ nếu Philippines gặp mối đe dọa từ các quốc gia khác.

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez hôm 28.4 cho biết rằng sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ sẽ giúp trang bị cho các lực lượng vũ trang Philippines nhằm đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào ở biển Tây Philippines trong vài năm tới. 

"Những điều này sẽ đến từng chút một, nhưng bạn sẽ thấy tất cả trong vòng 3 - 5 năm tới. Có thể trước khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vào năm 2028, các lực lượng vũ trang Philippines sẽ hoàn toàn sẵn sàng trong chiến lược phòng thủ, điều mà chúng tôi đang hợp tác với Mỹ", ông Romualdez trình bày.

Phản ứng trước cuộc tập trận, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng Philippines "nên hiểu rằng việc lôi kéo các nước bên ngoài Biển Đông để phô trương sức mạnh và khơi dậy sự đối đầu trong khu vực sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu sự ổn định trong khu vực", theo China Daily

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.