Ném đĩa bay chinh phục giới trẻ Hà Thành

23/09/2015 09:50 GMT+7

Chưa phát triển rầm rộ như một số môn thể thao khác, nhưng ném đĩa bay đang dần thu hút giới trẻ Hà Thành bởi có nét độc đáo, hấp dẫn riêng.

Chưa phát triển rầm rộ như một số môn thể thao khác, nhưng ném đĩa bay đang dần thu hút giới trẻ Hà Thành bởi có nét độc đáo, hấp dẫn riêng.

Một buổi thi đấu đĩa bay tại CLB ném đĩa bay Hà Nội - Ảnh: Chi Hường Một buổi thi đấu đĩa bay tại CLB ném đĩa bay Hà Nội - Ảnh: Chi Hường
Bạn Tuấn Anh, một thành viên của CLB ném đĩa bay Hà Nội, giải thích hồi lâu về kỹ thuật và luật thi đấu môn thể thao “lạ” này rồi kéo chúng tôi đi xem một trận đấu ở Tân Mỹ (Mỹ Đình, Hà Nội), kèm lời quảng cáo dí dỏm: “Không vui…không lấy tiền”. Quả đúng là vui thật.
Ở Hà Nội, cửa hàng 77 Đại La bán đĩa bay, giá không quá đắt chỉ 150.000 đồng/chiếc và có thể chơi trong một vài tháng không hỏng (trừ khi muốn mua mới). Còn muốn chơi, có thể đến làng Sinh viên Hacinco (đường Nguyễn Tuân) vào thứ 3 hay tại sân tập của CLB bóng đá Hòa Phát cũ (cuối đường Tân Mỹ) vào chủ nhật hàng tuần.
Thế này nhé, người chơi chia thành 2 đội (7 người/đội), thi đấu trên sân có chiều dài 100 m, chiều ngang 37 m, trong đó 18 m cuối mỗi đầu sân được dành cho khu vực ghi điểm gọi là end zone. Một đội sẽ phát đĩa tấn công, đội kia phòng thủ bằng cách chắn đĩa hoặc bắt đĩa (nhưng tuyệt đối không được chạm vào người đối phương). Đội nào ném đĩa vào vùng end zone nhiều hơn sẽ chiến thắng. Đĩa được làm bằng nhựa, chừng gần 200 gram.
Trận đấu diễn ra rất kịch tính vì khi có đĩa trong tay, VĐV không được chạy mà phải tìm cách chuyền hoặc ném đĩa cho đồng đội với thời gian rất eo hẹp, chỉ trong vòng 10 giây. Không khí sôi động không thể tả, vì người này hò người kia chuyền đĩa cho mình sao cho thật nhanh mà lại phải thật khéo, không để đối thủ “túm” được đĩa. Có tình huống, vì dùng hết sức để nhào ra bắt đĩa nên cả người lẫn đĩa cùng bay trên không như phim hành động, khiến mọi người xung quanh lại rộ lên cười sảng khoái.
Ném bay phiền muộn
Bạn gái Bùi Đỗ Quyên (23 tuổi) thở hổn hển sau cuộc đấu kéo dài 60 phút nhưng vẫn cười tươi rói: “Chơi môn này cực kỳ hưng phấn, cả lúc tấn công lẫn khi phòng thủ. Người mới chơi cũng chỉ cần học vài buổi đã có thể nắm được những kỹ thuật quan trọng nhất như ném thuận tay, ném trái tay. Sau đó mới đến khâu rèn luyện các kỹ thuật nâng cao khác, để khéo léo và tinh tế hơn, sao cho đĩa bay đúng ý mình, đĩa bay thăng bằng và đi được quãng đường xa…”.
Quan sát rất lâu, tôi ngạc nhiên khi thấy hầu như không có pha tranh chấp nào “dữ dội” cả, dù hai bên thi đấu khá quyết liệt. Chẳng thấy ai phạm lỗi như xô đẩy, va chạm mạnh – điều thường xảy ra ở các môn đối kháng khác. Theo giải thích của anh Nguyễn Tiến Tuất (Ban chủ nhiệm CLB ném đĩa bay Hà Nội), ném đĩa bay mang tính cạnh tranh cao nhưng lại rất thân thiện. Người chơi rất "fair play" và nếu chẳng may có va chạm sẽ phải tự giải quyết trong êm thấm, tuyệt nhiên không có cảnh cả đội sấn sổ vào VĐV đội kia để la mắng, trách móc.
Đặc biệt, môn chơi này còn phù hợp với mọi đối tượng. “Do ít va chạm mạnh, chỉ đòi hỏi người chơi di chuyển nhanh để bắt đĩa nên nhiều chị em đã chọn môn chơi này để giữ vóc dáng, rèn luyện óc tổ chức, tính nhanh nhạy và phối hợp với đồng đội. Ngoài ra, đây là môn thể thao rất đặc biệt vì hoàn toàn không phân biệt tuổi tác hay giới tính”, Quyên vừa nói vừa giới thiệu luôn cậu em ruột của mình- bạn Bùi Phi Anh (21 tuổi), chơi cùng một đội với chị.
Phi Anh bảo: “Em chơi ném đĩa bay đã được 3 năm và thấy ngày càng nghiện nó. Không chỉ rèn sức khỏe của mình tốt lên, mà còn tạo sự tự tin trong giao tiếp. Với em, môn thể thao này ném bay sự ngại ngùng của mình và ném bay cả những muộn phiền trong cuộc sống”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.