Nếu video bị cắt ghép sai sự thật để câu view, bạn trẻ nên làm gì?

11/05/2022 15:52 GMT+7

Nếu được phỏng vấn nhưng nội dung video bị cắt ghép sai lệch nhằm câu view làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh cá nhân thì bạn trẻ cần xử lý ra sao?

Những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện những đoạn video có nội dung phỏng vấn câu view với các câu hỏi gây tranh cãi như: "Bạn nghĩ sao về trai Bắc?", "Bạn nghĩ sao khi có người yêu đi xe số?"... Các nhân vật được phỏng vấn đã bị cộng đồng mạng "ném đá" vì những câu trả lời được cho là thiếu tế nhị, gây tranh cãi.

Cụ thể, trong đoạn video với tiêu đề "Bạn có người yêu đi xe số?" đăng tải trên trang fanpage "Hoàng Minh", phần trả lời của một số cô gái nhận được nhiều lượt chia sẻ cùng hàng loạt lời chỉ trích từ người xem.

Đoạn clip sau khi đăng tải đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng

Chụp màn hình

Ngay sau đó, một số cô gái xuất hiện trong đoạn video đã lên tiếng phản ứng và cho rằng nội dung hoàn toàn bị cắt ghép, sai sự thật nhằm mục đích câu view, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc.

Hình ảnh cá nhân trên mạng là bí mật

Về vấn đề này, luật sư Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng mọi công dân đều được pháp luật bảo hộ và bảo vệ không chỉ ở đời thật mà còn trên không gian mạng.

Theo luật sư Nhật, hành vi ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người khác hoặc đã ghi hình rồi xuyên tạc nội dung không đúng sự thật là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Tất cả những dấu hiệu trên được quy định tại Điều 32, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về quy tắc ghi hình và đăng tải thông tin lên mạng, luật sư Nhật lưu ý, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ người dân được phép ghi hình mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ trong hai trường hợp: Một là, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hai là, hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Việc ghi hình được thực hiện trong trường hợp không bị ràng buộc những quy định, yêu cầu khác.

Trang fanpage "Hoàng Minh" thậm chí công bố danh tính và tài khoản Facebook của cô gái đưa ra câu trả lời trong video "Bạn có người yêu đi xe số?"

Ngoài ra, theo luật sư Nhật, người dân có quyền được chụp hình hay quay phim để giám sát cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc quay phim cần phải đảm bảo các điều kiện tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an. Đó là không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Chủ thể có thể khởi kiện

"Về trường hợp những cô gái được phỏng vấn nhưng nội dung bị cắt ghép, gây tranh cãi, sai bản chất ban đầu thì người bị xâm phạm có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường", luật sư Nhật lưu ý.

Theo luật sư Nhật, người quay phim đăng video clip về người khác lên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng cho hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Nếu việc đăng tải video gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cô gái Lê Nguyễn Tuyết Trinh cũng cho rằng phần trả lời trong đoạn clip phỏng vấn bị cắt ghép

Cuối cùng, luật sư Nhật nhìn nhận, ngoài các trường hợp trên, người dân không được và không nên quay phim, đăng tải video lên mạng xã hội khi chưa được đồng ý dù với bất kỳ mục đích gì. "Trước khi bấm nút quay, chúng ta cũng nên tự hỏi: làm vậy thì có đúng quy định của pháp luật không, có thể bị xử phạt thế nào", luật sư Nhật lưu ý.

“Nếu người trong video là bản thân hoặc người thân của mình thì người đó sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Mỗi người đừng biến việc tự ý ghi hình người khác và đăng video lên mạng xã hội trở thành 'thói quen' vì có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Suy cho cùng, đó là hành động câu view không đúng cả về lý lẫn về tình”, luật sư Nhật nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.