Giải nhất Euréka lần 9: Xây chợ đấu giá cá ngừ đại dương

23/03/2008 22:31 GMT+7

Cách đây hơn một năm, 3 sinh viên (SV) trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã bám trụ các bến cá ở Khánh Hòa và Phú Yên để làm đề tài về cá ngừ đại dương. Hôm qua 23.3, họ đã được vinh danh tại lễ trao giải Euréka.

Tiếp cận "bò gù"

Ý tưởng nghiên cứu về "bò gù" (cách gọi của ngư dân đối với cá ngừ đại dương) được nảy sinh trong một lần bạn Nguyễn Thị Hồng Thu, SV khoa Thương mại Du lịch - trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đặt chân đến Nha Trang. Thu ở nhà một người thân là chủ doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương. Nhận thấy đây là lĩnh vực hấp dẫn nhưng còn nhiều điều vướng mắc, Thu đã bàn với hai người bạn cùng lớp là Nguyễn Phi Tân và Nguyễn Minh Thanh Trà làm đề tài mang tên "Giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương ở hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên". Từ tháng 11.2006 đến tháng 7.2007, cả nhóm nhiều lần đến hai tỉnh trên để tìm hiểu về "bò gù". Ngoài 500 phiếu khảo sát được phát ra, các bạn còn phỏng vấn trực tiếp những ngư dân, doanh nghiệp và cả nậu (thương lái). Bến cá Cầu Bống (Nha Trang - Khánh Hòa), bến cá Đông Tác (Tuy Hòa - Phú Yên)... đều trở nên quen thuộc đối với các bạn. Nhóm còn dám "xông đất" những chiếc tàu, thuyền chuẩn bị ra khơi hoặc có mặt trong những chiếc tàu của ngư dân và của doanh nghiệp mới trở về từ đại dương, quan sát những con cá ngừ "bự chảng", chụp hình hầm bảo quản cá để có cơ sở nghiên cứu...

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm đề tài, Phi Tân kể: "Đó là lần đầu khi tụi mình cùng đáp tàu ra Nha Trang, đang bơ vơ thì gặp được một tài xế taxi tốt bụng tên là Đặng Văn Nga. Bác ấy đưa tụi mình về nhà tá túc. Sau ca trực, bác dẫn tụi mình ra các bến cá, chợ cá đêm, gặp gỡ ngư dân, thuyền viên, các nậu... Hóa ra, bác ấy từng làm thuyền trưởng tàu đánh bắt cá ngừ đại dương 20 năm trời. Ba năm nay, vợ bị bệnh nên bác đành giải nghệ lên bờ. Tụi mình nhớ hoài câu nói của bác ấy rằng, nghề đánh cá rất bạc bẽo. Khi trời cho thì trúng lớn, khi trời không cho thì nợ ngập đầu...". Mặc dù rất cảm kích trước tấm thịnh tình của các ngư dân, song ba bạn trẻ này vẫn không hoàn toàn đồng ý với họ trong cách lý giải chỉ dựa vào mỗi chữ "trời"! 

Đi thực tế tìm hiểu về cá ngừ đại dương

Mô hình chợ đấu giá cá

Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế rất cao nhưng nhiều ngư dân VN vẫn không khấm khá nổi. Vì sao? Trà nói: "Vì cá đưa vào bờ đã bị hỏng nhiều, thành hàng dạt. Vậy là bị ép giá". Thu cho biết thêm: "Việc sơ chế và bảo quản cá sau khi khai thác chưa đạt yêu cầu. Ngư dân chủ yếu sử dụng tàu vỏ gỗ, công suất nhỏ, bảo quản cá bằng hầm đá xay". Hai cô gái này cho biết, giá cá ngừ vây vàng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật có giá từ 12 - 18 USD/kg (nguyên con) và từ 5 - 6 USD/kg (cắt lát đông lạnh). Thế nhưng, các ngư dân bán cho thương lái chỉ với giá từ 60 - 90 ngàn đồng/kg (nguyên con). Bên cạnh đó, một số hạn chế của doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương cũng đã được chỉ ra, như: không am hiểu thị trường nước ngoài, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng ký gửi nên bị động về giá cả... 

Hình ảnh chợ đấu giá cá Tsukiji (Tokyo - Nhật Bản) xuất hiện khá ấn tượng trong công trình nghiên cứu dày 464 trang này. Theo đó, cá được kiểm định chất lượng trước khi đấu giá. Những con cá được phân biệt bằng màu sơn nằm xếp lớp chờ "chủ nhân" của mình. Tên người mua được ghi lên mình cá. Tiếp đến là những bức ảnh về các giai đoạn xẻ cá; sản phẩm cá ngừ đại dương tại những quán ăn ngay trong chợ đấu giá... "Nói người, ngẫm ta" - nhóm nghiên cứu đề nghị xây dựng và đưa chợ đấu giá cá ngừ đại dương vào hoạt động tại VN. Một khi có chợ này, tất cả tàu thuyền đánh cá lúc cập cảng phải đưa "bò gù" lên bờ đấu giá. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ có nguồn hàng ổn định, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, thu nhập của ngư dân được tăng lên, tình trạng ép giá bị xóa sổ. "Chất lượng cao thì giá mới cao. Điều đó sẽ khiến ngư dân phải nâng cao ý thức bảo quản tốt cho cá" - một thành viên trong nhóm lý giải.

Sau khi tranh giải Euréka, Hồng Thu cho biết sẽ bám tiếp đề tài này để làm luận văn tốt nghiệp, nhưng sẽ "chẻ" nó theo hướng vi mô, tập trung vào giải pháp tiêu thụ và xuất khẩu cá ngừ đại dương cho doanh nghiệp. Trong khi đó, Phi Tân và Thanh Trà khẳng định sẽ theo ngành xuất nhập khẩu, tất nhiên, không ngoại trừ sản phẩm "bò gù"!

Ngày 23.3, Thành Đoàn đã tổ chức trao Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần 9 (ảnh). Năm nhóm đề tài đoạt giải nhất thuộc về các tác giả:

- Phan Duy Tân, trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM (lĩnh vực Khoa học tự nhiên)

- Nguyễn Thị Thùy Liên, trường ĐH Bách khoa TP.HCM (lĩnh vực Khoa học kỹ thuật)

- Nguyễn Phi Tân, Nguyễn Thị Hồng Thu Nguyễn Minh Thanh Trà, trường ĐH Kinh tế TP.HCM (lĩnh vực kinh tế)

- Trần Đức Sự, Trần Anh ĐàoNgân Thanh Hải, Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM (lĩnh vực Khoa học pháp lý)

- Tô Thị Nhã Trầm Hồ Ngọc Hân, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM (lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp và tài nguyên môi trường).

Dịp này, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành Đoàn TP.HCM đã ra mắt CLB Ứng dụng Euréka và Hội đồng tư vấn phát triển khoa học và công nghệ trẻ.

Tin, ảnh: Như Lịch - Nghĩa Phạm

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.