1 năm, 10 triệu tấn than xuất lậu sang Trung Quốc

18/04/2008 00:34 GMT+7

Tỉnh Quảng Ninh vừa mở đợt cao điểm truy quét than thổ phỉ trên địa bàn tỉnh. Chiều qua 17.4, trao đổi với Thanh Niên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng (ảnh) cho biết:

- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tình trạng khai thác, chế biến và tiêu thụ than trái phép diễn ra khá phổ biến và hết sức phức tạp. Chỉ trong một thời gian ngắn các ngành chức năng của tỉnh đã xử lý 382 lò, bãi than, tạm giữ 600 xe ô tô... tịch thu 5 vạn tấn than. Đặc biệt chỉ tính từ 8.4 đến nay, tại cửa khẩu Vạn Gia, cơ quan chức năng tỉnh đã bắt 104 tàu đang trên đường chở than sang Trung Quốc, trong đó chỉ 3 tàu có giấy tờ hợp pháp. Sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do cơ chế chính sách có những bất cập. Trước đây, tình trạng khai thác than thổ phỉ chỉ ở dạng đào bới trong vườn nhà, chỗ nào có than thì bới với số lượng chỉ khoảng vài vạn tấn than.

Chiều qua, 17.4, đại tá Nguyễn Hữu Tước, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Do cương quyết trong việc trấn áp than thổ phỉ, gia đình ông Nguyễn Duy Hưng bị một số đối tượng bắn tin đe dọa. Công an tỉnh đã khoanh vùng những đối tượng nghi vấn và triển khai các phương án bảo vệ".

Thế nhưng kể từ năm 2007, thông tư 04, 05 của Bộ Công thương ra đời quy định, than không phải mặt hàng cấm mà là mặt hàng kinh doanh có điều kiện; việc xuất khẩu than theo đường tiểu ngạch không cần quota như trước đây, mà chỉ cần có hóa đơn chứng minh được nguồn gốc than... Tuy nhiên, việc cấp phép cho các doanh nghiệp lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vẫn được cấp phép kinh doanh than... Có rất nhiều bất cập khiến giới buôn lậu than lợi dụng để xuất lậu than sang Trung Quốc. Chỉ riêng năm 2007, đã có 10 triệu tấn than xuất lậu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch.

* Ngoài những bất cập trong thông tư 04, 05 của Bộ Công thương thì đâu là nguyên nhân than thổ phỉ hoành hành, thưa ông?

- Quả thật để xảy ra tình trạng trên cũng có sự buông lỏng quản lý, tiếp tay cho buôn lậu của một số cán bộ chính quyền địa phương cũng như một số cơ quan chức năng của tỉnh; trong đó có cả cán bộ hải quan, biên phòng... Vừa rồi, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thay toàn bộ cán bộ hải quan, biên phòng, thậm chí cả lãnh đạo tại cửa khẩu Vạn Gia cũng phải viết kiểm điểm. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng là sự buông lỏng quản lý của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV). Các doanh nghiệp này đã để một số tư thương tự do vào khai thác than trong khu vực mỏ do đơn vị mình quản lý. Cá biệt, có giám đốc còn cho phép tư thương vào khai thác than sau đó chia phần trăm.

Chưa hết, tình trạng khai thác than lậu còn phải kể đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc cấp phép khai thác một cách rộng rãi, đơn giản dẫn đến khó quản lý. Thời gian qua, Sở Kế hoạch - Đầu tư của tỉnh đã cấp trên 100 giấy phép cho các doanh nghiệp khai thác than, nhưng trong số này có nhiều đơn vị không đủ năng lực nên lại để cho tư nhân vào khai thác.

* Thưa ông, quan điểm của tỉnh Quảng Ninh trong việc xử lý các đối tượng khai thác, vận chuyển than thổ phỉ như thế nào?

-  Quan điểm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh là cương quyết xử lý nghiêm khắc, quyết không nương tay dù người đó ở cương vị nào. UBND tỉnh thành lập bốn đoàn kiểm tra, công an tỉnh tiến hành điều tra làm rõ "lý lịch" của hơn 100 tàu than bị bắt vừa qua tại cửa khẩu Vạn Gia để khởi tố điều tra. Đồng thời, cũng sẽ bắt giữ một số giám đốc các doanh nghiệp tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình... vì tiếp tay cho buôn lậu than.

Việc xử lý tình hình buôn lậu than rất được Ban Bí thư, nhất là đồng chí Trương Tấn Sang - Thường trực Ban Bí thư quan tâm. Đồng chí yêu cầu tôi nối máy 24/24 với Ban Bí thư để  nghe chỉ đạo trực tiếp.

Phạm Hải Sâm (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.