Quý 1/2008: Các công ty niêm yết lời lỗ ra sao?

11/05/2008 00:15 GMT+7

Lợi nhuận giảm Công ty cổ phần bao bì nhựa Tân Tiến (TTP) công bố lợi nhuận trước thuế quý 1/2008 đạt 9 tỉ đồng, giảm 24,48% so với lợi nhuận trước thuế quý 4/2007 (11,9 tỉ đồng). Nguyên nhân do giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng đột biến.

Tương tự, Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT) cho biết lợi nhuận sau thuế quý 1/2008 của công ty chỉ đạt 74,81% so với quý 4.2007 do một số hoạt động sản xuất kinh doanh ở văn phòng công ty và chi nhánh Bắc Ninh có tính chất theo mùa vụ. Ngoài ra, giá một số nguyên vật liệu tăng cao làm chi phí sản xuất kinh doanh tăng đột biến khiến lợi nhuận giảm, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cũng giảm theo.

Với Công ty cổ phần công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR), việc lợi nhuận trước thuế quý 1/2008 giảm 34,68% so với quý 4/2007 có nhiều lý do: doanh thu giảm do thời gian nghỉ Tết và bảo dưỡng máy móc thiết bị; biến động về tỷ giá USD khiến cho chi phí tài chính của công ty tăng. Ngoài ra do giá đầu vào của nguyên vật liệu, nhiên liệu và các chi phí khác đều tăng cao. Trong khi đó, theo giải trình của Công ty cổ phần văn hóa Tân Bình (ALT), quý 1/2008, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2,9 tỉ đồng, giảm đến 39,3% so với quý 4/2007 là do sự sụt giảm mạnh về “lợi nhuận khác” trong quý (quý 4/2007 “lợi nhuận khác” đạt 3,3 tỉ đồng trong khi quý 1/2008 chỉ đạt 285,6 triệu đồng). Hay Công ty cổ phần Xây dựng và Cơ khí số 1 (CMC) đạt tổng doanh thu quý 1/2008 là 12,3 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1,07 tỉ đồng. Trong khi đó, quý 4/2007 công ty đạt tổng doanh thu 54 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8,4 tỉ đồng.

Chuyện giá nguyên vật liệu, nhiêu liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty từ đầu năm đến nay tăng mạnh là chuyện dễ dàng nhìn thấy. Tổng giám đốc một doanh nghiệp thủy sản tại TP.HCM cho rằng trong khi giá đầu vào tăng 15 – 20% nhưng giá bán ra chỉ tăng khoảng 10% là tối đa. Đó là chưa tính đến hiệu ứng dây chuyền khiến cho chi phí lương, chi phí quản lý doanh nghiệp hay chi phí lãi vay... cũng tăng thêm một khoản đáng kể. Vì vậy, việc giảm lợi nhuận là điều không tránh khỏi.

Những đốm sáng

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất một số giải pháp góp phần bình ổn thị trường chứng khoán, trong đó có đề nghị các doanh nghiệp niêm yết sớm công bố nhanh và vắn tắt kết quả kinh doanh với các chỉ tiêu chủ yếu về doanh thu, lợi nhuận. Đồng thời các doanh nghiệp nên có thuyết minh đánh giá tác động về lạm phát có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đây là một trong những giải pháp góp phần bình ổn tâm lý nhà đầu tư, tránh tình trạng một số kẻ đầu cơ giá xuống tung tin thất thiệt về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tình hình kinh doanh quý 1/2008 không sáng sủa, dù vậy vẫn có khá nhiều doanh nghiệp niêm yết giữ được tốc độ tăng trưởng của mình trong thời gian này. Công ty cổ phần thép Việt – Ý (VIS) đạt doanh thu thuần 618,5 tỉ đồng, tăng 15,8% so với quý 4/2007; lợi nhuận sau thuế đạt 10,7 tỉ đồng, tăng 78% so với quý 4/2007. Công ty cho biết do sản lượng quý 1/2008 tăng 15% so với kế hoạch giúp các chi phí cố định như chi phí khấu hao, chi phí lãi vay dài hạn... tính trên một đơn vị sản phẩm giảm gần 24.000 đồng/tấn so với kế hoạch nên đã giảm được gần 1,2 tỉ đồng giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, công ty đã chủ động nhập được 46.863 tấn phôi với giá bình quân 11,2 triệu đồng/tấn và sản phẩm thép được bán ra với giá bình quân 13,9 triệu đồng/tấn tạo ra khoản lợi nhuận hơn 10 tỉ đồng. Hơn nữa, công ty cũng hạn chế chính sách bán hàng trả chậm nên công nợ quá hạn phát sinh ít, dẫn đến vòng quay vốn lưu động tăng lên và số vốn lưu động dư thừa được mang gửi tiết kiệm và thu được 920 triệu đồng tiền lãi. VIS cũng khẳng định công ty đã dự trữ được một lượng phôi thép đủ cung cấp cho kế hoạch sản xuất kinh doanh trong quý 2/2008 nên sẽ tiếp tục hoàn thành tốt chỉ tiêu kinh doanh mà HĐQT đã đề ra.

Tương tự, Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) cũng công bố lợi nhuận sau thuế quý 1/2008 đạt 10,5 tỉ đồng, tăng 49,38% so với quý 4/2007 so sản lượng tiêu thụ sản phẩm tăng 31,46%; giá bán đường cũng tăng lên 120 đồng/kg. Công ty cổ phần hàng hải Sài Gòn quý 1/2008 có tổng doanh thu trên 37 tỉ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận tăng 430%. Nếu so với quý 4/2007, doanh thu này cũng tăng hơn 37%. Nguyên nhân của sự tăng đột biến về doanh thu lẫn lợi nhuận do công ty đưa vào khai thác tàu biển SHC Pioneer (riêng doanh thu từ hợp đồng cho thuê định hạn trong quý đạt trên 14 tỉ đồng). Công ty này nhận định do tính chu kỳ của hoạt động vận tải trong nước thường tăng trưởng từ quý 2 và phát triển mạnh vào cuối năm nên có thể doanh thu và lợi nhuận trong các quý còn lại sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng.

Riêng đối với các ngân hàng thương mại thời gian qua đã chịu nhiều tác động do ảnh hưởng của nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng, nhưng kết quả kinh doanh của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (STB) vẫn ổn định. Quý 1/2008, lợi nhuận trước thuế của STB đạt 435 tỉ đồng (tương đương lợi nhuận quí 4/2007), tăng 44% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản đạt 75.205 tỉ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Á Châu (ACB) sau quý 1/2008 tổng tài sản đạt 100.000 tỉ đồng, tổng vốn huy động đạt trên 81.000 tỉ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 40.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 501 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2007, tổng tài sản của ACB đã tăng gần 2 lần, tổng huy động tăng gấp 1,8 lần, lợi nhuận trước thuế tăng gấp 1,2 lần.

Kết quả hoạt động của một quý chưa phản ánh được đầy đủ chính xác tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong một năm tài chính. Tuy nhiên, đó cũng là một cơ sở quan trọng để nhà đầu tư tham khảo trước khi ra quyết định đầu tư. Điều đáng lưu ý là theo nhiều chuyên gia, những khó khăn chung của nền kinh tế chỉ thật sự tác động đến hoạt động của doanh nghiệp trong những tháng kế tiếp. 

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.