Tai họa từ mũ bảo hiểm "điệu"

20/05/2008 00:30 GMT+7

Phái đẹp điệu một chút càng thêm duyên, nhưng điệu bằng cách đội những chiếc mũ bảo hiểm (MBH) cách điệu, không đảm bảo chất lượng thì coi chừng...

Mất duyên, mất mạng!

Trước ngày 15.12.2007, thời điểm quy định bắt buộc đội MBH khi lưu thông bằng xe mô tô, gắn máy có hiệu lực, thị trường hầu như chỉ có những loại MBH với kiểu dáng "nồi cơm điện". Nhưng sau ngày này, nhiều nhà sản xuất tung ra các mẫu MBH thời trang và ngay lập tức được giới nữ nhiệt liệt hưởng ứng, vì vừa đáp ứng được nhu cầu làm đẹp, lại vừa đảm bảo không bị CSGT phạt. Tại nhiều cửa hàng MBH lớn ở quận 1, TP.HCM, người bán hàng cho biết dù giá cao hơn nhưng lượng MBH thời trang bán ra lại luôn áp đảo, gấp 2-3 lần MBH kiểu dáng "truyền thống"...

So với các loại MBH "truyền thống", MBH thời trang có kiểu dáng thanh nhã hơn, có nhiều họa tiết hoa văn và thường có thêm vành mũ để che mưa nắng... Chính chiếc vành mũ này, nhất là loại mũ vành nhựa, lại là hiểm họa tiềm ẩn khiến chủ nhân của nó phải "ôm hận".

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Bình Thạnh và Tân Bình (TP.HCM), chỉ trong khoảng 2 tháng gần đây, họ đã tiếp nhận nhiều trường hợp nạn nhân nữ bị tai nạn giao thông (TNGT) vào cấp cứu và phải khâu nhiều mũi trên mặt. Hầu hết các cô gái này đội MBH loại có vành rộng và khi tai nạn xảy ra, vành nón cong, bể tạo thành mảnh sắc cào rách mặt nạn nhân. Có trường hợp khi tiếp nhận, bệnh viện phải làm thủ tục chuyển ngay tuyến trên vì ngoài bị rách mặt, nạn nhân còn bị mảnh MBH đâm vào mắt gây tổn thương...

Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi tiếp nhận các trường hợp nạn nhân TNGT nặng từ các tuyến dưới chuyển lên. Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Minh Mẫn, Trưởng khoa Chấn thương sọ não cho biết, khoảng 1 tháng đầu sau khi quy định bắt buộc đội MBH có hiệu lực, số người bị chấn thương sọ não do TNGT nhập khoa giảm khoảng 20% so với trước, nhưng sau đó tăng trở lại và từ sau Tết đến nay trở lại mức cao như trước ngày 15.12.2007. Bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhân, trong đó có đến 90% là do TNGT và hầu hết thân nhân người bệnh đều cho biết nạn nhân chấp hành nghiêm quy định đội MBH. Không có thống kê cụ thể, nhưng tiến sĩ Mẫn khẳng định có rất nhiều trường hợp phái đẹp nhập viện trong tình trạng đa chấn thương vùng đầu, mặt, khi hỏi ra thì biết nạn nhân đội MBH có vành nhựa.

"Có hai vợ chồng ở Tiền Giang chở nhau bằng xe gắn máy đi đám cưới. Chồng đội MBH kiểu truyền thống, chất lượng tốt, vợ ngồi sau đội MBH thời trang. Trên đường đi chẳng may bị va quẹt, té xe. Cả hai cùng té đập đầu xuống đất nhưng chồng không sao, còn vợ thì vỡ sọ, rách mặt, được chuyển lên đây điều trị. Sau hơn 2 tháng, chị này được xuất viện trong tình trạng "thân tàn ma dại"!" - tiến sĩ Mẫn kể.

Rất nhiều bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy là do tai nạn giao thông - Ảnh: Thanh Tùng

Quản lý chạy theo thực tế

"Cấu tạo một chiếc MBH có 3 phần chính: lớp nhựa ngoài cùng, lớp mốp phía trong và quai đeo. Khi có va chạm, lớp vỏ nhựa ngoài cùng có tác dụng làm phân tán lực; lớp mốp bên trong tiếp tục phân tán và hấp thụ những lực sau khi đã bị phân tán vẫn xuyên qua lớp vỏ nhựa, giảm chúng xuống còn tối thiểu để không đủ gây chấn thương đầu, sọ não. Vì thế, lớp nhựa ngoài càng nhẵn, tròn và không có các vật cản như vành nón nhựa, vải, đinh tán nhô ra ngoài... thì lực càng được phân tán tốt, không tập trung vào trọng điểm. Trong khi đó, những chiếc MBH có vành khi người đội ngã xuống, lực sẽ không phân tán được, mà tập trung vào một điểm nơi vành nón tiếp xúc với vật va chạm, sau đó đâm xuyên vào lớp mốp và nguy cơ gây chấn thương sọ não rất cao. Đó là chưa kể vành nón có thể bị gãy, bể đe dọa trực tiếp các phần mềm như mặt, mắt..." - tiến sĩ Dương Minh Mẫn phân tích về cơ chế bảo vệ của MBH và kiến nghị: "Cần phải cấm loại MBH có vành, vì nó không đảm bảo an toàn cho người sử dụng".

Không chỉ giới y học, ngay các nhà quản lý cũng nhìn thấy những hiểm họa từ MBH cách điệu, nhưng lại không thể cấm vì tiêu chuẩn Việt Nam hiện áp dụng cho MBH không quy định về kiểu dáng. Còn về chất lượng, kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố tại một hội thảo cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, trên 70% mẫu MBH, trong đó có nhiều mẫu MBH thời trang, không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, người tiêu dùng không phải ai cũng biết cơ chế bảo vệ của MBH để mà chọn mua được một chiếc MBH đảm bảo chất lượng. Hầu hết người tiêu dùng khi chọn mua MBH đều theo tiêu chí: rẻ, đẹp và đội vừa đầu. Vài người kỹ tính hơn chọn MBH ngoại nhập hoặc xăm soi kiểm tra tem công bố phù hợp tiêu chuẩn (CS). Nhưng kết quả khảo sát của Vinastas cũng cho thấy đến gần 80% mẫu MBH có dán tem CS nhưng không đạt tiêu chuẩn, và vì thế việc xăm soi tem CS cũng bằng thừa! Vinastas kiến nghị cần có biện pháp quản lý chất lượng khác hiệu quả hơn, vì cách quản lý chất lượng bằng tem CS do nhà sản xuất tự công bố, tự dán lên sản phẩm như hiện nay không có hiệu quả mà lại tạo tín hiệu nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Thế nhưng, đến nay cách quản lý chất lượng MBH vẫn không có gì thay đổi.

Rõ ràng, thị trường đang diễn biến rất nhanh, nhưng các nhà quản lý đã không thể theo kịp. Mới đây, trong một động thái muộn màng - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết sẽ phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường thành phố tiến hành thanh, kiểm tra chất lượng MBH trên địa bàn, trong đó tập trung chủ yếu vào MBH có kiểu dáng cách điệu. Đợt thanh, kiểm tra kéo dài đến hết tháng 5.2008, và hy vọng qua đó sẽ làm "sạch" hơn thị trường MBH.

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.