Nhộn nhịp làng cá bè La Ngà

29/01/2004 18:26 GMT+7

Làng cá bè La Ngà hình thành vào những năm 90 của thế kỷ trước, do bà con vùng Đồng Tháp Mười và các Việt kiều Campuchia hồi hương đến lập nghiệp. Nay, trên khúc sông này chỉ còn 156 hộ nuôi cá bè.

Chúng tôi có mặt ở làng cá bè La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) trong những ngày Tết. Công việc đầu năm ở đây đã bắt đầu khẩn trương. Những chiếc ghe gắn máy chở cá liên tục vào bờ, các xe tải mang biển số TP Hồ Chí Minh liên tục xuất bến. Nhiều thanh niên hì hục xếp cá lên xe, tiếng điện thoại reng liên hồi còn những bà lái cá thì lo việc đếm tiền trao cho các chủ bè cá. Theo lời những ngư dân ở đây thì bắt đầu những ngày cuối năm do gà vịt bị dịch nên giá cá tăng lên 2-3 ngàn đồng/kg và năm nay là cái Tết khá bận rộn đối với những người nuôi cá trên khúc sông này.

Anh Cổ Hữu Tâm - người có số bè cá nhiều nhất ở làng bè này cho biết năm nay cá không được mùa nhưng được giá nên Tết nay gia đình anh khá sung túc. Trong nhà đầy đủ các tiện nghi của một gia đình giàu có ở

Ðánh bắt cá bè

nông thôn. Anh cho biết thêm: “ Hai năm liên tiếp bà con ở làng cá bè này nuôi không có lời do thức ăn cho cá lên giá quá cao. Hy vọng giá cá sẽ tăng trong những ngày tới và năm nay sẽ lấy lại vốn bù cho những năm trước”. Nói về chuyện làm giàu, anh tâm sự: “ Làm nghề này phải có sự đam mê thì mới khá được”. Năm 1997, anh vào nghề với 2 bè nuôi cá lóc, thời gian này cá lóc bán được giá (có lúc lên 30 ngàn đồng/kg), nhiều gia đình phất lên. Anh tiếp tục đầu tư thêm một chiếc xe tải và bước qua nghề mua cá biển về cung cấp thức ăn cho làng cá bè. Thời gian đó có 6 đại lý bỏ vốn gối đầu thức ăn các hộ nuôi cá bè, anh tham gia thị trường này với số vốn khá khiêm tốn nên khi cá lóc rớt giá (còn 20 ngàn đồng/kg), nhà bè, thương lái cùng lỗ, các nhà đầu tư sụp đổ thì anh là một trong ba “nhà” còn trụ lại được. Đến nay, ngoài việc nuôi 9 bè cá, 6.000 con cá sấu, anh còn cung cấp thức ăn cho 80% dân nuôi cá bè ở sông La Ngà.

Rời nhà anh Tâm, chúng tôi đến thăm nhà anh Sáu Gạo, cũng là một trong những gia đình có nhiều bè cá ở làng. Kể về những ngày đầu lập nghiệp, anh Sáu ngậm ngùi: “ Cũng gian nan lắm mới có ngày hôm nay.” Cũng như các gia đình khác ở làng, gia đình anh Sáu Gạo cũng từ Long Xuyên vượt sông Đồng Nai lên La Ngà tham gia lập làng với hai bè cá, làm được 7 năm anh đã mua thêm 6 bè nữa, những năm đó ai làm bè cá cũng có lời. Thế rồi có chủ trương dời làng bè lên bờ, anh nhanh chóng mua nhà lên bờ chuyển hướng làm ăn. Bắt đầu chăn nuôi lợn và mua xe ủi về đào ao cá thuê, gặp thời, biết tính toán nên công chuyện làm ăn của anh Sáu suôn sẻ. Nhờ đó mà cả 4 người con của anh đều được học hành đàng hoàng, đứa lớn giờ đã là anh sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, đứa thứ hai đang học lớp 12, con đứa út thì đang học lớp 9. Chị Hiệp vợ anh Sáu nói: “ Chúng tôi sống trên sông quen rồi, nhưng mấy đứa nhỏ đi học rất cực: sáng phải chở con vào bờ, trưa quay ghe ra đón cực lắm. Đời cha mẹ không có cái chữ nên khổ, bây giờ mình ráng cho con được học hành”.

Với khí thế đầu năm, ai trong làng cũng bắt đầu nghĩ đến một năm làm ăn tốt hơn năm trước.

Thiên Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.