Tết tây hay Tết ta?

18/02/2005 15:16 GMT+7

Khai bút đầu năm" với một đề nghị mạnh bạo "Tết "hội nhập", tại sao không?" của GS. Võ Tòng Xuân đã làm dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi trên Thanhnien Online mấy ngày qua. Câu hỏi "Có nên bỏ ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam?" vẫn còn bỏ ngỏ...

Tết cổ truyền, một nét văn hóa độc đáo đặc trưng. Tết cổ truyền là một nét văn hoá độc đáo đặc trưng cho một dân tộc, là dấu chỉ cho sự đoàn kết của dân tộc đó. Hơn nữa, đây là một truyền thống có tự ngàn đời, đánh dấu thời điểm đẹp nhất trong năm, khi đông qua xuân tới, vạn vật nở hoa khoe sắc.

Tôi nhận thấy ý kiến gọi là "táo bạo" của một số độc giả ủng hộ cho "Tết hội nhập" có vẻ thiên về thực dụng quá. So với phân tích của độc giả Quốc Trung, tôi thấy bạn đúng và tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến này. Nếu đem yếu tố kinh tế, thời gian và sự lãng phí để so sánh giữa Tết DL và Tết cổ truyền, xét về hiệu quả và hậu quả thì Tết DL của đa số các nước trên thế giới tốn kém và lãng phí hơn rất nhiều kể cả thời gian, cơ hội kinh tế. Tôi cho rằng có thể GS Võ Tòng Xuân có một cảm nhận cá nhân quá nhạy bén và bức xúc trước những cái quá đáng do việc lợi dụng đón Tết lãng phí. Tôi cũng không đồng tình với độc giả Nguyễn Ngọc Minh Trí (TP.HCM) khi bạn cho rằng việc ăn Tết cổ truyền Việt Nam gắn liền với "trình độ dân trí..." nếu bạn nghĩ vậy thì bạn hoàn toàn sai và ấu trĩ, bởi vì như bạn cũng đã biết, việc đón Tết không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu phát triển văn hóa, nó là nét đẹp đặc trưng cội nguồn, gắn liền với tập quán của dân tộc nên không thể thay đổi, mặc dầu nó có thể mang nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng ta đâu có "nhìn theo" TQ để ăn Tết giống họ.

Nguyễn Tiến Sang

Có thể thay áo nhưng không thể thay hồn. Nói như GS. Võ Tòng Xuân, trong lúc họ nghỉ ăn Tết Tây, họ có quyền nghỉ làm, từ chối những cơ hội kinh doanh còn ta thì không? Nếu là một đối tác lâu dài và có thiện ý làm ăn, tôi tin tưởng họ sẽ không vì việc ta nghỉ ngơi trong những ngày Tết mà lại huỷ những hợp đồng kinh doanh quan trọng.

Tết Nguyên Đán từ lâu đã trở thành "quốc hồn, quốc tuý" của dân tộc, nếu bỏ đi cái hồn của mình, liệu "cái xác" của chúng ta có thể hội nhập mà vẫn đảm bảo "bản sắc dân tộc" hay không? Còn việc Giáo sư nêu ra thế hệ trước đã từng "dũng cảm" thay thế áo dài khăn đóng bằng âu phục, tôi thiển nghĩ, sự so sánh đó vô cùng khập khiễng. Nói về yếu tố kinh tế lại càng vô lí hơn, liệu Giáo sư có bao giờ đặt câu hỏi: Sẽ có biết bao nhiệu hộ dân kinh doanh hoa mai, hoa đào, hoa ngày tết, bao nhiêu hộ dân kinh doanh nghề gói bánh chưng, bánh tét, trồng dưa hấu, làm mứt... sẽ dựa vào đâu để sống nếu như ngày Tết cổ truyền không còn hay không?

Và nếu không còn ngày Tết cổ truyền, liệu "tam đại đồng đường" có cơ hội tụ hợp đầy đủ trong một không gian vui vẻ, ấm cúng để cùng nhau trò chuyện, dặn dò, chúc tụng nhau những lời yêu thương, dự định trong tương lai hay không?

Vài thiển ý, mong giáo sư nghĩ nhiều hơn về yếu tố văn hoá, nhân văn, truyền thống,... trong cái Tết cổ truyền hơn là một cái tết "hội nhập" - ăn Tết theo thiên hạ để chứng minh "ta sẵn sàng từ bỏ tất cả yếu tố dân tộc để hội nhập cùng thế giới".

Ngoc Diem

Không thể hội nhập mà quên truyền thống. Vẫn biết rằng khi hội nhập ta phải có những điều chỉnh để phù hợp với tình hình chung, nhưng đó là thay đổi mang tính chất kinh tế để phù hợp với xu hướng. Còn nếu bỏ Tết cổ truyền dân tộc đi thì không biết sẽ thế nào đây. Đâu còn những đêm 30 cả nhà cùng vui vầy quanh nồi bánh tét để đón giao thừa, còn đâu những cuộc đoàn tụ gia đình mà năm mới mới có dịp được gặp gỡ. Một năm cũ qua đi, sự náo nức đón chào cái thiêng liêng "Nguyên Đán" sẽ không còn nữa... Ôi thật là kinh khủng!

Có thể những đứa trẻ sẽ không còn nhớ gì cả và cũng sẽ không biết thế nào là Tết cổ truyền dân tộc bởi chúng còn quá nhỏ nhưng với những ai đã từng qua những cái Tết, từng biết thế nào là sự thiêng liêng đêm giao thừa thì không thể bởi nó đã là một phần máu thịt của họ rồi... 

Dẫu biết rằng Tết cũng làm cho chúng ta tốn kém tiền bạc, thời gian,... nhưng so với những giá trị tinh thần thì đâu có nghĩa lý gì.

Võ Thành Thuần

Có nên bỏ ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam? Tôi là một độc giả của Báo Thanh Niên, vừa rồi tôi có đọc nội dung bài báo của GS. Võ Tòng Xuân về việc có nên bỏ ngày Tết cổ truyền để hội nhập "sâu" hơn vào kinh tế thế giới... Tôi rất bức xúc và phản đối.

Hội nhập là điệu kiện tốt cho sự phát triển nhưng không vì lẽ đó mà xoá bỏ sự linh thiêng trong mỗi trái tim người Việt Nam? Thưa giáo sư, đã gọi là sự linh thiêng thì khó có gì có thể đánh đổi được.

Qua đây tôi rất đồng tình và ủng hộ ý kiến của Thạc sỹ Nguyễn Quốc Trung và bạn đọc Lê Dũng.

Hồng Cẩm Nhung

Tôi thấy bị tổn thương tâm hồn Việt. Sau khi đọc bài "Tết "hội nhập", tại sao không?" trên Thanhnien Online của GS. Võ Tòng Xuân, tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng, trống rỗng trong tâm hồn. Tôi sinh ra ở miền Bắc, học đại học xong tôi vào miền Nam làm việc. Từ đó, những kỷ niệm của tôi luôn gắn với Tết cổ truyền của Việt Nam. Những ai đã và đang sống xa nhà sẽ hiểu được cảm giác mong chờ ngày Tết đến thế nào, nhất là lần về Tết đầu tiên. Tôi rời gia đình vào Nam làm việc khi chỉ còn 15 ngày nữa là tới Tết. Khi tôi đi mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Tết là ngày đoàn tụ nên cả dòng người như dòng sông chảy từ Nam về Bắc và tôi là con thuyền chạy ngược. Một năm qua đi, ngày Tết mong mỏi rồi cũng sắp tới, dù mới đi làm chưa có nhiều tiền nhung tôi cũng đã đặt trước vé máy bay gần 2 tháng, tôi muốn về nhà thật nhanh. Trước hôm tôi dự định về một ngày mẹ tôi đã vĩnh viễn không còn vì tai nạn giao thông, tôi trở về chịu tang sớm hơn về ăn Tết. Và từ đó, mỗi năm tôi lại mong Tết về để có thể nhổ ít cọng cỏ, thắp cho mẹ nén hương trên mộ.

... Tết là thời điểm giao mùa, không phải mê tín khi nói rằng "linh khí trời đất" là có thực. Dù chúng ta không muốn thừa nhận nhưng khi cưới, hỏi, động thổ nhà cửa hay công trình đều chọn "ngày lành" và tôi nghĩ rằng Tết là một ngày thuộc "tâm linh" của mỗi người Việt.

Trần Khánh

Không nên bỏ Tết cổ truyền. Đó là ý kiến không chỉ của cá nhân tôi mà còn của người thân, bạn bè và rất nhiều đồng nghiệp của tôi.

... Về ý kiến của bạn Minh Trí, tôi cũng không đồng ý. Bản thân tôi và rất nhiều bạn trẻ khác đều rất yêu mến và muốn gìn giữ Tết cổ truyền chứ không riêng gì những người lớn tuổi. Việc này tùy vào quan điểm cá nhân chứ không liên quan gì đến trình độ dân trí.

Mặt khác, theo tôi, khi dân trí càng cao, xã hội càng phát triển thì càng phải hiểu một nguyên tắc cơ bản trong quá trình hội nhập: Đó là "hoà nhập chứ không hoà tan", ta phải giữ những gì gọi là bản sắc của dân tộc mình chứ!

Nguyễn Yên

Đừng làm những điều không nên làm. Ngày Tết cổ truyền là Quốc Hồn Quốc Tuý của dân tộc, thế nên tại sao phải bỏ?

... Nếu tôi, bạn và cả chúng ta, đến một lúc nào đó khi không còn một xúc cảm nào bên bàn thờ gia tiên trong đêm Giao thừa, hay những giây phút đầu tiên của ngày Mồng 1 Tết, thì hãy nghĩ tới chuyện loại bỏ ngày Tết cổ truyền ra khỏi đời sống của dân tộc. Bằng không, thì hãy gắng mà giữ lấy...

LeLe

"Tết "hội nhập", tại sao không!". Tôi cũng đồng quan điểm ủng hộ nghỉ Tết âm lịch của hai anh Nguyễn Quốc Trung và Lê Dũng và muốn đóng góp thêm một số ý kiến của mình như sau:

1.Trong phần ảnh hưởng công việc, GS đã viện dẫn các liên lạc đến từ u, Mỹ... là những nơi không nghỉ Tết âm lịch. Tuy nhiên, đối với các cá nhân hoặc tổ chức có quan hệ chủ yếu với Trung Quốc và cộng đồng người Hoa nói chung, Hàn Quốc hoặc các doanh nghiệp nội địa thì sẽ không chịu sức ép này. Hơn nữa vị trí của Trung Quốc và cộng đồng người Hoa nói chung ngày càng trở nên có vai trò quan trọng hơn trên qui mô toàn cầu và là cộng đồng có số dân lớn nhất.

2.Trong bài của mình Giáo sư có viện dẫn Nhật Bản chuyển sang Tết tây rất sớm và đạt được những thành công lớn về mặt phát triển đất nước. Tuy nhiên, hai quốc gia vẫn còn giữ Tết âm lịch là Trung Quốc và Hàn Quốc cũng là những quốc gia đã và đang đạt được những sự phát triển thần kỳ trong nhiều năm liền và trong nhiều mặt đã và đang vượt qua Nhật. Do vậy, việc thay đổi cách ăn Tết không đóng vai trò rõ nét ở đây.

3.Giáo sư cho rằng ngày nghỉ Tết quá lê thê nhưng chính thức chỉ 4 ngày. Còn việc hiệu suất làm việc giảm sớm trước Tết và sức ì sau Tết lại là một chuyện khác liên quan đến tác phong lao động cần phải chấn chỉnh hoặc tự mỗi cá nhân sẽ phải sửa đổi để thích nghi với đòi hỏi công việc ngày càng tăng. Nhìn vào khối công ty nước ngoàai ở nước ta có thể thấy rõ xu hướng này, mua sắm Tết chủ yếu diễn ra vào ngày nghỉ và buổi tối ở các siêu thị. Mọi người làm việc nghiêm túc đến sát Tết và mùng 4 đã bắt đầu đi làm bình thường trở lại.

4.Trong ví dụ Giáo sư minh họa trường hợp Công ty XNK Thủy sản An Giang bị ảnh hưởng do Tết bởi khách hàng chính là khách hàng u, Mỹ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các công ty thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, du lịch, dịch vụ... thì bức tranh lại khác. Đối với những đơn vị này Tết âm lịch chính là vụ mùa bội thu chính trong năm. Vậy cần phải có một sự cân nhắc được-mất trên qui mô toàn bộ nền kinh tế mới có kết luận chính xác cho vấn đề này.

5.Tiếp thêm quan điểm là một cơ hội đặc biệt để khuyếch trương du lịch của Tiến sỹ Nguyễn Quốc Trung, tôi xin lấy ví dụ Báo Thanh Niên vừa đăng Tết này chúng ta đón khoảng 200.000 Việt kiều về quê ăn Tết. Giả sử mỗi người chỉ tiêu xài trong nước khoảng 500 đến 1.000 USD trong dịp này thì chúng ta đã có một doanh thu do xuất khẩu tại chỗ cỡ 100 đến 200 triệu USD rồi.

Nguyễn Minh Thái

Có xuân là có Tết. Tết là dịp để con cháu được họp măt gia đình, gặp mặt ông bà, cha mẹ. Cái Tết nó ý nghĩa lắm, dường như nó đã thấm vào máu thịt của mỗi người con đất Việt rồi, kể cả những người con xa xứ... Ý nghĩa của cái Tết không phải là bạn hay tôi được nghỉ bao nhiêu ngày mà là chuẩn bị về mặt tinh thần, lên dây cót cho một năm mới đầy hứa hẹn... Mất đi cái Tết con trẻ sau này nào biết gì đến chuyện Lang Liêu, chuyện táo quân, làm sao biết đến đêm 30 cả nước cùng thức đón giao thừa... Nghĩ đến chuyện không đón Tết nữa, tôi thực sự không biết mùa xuân còn ý nghĩa gì, khi cả năm làm việc quần quật trông đợi một ngày Tết... không đến.

Hoàng Phương Nam

Tết Việt, bản sắc riêng của dân tộc ta. Tôi có đọc bài báo của GS và tôi cũng hiểu được ý kiến của GS là vì một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn. Nhưng theo tôi thiết nghĩ thì mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng, mà điều này thì các nước trên thế giới đang ra sức để bảo tồn nó. Thế thì tại sao chúng ta lại đem bỏ nó đi chỉ vì chúng ta muốn hội nhập vào thế giới? ... Nếu các nước trên thế giới đều hội nhập như nhau thì chúng ta sẽ cảm thấy nhàm chán khi đi du lịch vì đi đến đâu cũng đều có chung một cách sống.

... Tôi có vài người bạn đến từ Nhật, họ rất thắc mắc là tại sao Nhật lại không có Tết cổ truyền như những nước châu Á khác. Họ cũng muốn có không khí vui vẻ như vậy lắm khi họ thấy người Việt, Hoa, Hàn tổ chức Tết.

Phan Hồng Bảo Trâm

Không có lý gì để bỏ Tết ta. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm Ất Dậu tôi cũng đã may mắn được đọc bài viết của GS. Võ Tòng Xuân về ý tưởng “Tết hội nhập”. Thực tình mà nói, thoạt tiên tôi cũng nhận thấy rằng ý tưởng của GS không phải là không có cơ sở khi ông viện dẫn đến trường hợp của Nhật Bản, nơi trở thành quốc gia Á châu giàu nhất thế giới trước hết nhờ sớm biết giao thương với u-Mỹ.

Tôi cũng thoạt nghĩ đến cái gánh nặng phải đến nhà thăm thú, chúc tụng nhau; những cuộc tiệc tùng bù khú triền miên trong dịp Tết, và ước gì từ nay không phải bầu đoàn thê tử đội nắng nhong nhong suốt mấy ngày ròng đến mức phát bệnh.

Tôi cũng thoạt nghĩ rằng, nếu bỏ được Tết ta, khối người sẽ mừng vui vì từ nay chẳng còn phải lo quà Tết biếu sếp; thậm chí có nhiều người sẽ mừng vì đỡ phải mừng Tết cha mẹ, thầy cô, bạn hữu.

Nhưng, ngẫm lại, tôi lại thấy có cái gì không ổn. Hàn Quốc vẫn “ăn Tết” như ta nhưng kinh tế nước này phát triển khá đấy chứ? Người Hàn nổi tiếng tiết kiệm và biết nắm bắt cơ hội, nhưng liệu họ có cho rằng ăn Tết như hiện nay là lãng phí thời gian và phí phạm cơ hội kinh doanh hay không? Còn Trung Quốc, với những chỉ số tăng trưởng kinh tế như trong những năm gần đây thì chắc chắn là bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng phải nể phục. Vậy Tết ta đâu có lỗi gì đối với nền kinh tế thị trường, nếu không muốn nói là thời gian kích cầu tốt nhất, khi người dân mua sắm, chi tiêu và thúc đẩy kinh tế tốt nhất, như TS Nguyễn Quốc Trung đã viết?

Và tôi cũng thử hình dung: nếu ta chuyển sang ăn “Tết hội nhập” thì liệu có còn màu sắc đặc trưng trong mỗi gia đình người Việt với cành đào, cành mai không nhỉ? Riêng đối với khu vực từ miền Trung trở ra, Tết đến mà thiếu mất tiết trời đã ấm lên nhưng vẫn còn một chút se lạnh, thì còn gì là Tết. Bởi Tết là dịp cho ta nghỉ ngơi, sum họp, nhưng đồng thời cũng phải là dịp để chưng diện, làm đẹp cho đời và cho nhau nữa.

Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng tôi lại tự hỏi, vì sao những năm gần đây bà con kiều bào ta ở nước ngoài rủ nhau về quê ăn Tết âm lịch nhiều thế? Mà trong đó, có lẽ không ít nhà doanh nghiệp với những hy vọng tìm được cơ hội làm ăn ngay trong dịp vui Xuân này?

Nguyên Hùng

Tôi đồng ý với ý kiến của GS Võ Tòng Xuân. Đọc cả 2 bài về đề nghị của GS. Võ Tòng Xuân và phản hồi từ bạn đọc, cộng với kết quả thăm dò (đến hơn 80% ý kiến muốn tiếp tục ăn Tết ta lớn), tôi cảm thấy có vài điều băn khoăn.

Trong khi đề nghị của GS. Võ Tòng Xuân dựa vào những con số (số ngày nghỉ, số nước còn duy trì Tết âm lịch), thì những ý kiến phản đối chỉ dựa vào cảm tính(?). Không ai đưa ra kết quả nghiên cứu, hay ước lượng được nếu bỏ Tết âm lịch thì sẽ được gì, mất gì một cách khoa học.

Trước một đề nghị có tính cách mới mẽ, đột phá trong suy nghĩ như đề nghị này, chúng ta cần xem xét nghiêm túc. Và khi chưa chắc chắn được gì mất gì, thì chúng ta không nên vội phản đối.

Lịch sử trong thời gian gần đây đã cho thấy, rất nhiều đề nghị hay của những người có tâm huyết đã bị bỏ qua, hoặc tệ hơn là quy cho động cơ gì đó. Chỉ đến khi nó đã trở thành tất nhiên, thì chúng ta mới mang những ý kiến đó ra dùng.

Vậy với đề nghị này của GS. Xuân, tôi thấy đây có thể là tất yếu. Vì Tết âm lịch đã ngày càng mất đi vai trò quan trọng, thì tất yếu đến lúc nào đó nó chỉ còn ý nghĩa tượng trưng (thí dụ chúng ta sẽ được nghỉ 1 ngày Tết âm lịch, nhưng nghỉ nhiều hơn cho các dịp khác).

Và để đón đầu (chứ không phải chạy theo đuôi), chúng ta cần chủ động nhận thức những gì là tất yếu và áp dụng. Theo đó, nhà nước và người dân cần chủ động giảm dần số ngày nghỉ và những việc tốn kém khác liên quan đến Tết âm lịch. Để sau một thời gian ngắn (khoảng 5 năm), tiến đến xem Tết âm lịch như là một ngày lễ (như lễ Quốc khánh).

Le Hung

* Tôi đã sống xa quê nhà đã nhiều năm, là một Việt kiều Canada, đọc qua những bài viết trên trang web của báo Thanh Niên, tôi phải nói rõ ra những suy nghĩ của những Việt kiều sống tha hương như tôi. Chúng tôi không có bỏ quên những phong tục tập quán tốt của người Việt mình, mà còn dạy bảo con cháu của mình không nên quên đi ngôn ngữ và truyền thống của nước ta, nếu những người sống trong nước mà lại muốn bỏ đi cái tốt đẹp của Tết nguyên đán, thì đó chính là một cú sốc đạp lên đầu của những người làm cha làm mẹ như tôi, trước mặt con cái của mình, vậy mong là ai mà nói đến Việt kiều, thì họ có hiểu được sự thật của người Việt sống tha hương không?

Paul Le

Tôi xin ủng hộ ý kiến sát nhập ngày Tết cổ truyền của chúng ta thành một so với cộng đống thế giới. Đấy là điều hết sức thiết thực và hoà nhập vào ngôi nhà chung trên thế giới nhân dịp lễ Giáng sinh và năm mới. Thêm vào đó, đỡ tốn kém tiền bạc của nhà nước trong việc trang trí và chuẩn bị Tết. Ví dụ, Tết vừa rồi chúng ta trang hoàng TPHCM thật là lộng lẫy với đèn/hoa... sau đó dẹp hết!

Nói tóm lại, cái gì rêng biệt của cha ông thì nên giữ lại, còn cái gì mang tính chất là của chung nhân loại thì nên theo đa số. Anh em Việt kiều sẽ về nước nhiều hơn nhân dịp trùng thời gian của 2 nước sẽ là một nguồn lợi cho Việt Nam mà đáng ra chúng ta cần xem xét.

Tôi xin cảm ơn Báo Thanh Niên đã có ý kiến vô cùng độc đáo và hữu dụng khi kêu gọi mọi người góp ý cho trào lưu sát nhập 2 ngày Tết thành một theo dương lịch. 

Pham Vu Viet Chung

Tết là điều thiêng liêng của dân tộc VN, nhưng giữ gìn và phát huy những mặt ưu điểm của nó để hòa nhập với thế giới hiện nay cũng như tương lai là điều nên bàn, cần cân nhắc để không còn cảnh no dồn đói góp, nghẽn tàu, tắc xe trong có mươi ngày; đó là chưa kể các thiệt hại do vỡ hợp đồng XK với nước ngoài, rồi người lao động xa quê phải nhịn ăn nhịn mặc... để rồi "mò" về quê ăn Tết dù sau Tết kéo cày trả nợ... Nên chăng, đưa Tết về dương lịch là chính, âm lịch chỉ cần đêm Giao thừa cúng lễ... 

Lê Lâm

* Về ý kiến của độc giả Nguyễn Huỳnh Toại tôi xin mạn phép có vài dòng suy nghĩ:

1. Anh (xin được phép gọi bằng anh) nói đúng khi cho rằng những hoạt động ở tết cổ truyền đều có thể thực hiện ở tết dương lịch. Nhưng xin anh xét lại ý nghĩa của những hoạt động đó. Người ta có thể mua sắm hay thăm hỏi vào đầu, giữa hay cuối năm (tính theo dương lịch). Nhưng tại sao người ta lại chọn tết cổ truyền (?!). Chính vì cái hồn, cái bản chất của tết cổ truyền, là nét văn hoá tốt đẹp của Việt Nam.

2. Về phần những Việt kiều. Người ta về Việt Nam ăn tết là muốn cảm nhận lại nét gì đó riêng của quê hương, một niềm vui gần gũi như bắt gặp lại cái gì đó thân quen. Nếu theo tết dương lịch, thì thôi họ ở hải ngoại luôn cho rồi, về Việt Nam cũng vậy thôi.

3. Anh có nói Tết cổ truyền ở ta là giống bên Trung Quốc. Đúng. Nhưng xin anh xét lại quan niệm về văn hoá một chút. Văn hoá là gì? Theo thiển ý của tôi văn hoá là cái gì đó đã tồn tại một thời gian dài, đã thành nếp sống của mỗi người dân. Nếu xét về nguồn gốc thì chắc chỉ có đất nước phát minh ra lịch (dương) mới được phép ăn tết tây.

4. Còn về ngày âm lịch, chừng nào Việt Nam còn phát hành lịch âm thì sẽ không ai quên đâu. Có lẽ anh ở thành phố, quen dùng dương lịch. Chứ ở quê tôi (Tiền Giang) hay các vùng quê khác rất ít người dùng dương lịch.
Thiết nghĩ chỉ vì những suy nghĩ "Tây hoá" mà vứt bỏ một truyền thống & văn hoá tốt đẹp của dân tộc thì thật đáng tiếc (đặc biệt khi cái nhận được lại quá bé nhỏ với cái giá phải trả). Lúc đó Việt Nam sẽ mất đi một phần mà người nước ngoài dùng làm tiêu chuẩn để nhận ra Việt Nam.

Vài lời cùng anh và giáo sư.
Trân trọng

Nguyễn Thanh Hiệp

* Bỏ Tết nguyên đán như bỏ luôn dân tộc Việt

Sau khi đọc qua những bài viết trên trang web của Thanhnien Online, những suy nghĩ  về chuyện bỏ Tết âm lịch mà theo Tết dương lịch, bản thân tôi và rất nhiều bạn của tôi, chúng tôi đều đang sống tại Toronto, đã sống xa quê hương rất nhiều năm rồi, nhưng mỗi khi đến những ngày Tết âm lịch của mình, ở ngoài đường phố, tiệm bán hàng của người Á đông điều nhộn nhịp, tổ chức ca nhạc, hội chợ Tết, bà con đến tham dự rất đông, đó không chỉ là ngày vui của bà con ta ở đây, mà đó là một điều chứng tỏ cho người dân bản xứ hiểu biết được sức mạnh của cộng đồng người Việt chúng ta ở đây, mọi người bạn Tây phương làm việc chung với tôi trong công ty cũng không quên đến chúc Tết cho mọi người Việt Nam mình, thậm chí ông giám đốc còn cho người Việt mình được nghỉ ngày Tết (mùng một) để đi chùa, đi chúc Tết với người thân.

Tuy là tôi sống ở Tây phương, làm kỹ sư trong ngành xe hơi của một công ty Mỹ, tôi rất hãnh diện là tôi sử dụng đôi đũa để ăn cơm, cũng như tôi hãnh diện về truyền thống dân tộc của mình, không chỉ như thế, mà còn dạy cho thế hệ sau này của tôi, cả ngôn ngữ tiếng Việt, và dáng đẹp "áo dài" của phụ nữ Việt Nam, vì Việt kiều chúng takhông có quên dân tộc và quê nhà của mình, và có thể nói câu "tôi là người Việt Nam". Người mà muốn hủy bỏ Tết truyền thống của mình theo lễ Tây phương, họ có ý đó thì họ hiểu rõ hơn ai hết.

Tuan M

* Về những "bất lợi" của việc ăn tết cổ truyền. Tôi không nghĩ một người như giáo sư Võ Tòng Xuân lại có thể có những ý kiến thiếu suy xét đến như vậy. Tôi xin bàn đến 5 "bất lợi" của việc ăn tết cổ truyền giáo sư đã đưa ra:

1- Mất cơ hội nắm bắt ngay thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài. Trong khi chúng ta nghỉ quốc khánh, nghỉ 30/4, thế giới vẫn làm việc, với lý do trên có lẽ ta nên bỏ chế độ nghỉ những lễ này để khỏi mất cơ hội giao thương!

2- Mất thời giờ của nông dân lo chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm. Vấn đề này xin dành cho nông dân có câu trả lời. Không lẽ cả ngàn năm nay người nông dân đành chịu thiệt hại mà không biết?

3- Gượng ép thời khóa biểu học tập và thi học kỳ của sinh viên học sinh, làm cho họ mất cả 2 tuần lễ học hành. Xin hỏi rằng ở các nước châu u, dịp Noel và năm mới học sinh được nghỉ 2 tuần, dịp lễ phục sinh học sinh cũng được nghỉ 2 tuần, vậy không lẽ học sinh các nước phương Tây mất nhiều thời gian học hành hơn học sinh ta?

4- Dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng. Nếu e rằng nghỉ lâu sinh nhậu nhẹt, bài bạc, liệu thay nghỉ tết Ta bằng tết Tây có khác gì?

5- Lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ Tết Tây. Tôi hiện đang học tại một nước châu u và ở chỗ tôi lễ Noel công chức chỉ được nghỉ 3 ngày, tết Tây thêm 1 ngày. Sở dĩ chúng ta thường thấy họ nghỉ dài như vậy là họ kết hợp nghỉ phép. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các công sở đóng cửa hoàn toàn.

Mộ điều nữa, vào dịp lễ Phục sinh, các nước phương Tây cũng nghỉ làm việc, vậy nếu sợ "lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ tết Tây" không lẽ ta cũng nên nghỉ Phục sinh?

Ngoài ra, Noel là một ngày lễ có tính chất tôn giáo, nước ta số người theo Cơ Đốc giáo không nhiều, nếu chuyển sang nghỉ Noel những tín đồ Phật giáo sẽ có ý kiến như thế nào đối với ngày Phật Đản?

Châu u đã trở thành châu u không biên giới, châu u với đồng tiền chung Euro, thế nhưng ngay trong việc nghỉ lễ từng nước vẫn có những ngày nghỉ rất riêng của mình, dù về tôn giáo, về văn hóa, giữa các nước châu u có nhiều điểm tương đồng hơn nhiều so với giữa châu u đối tác làm ăn của Việt Nam ta và Việt Nam ta. Đơn cử như năm nay: lễ Phục Sinh Đan Mạch và Na Uy sẽ được nghỉ 5 ngày (tính cả ngày thứ bảy và chủ nhật), từ 24-28/3, thế nhưng đa số các nước châu u khác lại được nghỉ chỉ 3 ngày (tính cả 2 ngày thứ bảy và chủ nhật) từ 26-28. Có lẽ Đan Mạch, Na Uy cũng... cần xem lại xem họ có lãng phí ngày nghỉ trong khi cả châu u đang làm việc không?

DQP

* Không nên bỏ tết cổ truyền. Tôi làm việc trong lĩnh vực vận tải quốc tế nên cũng biết được cảnh nghỉ lễ của các khu vực trên thế giới và nhận thấy ta nghỉ tết ta chẳng ảnh hưởng gì vì chỉ có 4 ngày thôi mà - Cớ sao lại bỏ.

Giáo Sư Võ Tòng Xuân nói nên theo Nhật nhưng ông chưa tổng kết thử xem Nhật có bao ngày nghĩ lễ - có thể nói hơi bị nhiều. Trung quốc còn nhiều ngày nghỉ hơn chúng ta nhiều (lễ quốc khánh+ lễ trung thu của họ rất dài - có thể nói nghỉ tới hàng tuần), tết âm lịch cũng 3 ngày; Hàn Quốc cũng nghỉ tới 3 ngày tết nguyên đán và Trung thu cũng nghỉ và cũng tập trung con cái về với gia đình - Có ai nói mất cơ hội làm ăn đâu.

Châu u cũng vậy, họ chuẩn bị trước mọi thứ và cả tuần cuối tháng 12, những ngày đầu tháng 1 thì xin thưa là thị trường im bặt luôn với kiểu nghỉ của họ là nghỉ luôn, miễn liên lạc suốt thời gian nghỉ chứ không phải chỉ nghỉ ngày noel và tết dương lịch như lịch qui định!

Dân Hồi giáo nghỉ ngày thứ 5, thứ 6; châu u và chúng ta nghỉ thứ 7, Chủ Nhật như vậy chỉ còn 3 ngày trong tuần để làm việc với nhau nhưng có ai nói họ không làm ăn được với nhau đâu.

Dân Mỹ La Tinh thì lễ hội rất nhiều, thu hút hầu hết dân chúng ca múa, nhảy nhót suối ngày đêm.

Vậy chúng ta đã có khá ít ngày nghĩ lễ, lại là truyền thống văn hoá tốt đẹp lâu đời thì tại sao lại phải bỏ. Đấy là chưa nói đến mùa tết còn là mùa mùa làm ăn của nhiều người, trong đó có cả nông dân. Phàm đã là dân kinh doanh quốc tế (hay nội địa cũng thế) thì người ta phải biết xắp xếp công việc của mình mà.

Chỉ xin có mấy ý kiến vậy thôi. Xin cảm ơn báo Thanh niên đã cho cơ hội bày tỏ.

TVT

* Xin đừng bỏ Tết nguyên đán. Thật là tức cười khi có ai đó đòi mang chút kiến thức nửa vời của mình để đòi thay thế tập quán tốt đẹp ngàn đời của cả một dân tộc. Tôi nghĩ ông Võ Tòng Xuân hay ai đó nên cẩn thận với ý kiến của mình. Nếu ông muốn, xin ông cứ việc mạnh dạn áp dụng ý kiến của mình cho bản thân ông và gia đình của ông, và mong ông từ nay đừng đón Tết Nguyên đán nữa. Xin hãy để cho mọi người khác được yên. Còn nếu ông tính thuyết phục người khác thì xin ông ngừng ngay cho, bởi lẽ cái gọi là ý kiến của ông e rằng chỉ tạo ra một lớp người lai căng, tự chối bỏ quá khứ trên chính quê hương mình để chạy theo thứ văn minh rởm mà quên đi tình tự dân tộc. Tôi xin ngừng ở đây vì không thấy chút hứng thú gì khi phải đối đáp với ý kiến ... đòi xóa bỏ Tết Nguyên Ðán của dân tộc Việt. Kính chào trân trọng.

Nguyen Toan

* Góp ý cho bài "bỏ hay không bỏ ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam".  Mỗi dân tộc có 1 bản sắc riêng, không ai có thể phủ nhận điều này. Và tôi luôn tự hào mình là 1 người Việt nam, có sắc thái dân tộc riêng, có 1 bề dày lịch sư riêng, không như nhiều dân tộc khác (ngay cả nước Mỹ cũng còn thua Việt Nam về điều này). Hàng ngày khẩu hiệu "hoà nhập chứ không hoà tan" vẫn vang lên ở mọi nơi. Và Tết cổ truyền âm lịch là 1 trong những sự kiện minh chứng cho bản sắc dân tộc và cái sự hội nhập ấy 1 cách rõ ràng nhất. Bản thân tôi là 1 du học sinh ở nước ngoài, đã lâu không được ăn Tết ở Việt Nam nhưng trong lòng vẫn luôn nhớ về quê hương và đặc biệt là dịp Tết âm lịch hàng năm. Tôi vẫn luôn nhớ cái cảm giác đi mua sắm vào những dịp gần Tết, phố phường vẫn đông vui nhưng bầu không khí thì khác hẳn vì mọi người ai ai cũng mong 1 năm mới tốt đẹp hơn. Điều này thì chỉ có ở Tết âm lịch chứ Tết Dương lịch không bao giờ có được. Ngay cả Tết Dương lịch ở nước ngoài cũng không phải ngày quan trọng đặc biệt nhất trong năm mà Giáng sinh (Noel) mới là quan trọng nhất. Theo quan điểm của giáo sư thì có lẽ chúng ta nên theo đạo hết thì như thế mới giống người phương Tây. Và tôi cũng xin nói 1 cách chắc chắn rằng, nếu giáo sư hỏi bất kỳ 1 người Việt nam nào ở xa Tổ quốc điều gì khiến họ nhớ nhất thì tôi xin khẳng định 100% rằng họ sẽ trả lời là ngày Tết âm lịch với bánh chưng, những ngày sum họp cùng gia đình, đi chơi với bạn bè lúc giao thừa... Vậy thì tại sao chúng ta phải bỏ đi 1 ngày lễ mang tính tinh thần lớn như thế?

Và 1 điều nực cười nữa là khi nói đến vấn đề lợi ích kinh tế, tại sao giáo sư không mang Trung Quốc ra làm 1 ví dụ điển hình. Họ cũng ăn Tết âm lịch như chúng ta, thậm chí có khi còn lâu hơn nhưng nền kinh tế nước họ vẫn phát triển có thể nói là vào loại nhanh nhất trong lịch sử nhân loại những năm gần đây. Thậm chí ở Trung Quốc, người dân còn được nghỉ ngày Quốc Khánh 1 tuần, theo như ý kiến của giáo sư, chắc điều này sẽ làm nền kinh tế của Trung Quốc tụt hậu nữa!

Thật ngạc nhiên là hàng ngày chúng ta vẫn nói về thế hệ trẻ bây giờ với 1 quan niệm rằng họ là những người đang làm cho nền văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc như Việt Nam mai một dần, nhưng theo tôi điều đấy hoàn toàn không đúng. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua ý tưởng "táo bạo" thật nực cười (có thể mang ra làm chuyện tiếu lâm được) của một người mang học hàm giáo sư! Thật đáng buồn.

Đan Thành

* Tết cổ truyền là lễ và hội. Dù nước Việt nam sẽ trở nên cường thịnh hay vẫn nghèo khó thì tết cổ truyền là một trong những nét văn hóa lớn mang đậm màu sắc dân tộc, luôn khiến cho người dân đất Việt dù ở trong nước hay đang bôn ba nước ngoài cũng luôn hướng về cội nguồn của mình trong những ngày tết cổ truyền. Đó là lòng yêu quê hương, yêu thương kính trọng gia đình và nhớ về cội rễ của mỗi người vì thế tết cổ truyền là một dịp để chúng ta, những người con Việt chứng tỏ lòng yêu quê hương. Không phải ngẫu nhiên mà hàng vạn Việt kiều từ khắp mọi nơi trên thế giới đã mong được trở về để hưởng một cái tết cổ truyền, vì trong lòng họ cũng như bao người dân Việt Nam đều có lòng yêu quê hương, nhớ về một mái ấm gia đình từ thuở hàn vi. Vì thế nếu nói bỏ tết cổ truyền có nghĩa chúng ta đã phá bỏ một truyền thống yêu quê hương, yêu mến đất nước của dân tộc mình. Xin lỗi ông Giáo sư Võ tòng Xuân, ông có lòng tưởng nhớ về quê cha đất tổ ngày nào ông đã trưởng thành? Xin nhắc cho ông nhớ rằng chúng ta hội nhập chứ chung ta không "hòa tan" để nhập vào thị trường thế giới.

Ngoc Thanh


* Nên chuyển thời gian đón Tết cổ truyền vào đầu năm dương lịch. Theo tôi, việc chuyển thời gian đón tết cổ truyền vào đầu năm dương lịch là một việc làm hoàn toàn hợp lý và có nhiều cái lợi như giáo sư Võ Tòng Xuân đã phân tích. Trước đây vài chục năm, nhà nước ta cũng đã đặt ta vấn đề này, song không thực hiện được vì nhiều lí do. Ví như chuyện bỏ đốt pháo chẳng hạn. Trước đây ai cũng nghĩ là nếu không có tiếng pháo nổ, thì đâu có ra tết cổ truyền. Vậy mà khi bỏ rồi, thì tết vẫn vui đấy chứ có buồn đâu. Truyền thống hay không là ở cách chúng ta đón tết như thế nào thôi. Vẫn bảo tồn được truyền thống, mà lại phù hợp với qui luật của hội nhập quốc tế, thì nên làm lắm thay!

Trần Binh Trọng


* Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến bỏ Tết cổ truyền để chạy theo Tết Tây. Tôi nghĩ rằng các tác giả không hề có nhận thức gì về việc Tết ở xứ Tây ra sao. Là người đã sống ở nước ngoài nhiều năm tôi đã quá chán ngán không khí buồn tẻ của Tết Tây. Điều đó không chỉ tới từ đầu óc tổ chức Tết nghèo nàn của người phương Tây mà sâu xa hơn tới từ chính lối sống của chính họ: chỉ biết có mình, chứ chẳng cần thiết gì tới gia đình. Nay một số người chỉ có một kiến thức thiển cận về lối sống xứ người mà cũng đòi học theo người ta, đó mới là đáng buồn cười. Hơn nữa nếu nói Tết Ta giống như Tết Tàu thì thêm một lần nữa lại lòi ra trình độ tri thức nửa vời. Há các học giả này lại không biết rằng lịch Ta là do dân Việt tạo ra từ thời vua Hùng, đến đời nhà Chu mới du nhập vào Tàu trên mu rùa? Tàu chép của ta rồi tự nhận là của họ, như ta đây là con dân đất Việt còn chưa có dịp đòi lại "bản quyền" thì chớ lại cúc cung tận tụy dâng lên bằng sáng chế? Nếu các học giả này chưa biết thì cũng không đáng trách, nhưng nếu đã biết mà vẫn làm thì ta nên đặt một dấu chấm hỏi lớn phải chăng tác giả cố tình làm mai một đi bản sắc người Việt? Đó há chẳng là đáng hổ thẹn ư?

Huy Nguyen

* Có nên bỏ Tết Cổ Truyền ở Việt Nam? Tôi đã đọc bài khai bút của Giáo Sư nhân dịp đầu xuân và tôi hoàn toàn bất ngờ vì những ý kiến được gọi là táo bạo của Giáo sư. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn phản đối những lập luận mà GS đưa ra. Chúng ta hội nhập không có nghĩa là chúng ta bỏ đi những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp mà ông cha ta từ ngàn xưa để lại. Còn nhớ chỉ cách đây vài ngày, khi mà không khí Tết Ất Dậu đang lan tỏa trên quê hương Việt Nam, tôi đã bồi hồi, xúc động xen lẫn những tiếc nuối khi mình không có may mắn được đón Tết ở Việt Nam. Trong thâm tâm tôi và cũng của tất cả những người Việt xa xứ, Tết là cái gì đó rất thiêng liêng và rất đáng tự hào. Tôi đã từng say sưa kể về Tết cho các bạn Pháp, nơi tôi đang công tác với lòng tự hào pha lẫn những xúc động. Tôi kể ra câu chuyện này vì muốn nhấn mạnh rằng Tết, trong thâm tâm những người Việt có giá trị sâu sắc, thiêng liêng và không gì có thể thay thế được.

Nguyen Hong Nhung

* Tôi là một cán bộ nghiên cứu hiện đang công tác tại một cơ quan nghiên cứu khoa học khá quan tâm đến những truyền thống cổ truyền của dân tộc. Nhân đọc các ý kiến đóng góp về chuyện bỏ hay không việc ăn Tết cổ truyền dân tộc, tôi xin mạn phép đóng góp một vài ý kiến nho nhỏ.

Kính thưa quý vị, từ xưa đến nay, nhu cầu về văn hóa, tôn giáo của con người hầu hết là do đời sống của chính bản thân con người mà ra. Ví dụ, chúng ta đều biết các vị thần ra đời là do óc tưởng tượng của con người mà ra. Các nhân vật, hay nói rộng hơn là các biểu tượng đó chính là những cái mà con người chúng ta cho rằng ngoài tầm hiểu biết, không thể giải thích bằng các tri thức hiện tại. Một người tin, dẫn đến nhiều người tin, và như vậy, các sản phẩm của trí tưởng tượng của con người ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.

Nói vào vấn đề chính, đó là Tết. Xin thưa, biện pháp bỏ ăn Tết âm lịch có lẽ chúng ta đều thừa nhận có những hiệu quả nhất định, đồng thời cũng sẽ dẫn đến các hậu quả. Hậu quả là con cháu sau này sẽ chẳng thể hiểu nổi Tết là gì theo đúng nghĩa của nó,... vân vân và vân vân, chắc các quý vị hẳn cũng hiểu!

Đợt Tết âm lịch vừa rồi, theo tôi biết có rất nhiều nhân viên các doanh nghiệp làm ăn với các công ty nước ngoài vẫn phải làm việc. Tôi thấy rằng họ vẫn đáp ứng được hợp đồng và nói chung dù có ảnh hưởng nhưng hiệu suất công việc vẫn được đặt lên hàng đầu. Nhưng có phải lúc nào chúng ta cũng có việc để làm trong dịp Tết âm lịch đâu? Vấn đề cơ bản nhất của chúng ta hiện tại đó là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,... tựu chung lại cũng là vì dân tộc Việt Nam, vì toàn thể nhân dân Việt Nam. Để làm được điều đó, theo tôi không chỉ là bỏ Tết âm lịch, mà phải là các biện pháp tổng thể có tác động kích thích sự sáng tạo, tạo ra các giá trị mới cho xã hội chứ không phải là các biện pháp cực đoan nhằm giải quyết các vấn đề không mang tính bản chất.

Bây giờ giả sử chúng ta thi hành các biện pháp để bỏ ăn Tết âm lịch. Vậy xin hỏi có bao nhiêu phần trăm dân chúng sẽ ủng hộ? Trong số 80 triệu đồng bào Việt Nam, sẽ có khoảng bao nhiêu triệu người ủng hộ điều này. Xin phép giáo sư Võ Tòng Xuân vì đã mạo muội mấy điều như trên, nhưng tôi tin rằng tất cả các lễ hội, các truyền thống đang tồn tại có thể sẽ mai một theo thời gian, nhưng hãy để nó tự nhiên vì chính những người dân Việt Nam chúng ta còn cần đến nó!

Trần Đức Minh

* Tôi là một trong những người thuộc thế hệ 8X (sinh năm 1980) và như vậy tôi nghĩ rằng mình đủ khả năng nhận biết thế nào là là văn hóa và thế nào là cổ hủ và lạc hậu. Một cái tết Việt Nam đậm đà bản sắc dành cho người Việt không chỉ ở trong nước mà dành cho cả cộng đồng người Việt ở các nước trên thế giới (trong đó có rất nhiều nước được coi là văn minh hơn nước ta nhiều chứ) đã và đang được các cơ quan thông tin không chỉ trong nước mà cả quốc tế quan tâm đã đủ để nói lên phần nào giá trị của Tết Nguyên đán. Cũng như tôi, chắc chẳng có mấy ai có thể quên được những câu như "mùng 1 thì ở nhà cha, mùng 2 nhà mẹ, mùng 3 nhà thầy", hay là những "thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh crưng xanh...". Tôi cũng đã có dịp tiếp xúc với bạn bè quốc tế trong dịp Tết nguyên đán và đều được nghe những nhận xét đầy thiện cảm về nền văn hoá Việt. Tôi cũng đã được xem những thông tin về Tết Việt trên những hãng tin lớn toàn cầu. Người nước ngoài còn quan tâm đến một cái tết có giá trị văn hoá tinh thần của chúng ta đến vậy, trong khi người Việt lại có ý định bỏ nó đi. Vậy là cớ làm sao?

Tôi không dám nói những ý kiến bất đồng quan điểm với tôi là thiển cận, tuy nhiên tôi thấy trong quan điểm của giáo sư Võ Tòng Xuân có một vài điểm không hợp lý:

1. Ngày tết là quãng thời gian nghỉ ngơi, xum họp thăm thân của người dân Việt. Quãng thời gian như vậy không hẳn đã quá dài. Thiệt hại về kinh tế có thể có (và tôi thấy chẳng có nước nào trên thế giới mà không có tết), bù lại cái được về tinh thần lại rất lớn. Thử nghĩ xem, hàng ngày người ta đã túi bụi với những cơm áo gạo tiền, hoặc có khi quên đi cả chút thời gian để mà gặp gỡ, thăm hỏi người thân. Công việc đã cuốn lấy người ta trong suốt một năm bận rộn, để một vài ngày xốc lại tinh thần đã căng thẳng có khi rệu rã trong vài ngày tết há chẳng phải là việc nên làm. Thiết nghĩ, khi người ta thoải mái thì chất lượng công việc sẽ tốt hơn nhiều so với khi làm việc căng thẳng kể cả chân tay và trí óc.

2. Việc học hành của con trẻ từ lâu đã là mối quan tâm của toàn xã hội, người ta đang kêu ca về gánh nặng của cái sự học nó đang đè nặng lên những "người lớn có độ tuổi trẻ con". Người ta cũng đang nghiên cứu giảm thiểu sức nặng của việc nhồi nhét kiến thức vào đầu con trẻ. Đó là việc nên làm. Nghỉ tết cũng là quãng thời gian đám trẻ mặc sức vui đùa để rồi sau đó tiếp tục hành trình tiếp cận tri thức. Nghỉ vài ngày tết há phải là mất thời gian quá hay sao?

3. Chơi bời, nhậu nhẹt, la cà đàn đúm trong dịp tết thiết nghĩ không phải là bản chất của dân ta. Những việc trái pháp luật thì đã có sự can thiệp của các cơ quan chức năng. Đối với những người cần cù chịu khó thì tết lại là cơ hội làm ăn rất tốt. Tiêu tiền không phải là tội nếu được tiêu hợp lý và đúng mục đích mà thực chất việc không để đồng tiền lưu thông trên thị trường mới là điều đáng lên án. Đồng tiền không lưu thông đồng nghĩa với một nền kinh tế không phát triển.

Mai Tâm Hiếu

* Tết là nét truyền thống nên được bảo tồn. Đọc bài viết của GS. Võ Tòng Xuân và những bạn đọc ủng hộ tôi có cảm giác các bạn không hiểu sâu sắc ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta.

Trong 3 ngày Tết, ý nghĩa thiêng liêng nhất là thờ cúng tổ tiên cho môt năm mới vừa qua, một năm mới sắp đến, đó là nhớ về tổ tiên, nhớ về cội nguồn... Bên cạnh đó, ngày Tết cũng là dịp cho mọi người nghỉ thư giãn từ người lao động, đến các em học sinh nghỉ cuối kỳ (ở ta nghỉ còn ít đấy, như ở một số nước người ta nghỉ đông hàng tháng trời). Ngoài ra, nét độc đáo của ngày Tết là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, nhiều du khách nước ngoài rất thú vị với phong tục cổ truyền này. Sinh viên học sinh xa xứ như chúng tôi cũng vô cùng hãnh diện về truyền thống của dân tộc mình, với ngày Tết thiêng liêng của dân tộc.

Còn nếu nói nghỉ mấy ngày Tết ảnh hưởng đến năng suất lao động, công việc,... thì hoàn toàn sai. Con người bao giờ cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, để tái tạo sức lao động dù là lao động trí óc hay lao động chân tay. Điểm qua các cuộc cách mạng khoa học và lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân mới thấy được thành quả đấu tranh để người lao động được đáp ứng đầy đủ ngày càng nhiều quyền lợi xác đáng quả không phải dễ dàng gì. Phải chăng nếu làm như đúng ý kiến GS nói, hoá chẳng phải đạp đổ hết thành quả đấu tranh, người lao động được quyền lợi chăm lo về vật chất và tinh thần, hay sao? Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, lao động ở các cơ quan Nhà nước ở Việt Nam năng suất còn chưa cao, trì trệ... Cái này không thể đổ tại mấy ngày Tết được, mà cũng không thể giải quyết bằng việc bỏ mấy ngày Tết để cải thiện vấn đề này.

Còn bàn về chuyện lãng phí hay không trong mấy ngày Tết, cái đấy tùy thuộc vào mỗi người mỗi nhà. Nhưng đại đa phần người dân Việt Nam vẫn hưởng cái Tết theo đúng túi tiền họ có, đâu có gượng ép, bê tha... Còn ai có tính bê tha, nhậu nhẹt thì đâu cần phải đến Tết họ mới thế. Bỏ mấy ngày Tết liệu có giải quyết vấn đề này được không?

Vài lời góp ý nho nhỏ, có gì sai xót xin độc giả chỉ giáo. Xin cảm ơn!

Anh Quan

* Việt Nam hòa nhập nhưng không hòa tan! Là một lưu học sinh xa xứ đã 5 năm, tôi mới thấm thía hai chữ Quê Hương, trân trọng hai chữ Bản Sắc. Mặc dù tuổi đời còn non trẻ, kiến thức chẳng thể bằng một phần của vị giáo sư kia, nhưng tôi thấy mình luôn tự hào là người Việt Nam, tự hào kể cho bạn bè các nước khác nghe về Tết cổ truyền, về ngày xum họp gia đình, về cái tâm linh mỗi người con nước Việt hướng về cội nguồn mỗi khi Tết đến. Chắc hẳn nhiều bạn lưu học sinh khác cũng sẽ đồng ý với tôi rằng khi được hỏi về điều mà bạn tự hào nhất về đất nước, chúng tôi chẳng ai lại bảo rằng tôi tự hào vì nước tôi có mấy cái cao ốc hay hiện đại hóa thế nào, mà, những gì chúng tôi tự hào, chính là cái truyền thống văn hoá Việt Nam, trong đó, Tết cổ truyền là một sự kiện mang đậm màu sắc văn hóa.

Tôi thật không khỏi bất ngờ khi đọc được những đề nghị của vị giáo sư khả kính kia. Có lẽ tôi hiểu những trăn trở của ông, nhưng việc đề nghị bỏ Tết cổ truyền vì những trăn trở ấy thì quả là không thể chấp nhận được. Những bất cập, lãng phí ngày Tết có thể có những cách khác để sửa chữa, chứ chúng ta không thể vì thế mà xóa bỏ truyền thồng bấy lâu của dân tộc mình. Có lẽ không ai lại không từng nghe câu "chúng ta hòa nhập, chứ không hòa tan"! Bản sắc văn hóa là một di sản quí báu được gìn giữ qua biết bao đời, thế mà vị giáo sư kia lại có thể đề nghị xóa bỏ cái bản sắc văn hóa để còn kịp hội nhập. Tôi e rằng là suy nghĩ của ngài đang bị "hòa tan"!

Ở đây tôi xin không bàn về khía cạnh kinh tế vì ngài tiến sĩ Nguyễn Quốc Trung đã phân tích quá đầy đủ. Tôi chỉ xin nêu chút ý kiến riêng về quan niệm "toàn cầu hóa" của ngài giáo sư.Tôi thật không đồng tình với việc ngài lấy ví dụ người xưa đã dám "mạnh dạn" bỏ áo dài khăn đống để thay bằng comple cà vạt. Xin thưa, chính vì cái mạnh dạn đó mà Việt Nam chỉ có Quốc phục cho phụ nữ chứ chẳng có Quốc phục cho nam giới ạ. Cái lễ phục mà ngài cho rằng chúng ta đã mạnh dạn thay đổi chỉ là thứ đồ vay mượn của nước ngoài. Như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc là các nước cực kì phát triển mà họ còn chưa đủ "mạnh dạn" để bỏ quách cái Quốc phục truyền thống để thay bằng lễ phục châu u và tự hào rằng "chúng ta đang đổi mới!". Thế mà chúng ta lại vô cùng hãnh diện về điều đó thì quả là chẳng nước nào bằng Việt Nam. Cám ơn tổ tiên chúng ta đã chưa đủ "mạnh dạn" để thay cả chiếc áo dài Việt Nam thành xoa-rê hay đầm dạ hội!

Là những trí thức với tâm huyết xây dựng Việt Nam giàu đẹp, thiết nghĩ chúng ta cần nghĩ ra những phương pháp hữu hiệu để cải tiến giáo dục, đẩy mạnh kinh tế, mở rộng quan hệ, nhưng phải giữ vững bản sắc văn hóa của mình cho đúng với đường lối "hòa nhập nhưng không hòa tan".

Quỳnh Hương

TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.