Người dân nghèo sẽ không thể chịu được...

22/10/2005 22:49 GMT+7

Ngày 22/10, trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến một lần nữa đề cập đến vấn đề tăng viện phí với lập luận rằng, việc tăng viện phí sẽ để nhằm bù đắp các chi phí cho việc khám, chữa bệnh hiện nay, có điều kiện mua thuốc, chăm sóc tốt hơn cho người bệnh, không để người mua bảo hiểm y tế thiệt thòi...

Tuy nhiên, cũng có trên 30 triệu người sẽ chịu tác động của việc tăng viện phí. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trình Chính phủ đề án tăng học phí... Tại phiên họp QH ngày hôm qua, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng khi đề cập đến vấn đề này với PV Thanh Niên trong giờ giải lao.

ĐB Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên): "Sẽ có nhiều học sinh, sinh viên phải bỏ học nửa chừng..."

Năm nay và năm sau, ngân sách bố trí cho hai ngành giáo dục và đào tạo là khá cao. Chi thường xuyên cho hai ngành này đều cao hơn so với năm trước, đều trên 30% cả. Cho nên, tăng học phí, viện phí cần phải có lộ trình chứ không nên tăng đột biến ngay trong năm 2006 như trong dự thảo đề án. Xã hội hóa nhiều năm nay rồi nhưng bập vào một cái đã nói là phải đảm bảo bù đắp các chi phí  như bảo tăng ngay từ 180 ngàn đồng lên 900 ngàn đồng thì không thể thực hiện được, mà người dân người ta cũng không chịu được điều đó, có thể dẫn đến hậu quả là ở nhiều vùng nông thôn, người nghèo không có tiền cho con đi học hoặc nhiều em học sinh, sinh viên đang đi học nhưng không còn đủ điều kiện theo học phải bỏ học nửa chừng vì học phí tự dưng tăng lên cao quá. Phải có lộ trình từ nay đến năm 2010, tăng đến mức độ nào và nên công khai ra, không nên úp mở gì nữa.

ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang): "QH cần  bày tỏ thái độ về vấn đề này. Nếu bỏ phiếu, tôi sẽ bỏ phiếu chống"

Tôi thấy nhiều nước họ đều có xu hướng miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên. Nhưng ở  ta cứ thấy tăng lên mãi. Ở các địa phương hiện nay người ta kêu lắm. Tôi đã hỏi nhiều cháu sinh viên học đại học rồi, nếu tăng học phí lên nữa thì các cháu không chịu nổi. Tôi thấy nhiều nơi nhiều trường có đến 20 khoản thu "nóng". Tăng học phí thì chắc chắn ở các vùng sâu, vùng xa học sinh bỏ học. Viện phí tăng cao thì ở các bệnh viện, người dân nghèo càng khó khăn trong việc đến khám chữa bệnh. Giá cả nhiều loại vật tư, hàng hóa thì liên tục tăng và nông dân, người nghèo là những người chịu thiệt thòi nhất. QH phải tỏ thái độ về vấn đề này. Nếu bỏ phiếu về việc này, tôi bỏ phiếu chống, tôi không đồng tình với việc tăng các loại viện phí và học phí.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): "Sẽ là gánh nặng cho phụ huynh, người bệnh”

Khi Chính phủ đưa ra đề án tăng học phí và viện phí thì tôi nghĩ là phải nên cân nhắc. Hiện nay xăng dầu đã tăng giá rồi, và sắp tới theo thông tin tôi được biết thì còn có nhiều lĩnh vực khác cũng có chủ trương tăng giá như điện, than, xi măng... Như vậy trong năm 2006, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều mặt hàng, sản phẩm có nguy cơ tăng giá... sẽ là một áp lực, tôi nghĩ là rất lớn đối với người dân. Trong khi đó Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có  chủ trương tăng viện phí, học phí. Mà hai lĩnh vực này lẽ ra Chính phủ cần phải ưu tiên đảm bảo các phúc lợi xã hội cho nhân dân. Còn nếu cứ tăng học phí, viện phí sẽ trở thành một gánh nặng lớn cho phụ huynh học sinh và người bệnh. Thực tế là trong 2 năm qua, người dân đã phải bỏ ra khá nhiều tiền cho y tế và giáo dục và đã kêu lắm rồi.

Mạnh Quân
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.