Đừng để người làm giàu chính đáng phải lo!

15/12/2005 10:11 GMT+7

Tại Hội nghị địa chính toàn quốc vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn phát biểu: "Đất đai đang là vấn đề phức tạp nhất, chiếm 60% tổng số đơn thư khiếu nại. Phát sinh các "điểm nóng" chủ yếu vẫn là vấn đề đất đai, phần lớn cán bộ bị kỷ luật cũng do vấn đề đất đai…".

Theo ông Bùi Xuân Sơn - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính thì sau khi có Luật Đất đai 1993, Trung ương đã ban hành hơn 70 văn bản; các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ban hành hơn 400 văn bản về giá đất, giao đất, giải quyết tranh chấp đất đai. Nhưng cũng theo ông thì: “Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của cơ chế kinh tế thị trường đã bộc lộ mặt hạn chế bất cập và nhiều vấn đề mới nảy sinh, các quy định về pháp luật, đất đai hiện hành không đủ cơ sở để quản lý và phát huy hết tiềm năng đất đai”.

Đề cập đến ý nghĩa quan trọng của việc thi hành Luật Đất đai, Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn nói rằng: "Ngày xưa đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý, nhưng lại không có chủ cụ thể, nên đất đai không giá trị gì. Từ năm 1993 trở lại đây, đất đai trở thành có giá, chúng ta đã tiền tệ hóa đất đai. Đó là cái mới về tư duy".

Thiết nghĩ đất đai trở nên có giá là một thành công trong việc đổi mới các chính sách của Việt Nam. Còn nhớ trước đây, những vùng đồng bằng cò bay thẳng cánh đầy phù sa cũng bị bỏ hoang. Nay những vùng đất trống đồi trọc, những vùng bị sa mạc hóa ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng được người dân và các thành phần kinh tế biến thành nơi chăn nuôi trồng trọt, cũng trở thành môi trường để làm giàu. Tấc đất, tấc vàng.

Những thành tựu ấy đã rõ. Nông sản các loại từ gạo, cao su, đến trái cây đều không thiếu để xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Có nhiều mặt hàng của ta được xếp hạng cao trong vùng. Bà con nông dân dễ thở hơn trước rất nhiều.

Nhưng cho đến tận hôm nay, vẫn có dư luận đặt câu hỏi và Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn phải trả lời, rằng liệu 20 năm nữa có chia lại đất đai hay không: Ông Nguyễn Công Tạn nêu rõ quan điểm của Chính phủ: "Như vậy là nguy to. Nếu đến lúc đó mà có chuyện chia lại đất thì coi như chúng ta thất bại. Phải công nghiệp hóa, mở rộng ngành nghề để giải quyết vấn đề lao động, chứ dân số ngày càng tăng mà cứ bám vào 11 triệu ha đất như hiện nay thì… toi rồi". Ông nói tiếp: "Phải chống việc bần cùng hóa nhân dân nhưng cần khuyến khích tích tụ đất đai để dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tăng cường sản xuất hàng hóa" và ông cho rằng các chính sách của Nhà nước đừng để người dân cảm thấy bất an và đừng để người giàu chính đáng phải lo.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 10/4/1999)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.