Việt Nam có nữ phi công...

20/01/2006 11:23 GMT+7

Trong suy nghĩ của nhiều người, phi công là nghề chỉ dành riêng cho "phái mạnh". Vietnam Airlines đã làm thay đổi cách nghĩ này khi hãng quyết định tuyển phi công là phụ nữ.

Có biết đâu mà mơ!

Không giới hạn số lượng thí sinh trúng tuyển nhưng sau hai đợt tuyển năm 2004 và năm 2005, đến nay Vietnam Airlines mới chọn được 6 học viên nữ cho nghề phi công. Nếu không có bộ đồng phục riêng chắc tôi không thể nhận ra được đâu là những học viên học nghề tiếp viên hàng không, đâu là những "chị phi công" tương lai. Tôi đùa với Nguyễn Thị Thu Hương: "Em giống phi công quá". Cười rất tươi, Hương phân trần: "Chỉ giống thôi chứ chưa phải. Vẫn trang phục cà vạt xanh đen, áo trắng, quần âu xanh đen, nhưng khi nào trên cầu vai áo của em bỏ được chữ FTC (chữ tiếng Anh viết tắt của Trung tâm Đào tạo tiếp viên và người lái - Tổng công ty Hàng không Việt Nam - PV) và thay vì một vạch ngang bằng 2-3 vạch thì lúc đó em mới được là phi công".

Nữ phi công tương lai Phạm Thị Nương cho biết: "Em đến với cuộc thi tuyển phi công rất vô tình. Kế hoạch gia đình đặt ra là sau khi tốt nghiệp đại học Kinh tế, em sẽ tham gia kinh doanh cùng mẹ. Nhưng khi thấy Vietnam Airlines đăng báo tuyển phi công, em gác lại quyết định trên, nộp hồ sơ thi tuyển".

Nữ phi công tương lai Phạm Thị Nương. Ảnh: X.T

Từ nhỏ Nương đã thích đá bóng, tỏ rõ là một cô gái hiếu động. Nương bật mí: "Em thích làm những gì mà con trai họ làm. Em nghĩ những gì con trai làm được thì mình cũng làm được". Trong những năm học cấp 3, rồi đại học Nương đều là cầu thủ bóng chuyền xuất sắc của lớp. Nương nhớ lại: "Em rất thích làm tiếp viên hàng không nên khi thi đại học em có đặt vấn đề với mẹ và mẹ em có hứa nếu đỗ và tốt nghiệp đại học thì mẹ sẽ cho đi thi tuyển làm tiếp viên hàng không, làm một thời gian rồi về xoay sang kinh doanh cũng được".

Làm xong luận án tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nghe con nói đi thi tuyển ở bên hàng không, mẹ Nương chỉ nghĩ con mình thích làm tiếp viên hàng không và giữ lời hứa với con nên bà đồng ý. Tuyển qua vòng một, lấy vé máy bay ra Hà Nội thi tiếp, mẹ Nương vẫn đinh ninh con gái mình đi thi tuyển tiếp viên. Chỉ đến lúc bên hàng không gọi điện về nhà thông báo đỗ thì mẹ Nương mới biết con mình đi... thi tuyển phi công!

Cùng lớp với Nương và Hương còn có hai bạn nữ khác. Sinh năm 1986, là người ít tuổi nhất trong số 6 học viên nữ đang học tập tại Trung tâm Đào tạo tiếp viên và người lái của Vietnam Airlines, Hảo khá hồn nhiên, cái hồn nhiên của cô gái mới  lớn khiến tôi bối rối. Khi nghe tôi hỏi: "Trước đây có khi nào em mơ trở thành phi công không?". Hảo thật thà: "Từ bé đến lớn em chỉ nghe người ta gọi anh phi công chứ có ai gọi chị phi công bao giờ đâu mà dám mơ mình trở thành phi công!". Ba người còn lại đang học ở trung tâm là Hường, Thủy và Phụng cũng đều nghĩ như thế. Biết phi công là một nghề rất đáng hãnh diện nhưng các bạn không bao giờ ước mơ mình sẽ trở thành phi công.

"Càng quay tít em càng thích!"

Sau nhiều tháng học tập ở trung tâm, những bài học và phong cách của một người phi công trong tương lai đã khiến các học viên nữ phải rèn luyện và tự thay đổi. Nương tâm sự: "Lúc đầu mới vào trung tâm còn mang váy, guốc, bây giờ thì bọn em đã thay đổi nhiều. Ngay cả quan niệm về mua sắm quần áo của em cũng không cầu kỳ như trước nữa. Em thấy mình ngày càng giống con trai hơn". Thi tuyển rồi cả trong quá trình học hành cũng như khi chơi thể thao tuyệt nhiên không có sự phân biệt thang điểm giữa học viên nam và học viên nữ. Nương bẽn lẽn: "Chơi bóng rổ bọn em dắt bóng, đập vào mặt các bạn nam là chuyện bình thường".

Trong khoảng thời gian từ 9-12 tháng học tập ở trung tâm, các học viên phải học tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh chuyên ngành hàng không và thể lực. Một tuần có bốn ngày học ngoại ngữ và một ngày học thể lực, ngoài ra tất cả các buổi chiều từ 16h30 đến 18h, các học viên phải chơi thể thao. Đây là yêu cầu bắt buộc. Nghe thì đơn giản nhưng ngay cả phần học thể lực được các học viên coi là môn giải tỏa căng thẳng nhưng thật ra cũng rất cực. Anh Hải - người quản lý học viên của trung tâm cho biết: "Phi công thì phải cần đến sức khỏe là đương nhiên, nhưng cái sức khỏe của người phi công khác xa với sức khỏe của một vận động viên. Người phi công phải thông minh và nhanh nhẹn".

Để rèn luyện thể lực, ngoài các môn thể thao bắt buộc phải học ở các trường đào tạo thể dục thể thao như xà đơn, xà kép, chạy sức bền, bóng chuyền, bóng rổ, các học viên học phi công còn phải rèn luyện trên đu quay, vòng lăn, trụ quay. Có mặt tại buổi rèn luyện thể lực, nhìn những động tác mà các học viên tập tôi có cảm giác họ giống như các nghệ sĩ làm xiếc. Trong bộ trang phục thể thao ôm sát người, Nương chạy đến nằm ngang ra chiếc vòng lăn đặt dưới sân. Sau tiếng hô: “Bắt đầu!” của thầy giáo, Nương hít thở thật sâu, lấy hết sức mạnh của hai cánh tay và hai chân để lắc chiếc vòng. Thầy giáo cho biết: "Khi nào lắc cho chiếc vòng đứng lên được và quay tròn như đồng tiền xu khi ta búng tay vào thì mới đạt yêu cầu". Tập vòng lăn cũng có rất nhiều tư thế: lăn đứng, lăn nghiêng và lăn tròn. Đứng bên ngoài nhìn thấy đã phát hãi, nhưng khi hỏi trong lúc quay tít như vậy em có cảm giác như thế nào thì Nương tỉnh bơ: "Càng quay tít em càng thích. Em phải cố gắng nhiều để quay tít hơn".

Trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh: X.T

Trong các môn tập thể lực, nhắc đến Hảo thì không chỉ có các học viên nữ mà cả những bạn nam cũng phải nể phục. Hảo tập thể thao gần như không biết chán. Tuy Hảo khá cao nhưng so với chiều cao của chiếc tay đòn đu quay, Hảo chẳng thấm tháp gì. Chưa bắt đầu bài tập nhưng nhìn các bạn giúp Hảo thắt sợi dây an toàn vào hai tay và hai chân, tôi cũng mường tượng ra môn tập này nguy hiểm thế nào. Sau động tác ngồi xuống đứng lên trên bàn đạp, chiếc đu quay bắt đầu chuyển động, lăn về phía trước rồi giật lại phía sau. Trên sân tập các bạn của Hảo động viên: "Cố lên, cố lên...". Chiếc đu ngày càng lên cao rồi bỗng dừng khựng lại mấy giây khi nó đạt góc 180 độ, cả lớp vỗ tay rào rào. Thầy giáo hô to: "Ngửa cổ ra, ngồi xuống rồi bật thật nhanh lên". Cuối cùng Hảo cũng lộn được mấy vòng. Anh Hải cho biết: "Đối với phi công những môn tập này vô cùng quan trọng, nó rèn luyện tiền đình và định hướng không gian. Tiền đình và định hướng không gian phải tốt thì lúc bay, máy bay chúc đầu xuống hay dỏng đầu lên người phi công mới xác định được".

Theo kế hoạch, đầu quý I/2006, các học viên sẽ phải thực hiện một đợt sát hạch quan trọng. Nếu vượt qua được, các em sẽ ra nước ngoài đào tạo tiếp với khoảng thời gian 79 tuần, chính thức bước vào nghề phi công. Hy vọng rằng trong một thời gian không xa, khi có dịp đi trên máy bay tôi và các bạn sẽ được nghe thấy lời chào đón: "Cơ trưởng Phạm Thị Nương (hoặc Nguyễn Thị Thu Hương hay...) và phi hành đoàn xin kính chào quý khách" phát ra từ hệ thống phát thanh của máy bay.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.