Vươn ra biển lớn thế nào ?

23/05/2006 01:14 GMT+7

Không phải chỉ đóng tàu to, trang bị máy mạnh là chúng ta đã có "đôi hia bảy dặm" thần kỳ đủ sức chinh phục biển cả. Đúng như trưởng ban chỉ huy PCLB T.Ư Lê Huy Ngọ đã công nhận: "Có thuyền to máy mạnh nhưng nếu chúng ta không trang bị phương tiện thông tin, không nâng cao hiểu biết của chủ phương tiện, của thuyền trưởng thì dù chúng ta có dự báo, cảnh báo cũng vẫn không có kết quả tốt được".

Ông Ngọ cũng nói: "Xưa nay chúng ta có truyền thống về hộ đê chống bão lũ, nhưng là trong hoàn cảnh người liền người, đất liền đất. Còn ở đây, quả thực ở xa như vậy nên...". Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được học để biết nước ta "mặt quay về biển Đông, có 2.500 cây số bờ biển", nhưng dường như với chúng ta, biển cả vẫn là cái gì xa lạ, hung hiểm, bí mật. Biển vẫn đe dọa chúng ta nhiều hơn là chúng ta chinh phục biển. Nghề đi biển của ngư dân Việt Nam có từ lâu đời, nhưng tất cả quy trình đi biển vẫn chỉ là kết quả của những kinh nghiệm được ngư dân tích lũy nhiều đời và được truyền thụ trực tiếp "không giáo án" từ ngư dân này sang ngư dân khác, thế hệ đi biển này qua thế hệ đi biển khác. Dường như chúng ta chưa có một quyển sách nào chính thức dạy nghề đi biển, đánh cá biển "xa bờ" cho ngư dân, cũng chưa có một trường huấn luyện nào về nghề này. Khi có chủ trương "đánh bắt xa bờ", chúng ta đã cấp vốn cho ngư dân đóng thuyền, nhưng không hề cung cấp kiến thức đánh bắt xa bờ, cũng không nghĩ đến chuyện trang bị phương tiện thông tin và kiến thức đủ cho chủ tàu và thuyền trưởng điều khiển con tàu khi đánh cá ngoài hải phận chung gặp bão tố tai nạn thì phải xử lý thế nào. Tất cả lại phụ thuộc vào kinh nghiệm. Mà trong cơn bão số 1 này, kinh nghiệm của ngư dân đã tỏ ra bất cập. Khi kinh nghiệm đã không giúp được họ thoát bão, thì họ không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào khác.

Ở thời đại thông tin toàn cầu mà phương tiện liên lạc của những con thuyền đánh cá bơ vơ giữa biển lại vô cùng nghèo nàn và lạc hậu, làm sao ngư dân chúng ta tránh được những tai họa mà nếu có phương tiện thông tin liên lạc tốt thì hoàn toàn có thể tránh được. Đúng là 10 năm trước chúng ta đã gặp những tai nạn như thế này, và 10 năm sau vẫn gặp lại những tai nạn như vậy. Rõ ràng chúng ta chưa có một chiến lược đồng bộ và khoa học về đánh bắt cá xa bờ, cũng chưa có một chiến lược chinh phục biển Đông đúng như một quốc gia sở hữu 2.500 km bờ biển phải có. Không phải bây giờ, khi thảm họa trên biển xảy ra một cách "bất ngờ" ta mới nói đến chuyện này. Nhưng có lẽ chính từ thảm họa này, nhà nước cần hoạch định một chiến lược bài bản, khoa học, khả thi và nhanh chóng đưa chiến lược ấy vào cuộc sống - cụ thể là đến từng con thuyền ra khơi đánh cá - để mỗi đội thuyền đánh cá của ngư dân chúng ta trở thành một tập thể đi biển chuyên nghiệp, hành nghề chuyên nghiệp, và được trang bị những phương tiện thông tin liên lạc chuyên nghiệp. Như thế rất cần những trường dạy nghề đi biển khơi, nghề đánh bắt cá xa bờ không chỉ cho thuyền trưởng mà cho cả thuyền viên nữa. Không thể phó mặc cho ngư dân tự xoay xở như từ trước nay vẫn vậy. Rất nhiều dự án cho vay vốn "đánh bắt xa bờ" đã phá sản chính vì thiếu sự đồng bộ từ đóng thuyền đến trang bị phương tiện trên thuyền và huấn luyện đội ngũ đi biển. Chính sự phó mặc cho ngư dân đã là một trong những nguyên nhân dẫn tới những tai họa trên biển. Nước Việt Nam chỉ thực sự lớn khi biết vươn mình ra biển lớn, một biển lớn cụ thể chứ không chỉ là "biển lớn" tượng trưng.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.