Zimbabwe - đất nước của những "tỉ phú nghèo"

23/05/2006 22:36 GMT+7

Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thật ra lại đúng ở Zimbabwe. Dù có sở hữu bạc tỉ đi chăng nữa, người dân nước này vẫn sống rất chật vật trên chính mảnh đất quê hương mình do tỷ lệ lạm phát đã vượt ngưỡng 1.000%!

Triệu phú "chân đất"

Với chiếc áo sơ mi rách bươm và chiếc quần tả tơi được cột bằng sợi dây thay chiếc thắt lưng, trông B.Chikamba (một tài xế taxi "chui" ở thủ đô Harare) chẳng ra dáng một triệu phú chút nào. Hằng ngày, anh phải vật lộn với công cuộc mưu sinh dù số tiền kiếm được từ chiếc xe cà tàng của mình không hề nhỏ. Mức giá thấp nhất cho một cuốc xe ngắn ở đây cũng hơn... 1 triệu Z (đô la Zimbabwe). Nghe có vẻ nhiều nhưng ở quốc gia mà tỷ lệ lạm phát đã vượt hơn 1.000%, mức cao nhất ở một đất nước không trong tình trạng chiến tranh, số tiền này tính ra cũng chưa tới 11 USD. Hành khách đến sân bay quốc tế Harare sẽ nhanh chóng trở thành triệu phú sau khi đổi 10 USD vì tỷ giá chính thức là 101.000 Z ăn 1 USD. Tại chợ đen, tỷ giá còn cao gần gấp đôi. "Vâng, tôi là một triệu phú nhưng một triệu phú không thể mua bất cứ thứ gì", Chikamba than thở. "Tất cả mọi người dân Zimbabwe ngày nay đều là những triệu phú cả. Đất nước chúng tôi là đất nước của những triệu phú nhưng điều đó chẳng là gì cả và chúng tôi cũng chẳng có gì", anh chàng rầu rĩ. Chikamba bật cười với lời nói bông đùa của mình nhưng anh thừa hiểu đối với bản thân và hàng triệu người như mình, tình trạng siêu lạm phát này không phải là chuyện đùa.

Đồng tiền mất giá

Hồi đầu tháng này, mức chi tiêu bình quân cho một gia đình thu nhập thấp ở Zimbabwe đã tăng vọt lên 41 triệu Z/tháng, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh chạy gạo từng bữa. Tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức gần 70% và người lao động kiếm được trung bình khoảng 4 triệu Z/tháng, trong khi giá một hộp dao cạo râu 3 cái là 15 triệu, học phí trung bình từ 20 triệu-100 triệu/học kỳ... Còn khi đi ăn quán, bạn nhớ... khiêng theo vài bao tiền vì một đĩa cá rán đã có giá tới 1,3 triệu, một bữa cà-ri với vài người bạn trong nhà hàng Ấn Độ cũng xấp xỉ 13,6 triệu... Khỏi phải nói, khi hóa đơn được đem ra, mọi người như đang ngồi trước những cỗ máy đánh bạc tại Las Vegas với một đống tiền chất cao như núi giữa bàn. "Bạn phải đợi thêm 30 phút nữa để nhà hàng đếm số tiền bạn vừa trả cho họ", một thương gia cho biết. "Tôi đi đóng thuế và họ phải mất 1 giờ đồng hồ mới đếm hết số tiền 41 triệu Z mà tôi nộp. Thật khủng khiếp", ông nói. Điều này lý giải vì sao mặt hàng hiện đang được bán chạy như tôm tươi tại Zimbabwe là... máy đếm tiền. Báo chí ở đây dày đặc những mẩu quảng cáo máy đếm tiền được sản xuất tại Nhật Bản và Singapore với giá từ 345 triệu - 1,2 tỉ Z.

Vật giá leo thang

Đồng tiền có mệnh giá nhỏ nhất ở đây là tờ 500 Z. Tuy nhiên, tờ bạc này lại không thể mua được bất cứ vật dụng gì, ngay cả một cuộn giấy vệ sinh vì giá của nó cũng lên tới 150.000 Z. Các siêu thị mỗi ngày lại thông báo một bảng giá mới. Các mặt hàng như bịch đường, bao gạo có hàng lớp lớp giấy ghi giá, cái nọ đè lên cái kia. Bóc từng lớp một, bạn sẽ biết giá cả đã tăng như thế nào, có thể là 80% trong một tuần. Chưa hết, tiền học phí và các chi phí khác cũng đã bắt đầu vượt quá mức thu nhập hằng tháng của những gia đình trung lưu.

Trong khi đó, Tổng thống R.Mugabe đối phó với cuộc khủng hoảng trên bằng cách cho in hàng nghìn tỉ Z để bảo đảm bộ máy nhà nước vẫn hoạt động tốt. Để trả lương cho quân nhân, cảnh sát và công chức nhà nước, Ngân hàng Trung ương cho biết sẽ in thêm 60 nghìn tỉ Z loại tiền có mệnh giá lớn nhất là 50.000 Z. Zimbabwe hiện không có khả năng in quá nhiều tiền như vậy nhưng ông Mugabe lại từ chối in số tiền có mệnh giá lớn hơn 50.000 Z vì lo sợ điều này sẽ gây lạm phát! (Times, 7days.ae)

C.Y

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.