TNO

Đại học Huế: Đề thi cao học môn Lịch sử Việt Nam không rõ ràng?

22/06/2006 22:15 GMT+7

Kỳ thi cao học tại Đại học Huế (ĐHH) năm 2006 kết quả các môn thi đã được công bố từ ngày 15.5, sau đó là điểm phúc khảo, nhưng hiện vẫn còn 3 trường hợp xin phúc tra bài thi chưa được giải quyết, và đều rơi vào môn Lịch sử Việt Nam (LSVN). Theo 3 thí sinh trên, lý do để họ xin phúc khảo vì đề thi môn LSVN của ĐHH trong kỳ thi cao học "có vấn đề".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đề thi môn LSVN của kỳ thi cao học tại ĐHH (đề số 2) như sau: "Anh (chị) hãy trình bày về những sự chuẩn bị của Đảng Cộng sản Đông Dương cho cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945?". Đáp án của ĐHH cho đề thi này tập trung phân tích giai đoạn chuẩn bị cuối cùng và "trực tiếp" là 1939 - 1945. Tuy nhiên, câu trả lời đầy đủ - theo các thí sinh có đơn phúc tra - phải là sự chuẩn bị của Đảng Cộng sản Đông Dương qua các giai đoạn: 1930 - 1931, 1936 - 1939 và 1939 - 1945. Đề thi không yêu cầu thí sinh nêu sự chuẩn bị "trực tiếp" hay gián tiếp, do đó mọi giai đoạn chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám cần được phân tích rõ và đều có ý nghĩa lịch sử. Vì vậy, trong bài thi, họ đã nêu cả 3 giai đoạn mất nhiều thời gian, công sức nhưng không được tính vào thang điểm. Thêm nữa, đáp án mặc dù chỉ phân tích thời kỳ chuẩn bị "trực tiếp" 1939 - 1945, nhưng trong phần "kết luận" lại chỉ ra rằng: "Đảng Cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị khá lâu dài và chu đáo cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945. Sự chuẩn bị đó được tiến hành suốt 15 năm (1930 - 1945)...". Được biết, giá trị điểm của câu này lên tới 5/10 điểm, nên rất có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả toàn bài thi.

Ông Nguyễn Thọ Vượng - Trưởng ban Đào tạo sau đại học của ĐHH - cho biết, để đáp ứng nguyện vọng xin phúc khảo của 3 thí sinh nói trên, ngày 2.6 vừa qua, ĐHH đã mời các giảng viên có uy tín tham gia phúc tra bài thi môn LSVN, nhưng họ đã từ chối vì cho rằng nội dung đáp án không đầy đủ. Theo ông Vượng, đây là lần đầu tiên tại một kỳ thi cao học của ĐHH có xảy ra sự bất đồng giữa những người chấm thi lần 1 và chấm phúc khảo, xuất phát từ đáp án gây tranh cãi.

Chưa hết, khi tiếp cận đề thi này, chúng tôi thật sự "sốc" khi một đề thi dành cho kỳ thi cao học nhưng lại mắc quá nhiều lỗi chính tả sơ đẳng về quy tắc viết hoa - viết thường không đáng có; việc bỏ sót từ ngữ trong câu hỏi, dễ dẫn đến hiểu nhầm cho thí sinh khi định hướng làm bài. Được biết, để giải quyết "sự cố" này, ĐHH đã thành lập hội đồng chuyên môn để thẩm định lại đáp án, nếu sai sót sẽ chỉnh lý và tổ chức chấm  lại tất cả 52 bài thi môn LSVN.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.