Bảo tàng Anh với du học sinh Việt Nam

19/07/2006 21:10 GMT+7

Trong cách nói của người Việt, khi nói xếp cái gì hay ai đó vào "bảo tàng", có nghĩa là đối tượng đang đề cập đến đã quá già nua, không còn giá trị, hay nói một cách bình dân là hết "date". Có lẽ cách diễn đạt này sẽ thay đổi nếu chúng ta có dịp đến bảo tàng ở Anh.

Mới và mới

Du học sinh ở Anh cho rằng nếu chưa đến Bảo tàng Anh quốc (British Museum) là một thiếu sót. Tôi chỉ đến đó một lần với thời gian thật ngắn ngủi nhưng bù lại, vào cuối tuần, khi thời tiết đẹp, tôi thường đến các bảo tàng ở Liverpool - thành phố lớn thứ 4 của Anh quốc. Do đó, tôi cảm nhận được phần nào sự mới mẻ, đổi thay liên tục ở bảo tàng và hiểu tại sao rất đông dân Anh chịu khó đến những nơi này.

Trung bình cứ một đôi tháng là các bảo tàng tổ chức những cuộc triển lãm mới với quy mô khá lớn, đòi hỏi sự đầu tư và chuẩn bị rất chu đáo. Đó có thể là đợt triển lãm hình ảnh với rất nhiều thông tin  về các loài khỉ trên thế giới, là đợt giới thiệu về thế giới muôn thú ở rừng nhiệt đới, những khám phá kỳ bí về thế giới cổ đại Đông phương, Tây  phương... Gần đây nhất, tôi thật sự choáng ngợp bởi thế giới sắc màu tại cuộc triển lãm về màu sắc. Có thể nói, tất cả những ngóc ngách, khía cạnh, lĩnh vực của màu sắc trên thế giới, trong cuộc sống, từ vi mô đến vĩ mô đều được trưng bày ở đây. Bảo tàng Biển (Maritime Museum) cũng vừa tổ chức triển lãm về bông (cotton) cung cấp cho người xem mọi vấn đề liên quan, kiến thức từ sơ đẳng đến hàn lâm. Đó là chưa kể những buổi nói chuyện liên quan đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống, phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau, diễn ra thường xuyên hằng tuần tại các viện bảo tàng.

Hàng ngàn sách trong Thư viện British Museum

Học từ... bảo tàng!

Có thể nói, ở đây, chức năng của bảo tàng không chỉ triển lãm, giới thiệu mà còn để giáo dục, là nơi để học sinh, sinh viên học tập. Từng học kỳ theo mùa, các bảo tàng thiết kế những buổi học ngoại khóa  phù hợp. Tờ bướm giới thiệu được phát  rộng rãi với thông tin thật chi tiết. Chương trình này với những bài giảng, buổi tham quan phù hợp với từng đối tượng. Một số bảo tàng còn có phòng để học sinh có thể vào đó thực tập. Bảo tàng nào cũng có phòng dành cho trẻ em, trang trí đẹp, đầy màu sắc để các em có thể vừa chơi vừa học. Ở đó còn có phòng chiếu phim với những bộ phim thật ngắn cung cấp những kiến thức cơ bản về hành tinh cho trẻ em. Phòng chiếu được thiết kế như một bầu trời, khi thời gian trôi qua, ban ngày, ban đêm người xem cảm nhận như mình đang ở một thế giới thật. Thư viện dường như là một phần bắt buộc trong hệ thống bảo tàng quốc gia? Ai đã từng đến British Museum mà không dừng chân ngắm nhìn hàng ngàn cuốn sách được sắp xếp ấn tượng!

Đã bao nhiêu lần được nghe về thiên thạch nhưng lần đầu tiên tôi chạm được một thiên thạch thật sự ở bảo tàng quốc gia. Trông nó chỉ như một viên đá nhỏ nhưng nặng không thể tưởng. Nhiều người sờ vào nó đến mức nó bóng lộn lên. Ở đó, bạn cũng có thể thấy xác ướp Ai Cập ngàn năm tuổi thật sự. Có thể chiêm ngưỡng những kiệt tác hội họa và cũng thật thú vị khi thấy rối nước Việt Nam cũng hiện diện trong bộ sưu tập rối trên toàn thế giới. Bộ sưu tập về động vật thì thật tuyệt vời cho trẻ em vì có thể chiêm ngưỡng những tiêu bản động vật, thậm chí  được sờ vào một số hiện vật như sọ tê giác, răng hà mã, tròng đen mắt voi (bạn chắc chắn ngạc nhiên khi cầm nó trên tay, to như một trái cam). Có kính hiển vi cho trẻ em tự khám phá những hóa thạch hay côn trùng nhỏ. Một thế giới thực đến mức khi con tôi muốn biết con kiến như thế nào. Tôi phải hẹn dẫn nó đến... bảo tàng vì ở đó có cả một khu trưng bày về kiến với những con kiến thực đang hoạt động trong một đời sống thực, môi trường thực.

Còn bước vào Bảo tàng Biển, bạn có cảm giác như đang ở trong một con tàu lớn với từng khoang, phòng có các chức năng riêng. Màn hình lớn lúc nào cũng chiếu hình ảnh sóng biển, bên tai lúc nào cũng nghe tiếng sóng rì rào. Những sinh viên hàng hải chắc chắn sẽ thích thú với bảo tàng này vì hầu hết những gì liên quan đến biển đều có ở đây, kể cả hội họa. Thú vị hơn khi chúng ta có thể thấy nguyên bản của chiếc tàu huyền thoại Titanic. Nó được đóng ở Anh (Belfast) và bắt đầu chuyến hải trình bi kịch cũng từ Anh (Southampton).

Điều thú vị hơn hết là hầu hết mọi hoạt động ở bảo tàng đều miễn phí nhưng lại được phục vụ hết sức chu đáo và chuyên nghiệp.

Thùy Ngân
(từ Anh quốc)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.