NSƯT Hoàng Dũng - Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: Hy vọng sẽ hợp "gu" khán giả phía Nam

06/08/2006 22:07 GMT+7

Nhà hát Kịch Hà Nội vừa ra mắt vở Điện thoại di động (tác giả Nguyễn Quang Lập - đạo diễn NSƯT Hoàng Dũng) tại Nhà hát TP.HCM đầu tháng 8 này. Trong chuyến Nam du lần này, còn có vở Xuân tím (tác giả Nguyễn Thu Phương, đạo diễn NSƯT Nguyễn Quốc Toàn). Sau 2 năm, nhà hát mới tái ngộ khán giả phía Nam.


NSƯT Hoàng Dũng

Điện thoại di động đề cập một vấn đề rất "nóng" hiện nay là chống tham nhũng, nhưng lại xoáy sâu vào bi kịch gia đình của chính những ông quan tham. Chưa cần dư luận phanh phui thì những gia đình ấy đã phải gánh chịu hậu quả của những thứ danh lợi bất chính. Vợ thì hiến thân cho thủ trưởng để chồng lên chức. Con thì học hành chẳng ra gì. Cuối cùng là sự tan nát. Dàn diễn viên trẻ như Công Lý, Kiều Thanh diễn thật chững chạc bên cạnh những "lão làng" như Phú Thăng, Minh Hòa. Có rất nhiều chi tiết làm khán giả cười ra nước mắt. Chỉ một tiếng rưỡi đồng hồ ngắn gọn, vở diễn đã làm khán giả vừa lòng.

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với NSƯT Hoàng Dũng - Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội về tình hình hoạt động của nhà hát cũng như chuyến biểu diễn ở phía Nam lần này.

* Thưa ông, những vở diễn như thế chắc là đông khách tại Hà Nội?

- Đáng tiếc, người Hà Nội đã mất thói quen mua vé đến sân khấu. Các đơn vị cũng có biểu diễn, nhưng cầm chừng thôi, chứ không được như Sài Gòn sáng đèn hằng tuần, thậm chí hằng đêm như IDECAF. Người Hà Nội lạ lắm, những ngày nghỉ hoặc cuối giờ làm việc là họ thích nghỉ hoàn toàn, không bước chân ra khỏi nhà. Chúng tôi thử tiếp thị, thì họ chỉ thích xem vào giờ... hành chính. Thế mới khổ! Còn cái khổ nữa là rạp ngoài đấy to quá, toàn 700-800 ghế, bán vé ít trông rất loãng. Chúng tôi đang rất cần một rạp nhỏ, khoảng 200-300 ghế, bán 150 vé cũng thấy không gian ấm cúng, diễn thu hút hơn. Như đoàn chèo có một rạp nhỏ như thế, tuần nào họ cũng diễn, sống khỏe.

* Dựng vở công phu như thế mà đem cất thì uổng quá, chẳng lẽ các anh bó tay?

- Bó tay thì không. Nhưng phải chờ cơ chế chị ạ. Mỗi năm chúng tôi dựng hai vở đã vất vả lắm rồi vì kinh phí chỉ cho có thế, và cũng không tìm được kịch bản hay, nếu xã hội hóa lại càng phức tạp, vì sợ nhập nhằng giữa vở "công" và vở "tư", thà làm ăn riêng hoàn toàn như IDECAF hoặc Kịch Sài Gòn lại dễ hơn. Cho nên, nếu không diễn được thì anh em nghệ sĩ chấp nhận ngồi nhà. Nói vậy chứ mỗi năm chúng tôi cũng phục vụ khoảng 250 suất, nhờ lưu diễn nhiều tỉnh thành, không đến nỗi. Đặc biệt ở phía Nam chúng tôi có nhiều khán giả quen thuộc và cả tác giả quen như Nguyễn Thu Phương chẳng hạn, nên hy vọng sẽ hợp "gu" khán giả phía Nam.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.